Chuyện tình cảm động của chàng trai mù và cô thôn nữ

Chuyện tình cảm động của chàng trai mù và cô thôn nữ
TP - Tình cờ, Lý - chàng trai bị mù lòa gặp và quen Hằng trong lúc đợi chuyến xe cuối ngày rời thị xã Hà Tĩnh về huyện Cẩm Xuyên. Chuyến xe mùa xuân khởi đầu cho một một cuộc tình duyên lãng mạn, nhưng cũng chan hòa nước mắt...
Chuyện tình cảm động của chàng trai mù và cô thôn nữ ảnh 1
Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của Lý- Hằng Ảnh: Q.Long

Nguyễn Quang Lý SN 1977, quê ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Lý là con thứ 3 trong một gia đình đông anh em, bố mẹ đều làm nông. Tám nhân khẩu chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng nước nên cuộc sống hết sức vất vả, khó khăn.

Lên 2 tuổi, Lý nổi mẩn ngứa bên vùng má phải. Vết lở loang dần xuống cổ, ngực. Những người công nhân hồ Kẻ Gỗ bảo lấy hạt vừng đốt lên, thổi khói vào vùng ngứa, sẽ khỏi. Bố mẹ Lý nghe theo. Không ngờ thổi khói vừng “quá liều”, Lý bị mù mắt. “Có lẽ mình làm không đúng cách nên mới xảy ra tai nạn anh ạ! Số em nó vậy rồi, biết làm sao được!”, Lý nói. Nụ cười thoảng nhẹ trên môi mà hai hàng nước mắt đầm đìa.

Năm 1993, Tỉnh hội Người mù Hà Tĩnh cho Nguyễn Quang Lý đi học khóa chữ nổi tại thị trấn Cày (huyện Thạch Hà). 9 tháng sau Lý có thể đọc được chữ dành cho người khiếm thị. 1997, Lý đi học nghề làm tăm tre, chổi đót. Học xong lại thất nghiệp.

Anh Phạm Công Ngũ là chủ một Trung tâm nuôi dưỡng trẻ tật nguyền tại cầu Phủ, thấy vậy thương tình nhận Lý vào cơ sở sản xuất tăm tre. Chưa đầy 1 tháng, Hội người mù huyện Cẩm Xuyên đưa Lý về quê, làm tăm tại nhà. Sản xuất được bao nhiêu, Lý cùng các bạn Dương, Tiến thay nhau đi bán dọc thị trấn.

Năm 2001, Nguyễn Quang Lý mang tăm ra bán ở chợ thị xã (nay là thành phố Hà Tĩnh). Mỗi ngày, trừ tiền tàu xe, Lý lãi được 10.000 đồng. Chiều muộn, anh đi xe ôm ra đường quốc lộ 1A đón ô tô về Cẩm Xuyên. Chờ gần 30 phút vẫn chưa có xe chạy qua.

Chuyện tình cảm động của chàng trai mù và cô thôn nữ ảnh 2

Bên cạnh giọng một cô gái vang lên: “Anh bắt xe về Cẩm Xuyên phải không?”. “Vâng!”, Lý trả lời. Cô gái tiến đến bên anh, tiếng Hà Tĩnh nằng nặng: “Em quê ở xã Cẩm Huy. Sáng nay, em ra thăm chị gái, ta cùng đón một chuyến xe đi cho vui anh nhé”. Lý gật đầu. Anh không nhìn thấy mặt cô gái vừa quen, nhưng nghe qua giọng nói Lý nghĩ đây là cô thôn nữ hiền lành, dễ mến.

Xe ô tô áp sát vào lề đường, hai người đến bên cửa nhưng loay hoay mãi Lý vẫn không tìm được lối lên xuống. Anh hỏi cô gái: “Em có thể dắt anh qua cái trôộc này được không?” (tiếng Hà Tĩnh, “trôộc” để chỉ cái mương nước, đoạn dốc...). Cô tiến lại gần anh, đưa tay dìu Lý bước lên xe.

