Chuyện tình của 18 chàng thương binh ở Đăk Ui

Chuyện tình của 18 chàng thương binh ở Đăk Ui
TP - Ra khỏi chiến tranh, hầu hết trong số họ đều phải mang thương tật. 18 chàng trai là lính Cụ Hồ đều sinh ra và lớn lên từ miền Bắc đã quyết tâm ở lại Tây Nguyên để “xe duyên” cùng những cô sơn nữ của núi rừng Tây Nguyên.
Chuyện tình của 18 chàng thương binh ở Đăk Ui ảnh 1
Ông Trần Đình Minh và bà Y Mười

Con gái người Xê Đăng, Ba Na hay Giẻ Triêng... đều biết cách “giữ chân” những chàng trai ở lại, họ đã lập nên một làng quân nhân trù phú, bên hồ Mùa Xuân (thôn 8, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, Kon Tum).

Những mối tình “cổ tích”

Mồ côi từ lúc vừa mới lọt lòng, Trần Đình Minh lớn lên nhờ sự cưu mang của người bác họ ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Năm 1963, chiến trường miền Nam đang diễn ra ác liệt, mặc cho chính quyền địa phương, các tổ đoàn thể và anh em họ hàng kiên quyết không cho anh nhập ngũ vì lý do con mồ côi, nhưng chàng trai Trần Đình Minh vẫn viết đơn tình nguyện, thậm chí cắt máu ăn thề để được lên đường đi đánh giặc.

Bước chân người lính trẻ đã đi khắp núi rừng Tây Nguyên, những trận đánh tại sân bay Plei Kần, chiến dịch Đăk Mốt, Đăk Pao, Đăk Pék... đầy khốc liệt, rồi được biên chế về đơn vị bộ đội địa phương.

Mối tình “cùng chung chiến hào nảy sinh”, khi chàng binh nhì Trần Đình Minh bị cô sơn nữ người Giẻ Triêng Y Mười - là chiến sỹ trong đội quân “tóc dài” làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí đạn dược... hút hồn.

Để bây giờ, trong ngôi nhà khang trang bên hồ Mùa Xuân này, tôi được ngồi trò chuyện với họ...

Bà Y Mười khỏe mạnh, hồn hậu kể tôi nghe về cái thuở đầu của hai người giữa bom đạn: “Mình thấy anh ấy thật thà, chất phác, vì hoàn cảnh gia đình nên mình đã làm chỗ dựa tinh thần cho anh ấy. Ngược lại, mình cũng rất được “đằng ấy” tin tưởng !”.

Ông Minh vừa trên rẫy cà phê trở về mồ hôi còn nhễ nhại, vui vẻ tiếp lời : “Bà xã biết mình thiếu thốn tình cảm, nên khi nào cũng ưu ái, quan tâm mình nhiều hơn cả!”.

Tôi theo chân trưởng thôn Lê Ngọc Cử (cũng là thương binh) ghé vào nhiều gia đình trong “làng quân nhân” bên hồ Mùa Xuân.

Họ đều là những chàng trai đất Bắc có vợ là người Xê Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng... và đã sống hạnh phúc suốt gần 35 năm qua.

Để có được ngày hôm nay, họ đã có những mối tình “cổ tích” như cặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Hào với bà Y Ngăn, ông Trần Xuân Lành với bà Y Xã, ông Nguyễn Văn Lực với bà Y Đức, ông Trần Văn Khương với bà Y Ó, ông Nguyễn Xuân Anh với bà Y Vinh, ông Nguyễn Văn Tích với bà Y Ngõ, ông Lê Xuân Cường với bà Y Gái…

Mười tám cặp vợ chồng này chung sống với nhau rất hạnh phúc, con cái đều được học hành thành đạt.

Đám cưới của chàng lính trẻ với cô thiếu nữ Y Mười được đơn vị đứng ra lo liệu đúng vào dịp 30 Tết năm 1974, giữa núi rừng cao nguyên.

Cưới đơn giản, đơn vị tạo điều kiện để cặp vợ chồng trẻ ở bên nhau đúng ba ngày trăng mật, rồi cả hai nhận lệnh lên đường đi đánh địch tại thị xã Kon Tum.

Kết quả mối tình ngày ấy đến nay là 5 người con đều đã ăn học nên người. Bà Y Mười nhẩm tính: Đứa thì vào bộ đội, đứa thì giáo viên, làm cán bộ xã...

Ngừng một lúc, bà tiếp lời: “Con trai người Bắc yêu vợ, thương con hiếm có ai bằng đâu nhé ! Mấy chục năm qua vợ chồng chưa bao giờ phải to tiếng cãi vã, đói no có nhau...”.

Gặp ông Nguyễn Chí Kiệm, năm nay tròn 67 tuổi, tôi mới hiểu vì sao lại có câu  nổi tiếng của người dân xứ Nghệ “trai Cát Ngạn, gái Đô Lương”.