Họ ngồi bên nhau. Suốt từ đoạn đường từ tỉnh lỵ Hà Tỉnh tới thị trấn Cẩm Xuyên, cô gái kể cho Lý nghe về hoàn cảnh gia đình, sở thích của mình. Cô giới thiệu tên là Hằng, ở thôn 1, xã Cẩm Huy. “Lúc nào có điều kiện, mời anh xuống thăm nhà em. Em chờ đấy”, Hằng bảo.

Đêm đó, Nguyễn Quang Lý không chợp mắt được. Giọng nói dịu dàng, hơi ấm của bàn tay Hằng như vẫn còn lan tỏa đâu đây. Sáng hôm sau, Lý nhờ bạn trai thân nhất của mình là Nguyễn Quang Anh chở xuống Cẩm Huy tìm Hằng. Anh hỏi cô: “Làm bạn với một người mù, Hằng có ngại không?”. Hằng trả lời: “Chẳng có gì đáng ngại!”. Lý nghe xong câu ấy, mừng lắm.

Tuy đôi mắt bị mù loà nhưng bụng Lý tốt, anh sôi nổi và hay pha trò. Sau vài tháng đi lại nhà Hằng, một hôm mẹ cô nói: “Nếu anh ưng, tui sẽ gả con gái cho!”. Lý quay sang hỏi bố của Hằng: “Bác gái nói vậy, nhưng còn bác trai thì thế nào ạ. Bác cũng đồng ý cho cháu lấy Hằng chứ?”. Bên kia chiếc chõng tre, bố Hằng hắng giọng nghiêm nghị: “Anh để từ từ, tôi tính!”. Lý hoang mang. Người bảo gả Hằng cho anh, người lại nói từ từ hãy tính, chẳng biết thế nào mà lường.

Trên con đường cát bụi, sau rặng tre làng thân thương, người dân làng Cẩm Huy thường bắt gặp đôi bạn trẻ dìu nhau đi dưới ánh trăng. Càng gần Lý, Hằng càng thấy thương yêu Lý hơn. Chàng trai mù loà đã chiếm trọn trái tim cô thôn nữ bằng đức tính thật thà, mộc mạc. Cô cảm thấy mình có thể tìm được ánh sáng từ góc tối, tìm được chỗ dựa tin cậy trên đôi vai vạm vỡ của người trai trẻ. Cô chấp nhận lời cầu hôn của Lý và trở về thuyết phục bố mẹ gả cô cho Lý. Trước sự năn nỉ của con gái, bố mẹ Hằng bằng lòng.

Lễ dạm hỏi bỏ trầu cau được ấn định vào ngày 26/1/2002. Thế nhưng gần đến ngày đó, bố Hằng lại phản đối: “Không cưới xin gì hết! Ai lại đi lấy một anh mù làm chồng, mày điên à, Hằng!”. Hằng khóc, cô mua về gói thuốc trừ sâu, định bụng sẽ kết liễu đời mình. Cô nói với Lý rằng nếu không lấy được anh, cô sẽ chết.

Một đêm mưa gió, nghe tiếng gõ cửa gấp gáp, Lý tung chăn vùng dậy. Trước mặt anh không phải ai xa lạ, mà chính là Hằng. Khuôn mặt cô đầm đìa nước mắt, vừa thấy Lý cô đã chạy ập đến ôm chặt lấy anh. Hằng khóc: “Bố kiên quyết không cho em cưới anh thì em lên đây ở với anh vậy!”. Từ hai hõm sâu trên khuôn mặt chàng trai mù ứa ra dòng lệ, anh khóc vì thương Hằng, vì thương phận mình thiệt thòi, cay đắng.

Ba ngày sau, đợi không thấy con gái quay về, bố Hằng và người cậu tìm đến nhà Lý định “lôi cổ” Hằng ra khỏi nhà trai. Hằng kiên quyết không nghe. Dùng “biện pháp mạnh” không được, bố cô phải dỗ ngon dỗ ngọt: “Trời không nghe đất thì đất phải nghe trời. Thôi, bố đồng ý cho cưới. Con về đợi một thời gian nhà trai xuống ta làm lễ bỏ trầu cau”. Hằng trở về nhà, nhưng đồ đạc tư trang vẫn để lại ở nhà Lý.

Mẹ Lý nhìn đứa con đui mù, nước mắt vắn dài: “Nếu bên ấy không ưng thì con đi tìm đám khác, Lý ạ!”. Lý buồn rầu: “Con chẳng có ai khác ngoài Hằng, cô ấy là người con yêu thương nhất!”. Qua ngày lập xuân (6/2/2002), nhà trai sắm cơi trầu, điếu thuốc xuống Cẩm Huy làm lễ dạm hỏi. Hôm đó, Hằng chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất, cô ra đứng trước mặt họ hàng hai bên nhận lễ.

Bố Hằng tuyên bố một câu xanh rờn: “Nó cưới chồng, đến khi tôi chết đi thì nó mới được quay trở về căn nhà này!”.

Đám cưới của đôi uyên ương Nguyễn Quang Lý - Hoàng Thị Hằng được tổ chức 2 ngày sau lễ bỏ trầu cau (8/2/2002). Nhà trai và nhà gái đều làm ruộng, đám cưới chỉ đơn sơ 10 mâm cỗ. Hằng nói với chồng: “Cưới to cưới nhỏ không quan trọng, miễn là suốt đời anh và em yêu thương, hạnh phúc mãi bên nhau!”.

Đói. Mùa giáp hạt không có gạo ăn, Hằng đạp xe đèo chồng đến các trường học, đến tận từng gia đình khắp mọi hang cùng ngõ hẻm để bán tăm. Mồ hôi, nước mắt của cô thôn nữ và chàng trai mù đã đổ xuống trên những nẻo đường Cẩm Xuyên, khi dăm ba cây số, khi phải vượt dốc lặn lội cả ngày trời mới bán được bó tăm. Ngày gió Lào rát bỏng cũng như hôm mưa phùn giá lạnh, đôi vợ chồng trẻ vẫn lầm lũi trên chiếc xe hai bánh.

Hằng sinh hạ cho chồng hai đứa con, một trai, một gái. Những đứa trẻ đem đến niềm vui vô bờ cho họ hàng nội ngoại. Thương đôi vợ chồng trẻ nghèo khổ, chính quyền xã Cẩm Quan tặng cho Lý- Hằng suất đất rộng 500m2, anh em chòm xóm mỗi người một tay giúp vợ chồng Lý dựng hai gian nhà ngói.

Ngày ngày, vợ đi làm ruộng, Lý ở nhà trông con và sản xuất tăm tre. Từ khi có hai đứa cháu ngoại, bố Hằng mới chịu “làm lành”. Nhiều hôm mưa to gió lớn, nhớ con, nhớ cháu, ông lọ mọ cuốc bộ từ Cẩm Huy xuống Cẩm Quan...

Tôi gặp Nguyễn Quang Lý tại cơ sở tẩm quất của người mù trên đường Trần Quang Diệu, TP.Vinh. Vì hoàn cảnh khó khăn, anh phải xa gia đình, chia tay vợ con đi làm nghề tẩm quất kiếm sống.

Gom góp tiền lương, mỗi tháng anh gửi về cho vợ vài ba trăm ngàn đồng mua gạo. Lý bảo anh muốn chuyển Hằng ra Nghệ An để vợ chồng có thể gần gũi, đỡ đần cho nhau lúc ốm đau hoạn nạn, anh đã đi xin việc nhiều nơi nhưng chưa ai nhận...

MỚI - NÓNG