Mối tình của ông với nữ dũng sĩ diệt Mỹ Y Bom, theo ông, “đơn giản chỉ vì bà ấy mê ... tiếng đàn, lời hát của cánh lính trẻ chúng mình!”.

Ông Kiệm rời quê Thanh Đồng (Thanh Chương, Nghệ An) vào những năm 1960, nhập ngũ vào Tiểu đoàn 270 và đã có mặt tại các điểm nóng của chiến trường bắc Tây Nguyên.

Lính thời chiến vất vả đủ đường, đơn vị đóng quân gần các buôn làng, nên được nhiều cô gái Xê Đăng lui tới thăm, lúc thì nắm rau rừng, khi thì gùi măng le trong đó có nữ du kích Y Bom làng Vang Tó, xã Đăk Ui anh hùng.

Nữ du kích Y Bom là người gan dạ, mưu trí, dũng cảm, chỉ nghe đến tên bà nhiều tên lính Mỹ và tay sai đã “kinh hồn, khiếp vía”.

Y Bom nổi tiếng trong nhiều trận chống càn của Mỹ-ngụy, với nhiều chiến công lẫy lừng, và bà đã được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”.

Sau một thời gian được đơn vị cử ra miền Bắc học tập, bà trở về làm trợ lý dân quân của Huyện Đội và “cái duyên” đã ngấm vào cả hai từ ngày còn trong làng Vang Tó, nay được làm việc cùng chàng trai chính trị viên lém lỉnh, đẹp trai, hát hay, đàn giỏi Nguyễn Chí Kiệm.

Bà Y Bom thổ lộ: “Mình thương anh ấy từ ngày đầu tiên gặp nhau mà anh ấy... đâu có biết!”.

Có lần bà đã hỏi người yêu “sợ đánh xong giặc Mỹ, anh lại về xứ Nghệ... bỏ em lại đây”, làm chàng Kiệm phải tốn bao lời thề non hẹn biển, bà mới chịu tin anh sẽ quyết tâm ở lại xây dựng mảnh đất Tây Nguyên.

Hôm nay gặp tôi, ông nhìn sang bà vẻ đầy trìu mến, hóm hỉnh: “Đó, em thấy chưa, có dời non lấp biển đi chăng nữa, anh vẫn sống bên em trọn đời !”. Lấy nhau, ông bà lần lượt sinh đến 10 người con, đến nay đã có ít nhất 7 người con của ông bà tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm ổn định.

Chuyện tình của 18 chàng thương binh ở Đăk Ui ảnh 2
Vợ chồng ông Nguyễn Chí Kiệm và bà Y Bom

Làng quân nhân vùng sơn cước

Làng quân nhân nằm bên con đường vừa trải nhựa rộng thênh thang, hiện lên trù phú, bên hồ Mùa Xuân (thôn 8, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, Kon Tum) với 18 cặp vợ chồng “trụ” lại trên mảnh đất vốn đầy bom đạn.

Đúng là đất lành chim đậu! Anh em họ hàng ngoài Bắc xa xôi lần lượt theo các cựu chiến binh, thương binh vào đây lập nghiệp.

Trưởng thôn Lê Ngọc Cử cho biết: “Hiện nay thôn có 164 hộ, gần 700 khẩu, toàn là người thân và con em của 18 cặp vợ chồng cựu chiến binh, thương binh này cả…”.

Những người lính Trường Sơn đang phải mang thương tật đầy mình, nhưng chưa bao giờ họ chịu đầu hàng trước khó khăn. Và họ từng làm những việc “nổi tiếng” mà ở tỉnh Kon Tum rất nhiều người biết.

Năm 2005, bức xúc trước việc cánh đồng hơn 20 ha của bà con trong vùng không có nước tưới, hai người lính thương binh là thôn trưởng Lê Ngọc Cử và Bí thư chi bộ Nguyễn Chí Kiệm đã đem tài sản của mình bán và thế chấp, thậm chí thế chấp sổ lương hưu, giấy tờ nhà đất cho ngân hàng để vay số tiền gần 50 triệu đồng ngăn suối làm thủy lợi, thuê người đắp đập, đào kênh mương, mua thùng phuy về làm máng...

Từ “cánh đồng hoang”, nay nhờ ý chí, quyết tâm và nghị lực mà tất cả các hộ gia đình trong thôn không ai còn phải thiếu về lương thực, người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi.

“Họ là những tấm gương sáng về mọi mặt, nhất là chung sống hòa thuận, đầm ấm và là những người tiên phong, đi đầu trong phát triển kinh tế, hướng dẫn cho bà con các dân tộc trong xã xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến ở khu dân cư...” - Ông U Brao - Bí thư Đảng ủy xã Đăkui

MỚI - NÓNG