Chuyện tình son sắt và số phận một nữ TNXP

Chuyện tình son sắt và số phận một nữ TNXP
TP - Nhìn hai bức ảnh không ai tin đó là một người. Nhưng, đó là sự thật! Từ một người khỏe mạnh nặng 56kg, đến nay chị chỉ còn khoảng 20 kg, với chân tay co quắp...

Tháng 6/1972, Lương Thị Nguyệt (sinh năm 1953, dân tộc Tày, quê ở Đồng Mỏ, Lạng Sơn), trú quán tại Làng Luông, xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên tình nguyện đi thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ cho bộ đội chủ lực đánh trả những trận mưa bom của giặc Mỹ điên cuồng leo thang rải bom B52 ra miền Bắc.

Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Tại Đội 91, tổng đội 911 do ông Hòa Thăng làm trưởng ban, cũng như bao cô gái trẻ, chị Nguyệt ra sức phục vụ cách mạng.

Năm 1973, trong trận ném bom của giặc Mỹ xuống khu vực trọng điểm ga Lưu Xá, gần 40 anh chị em trong đội đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng tại ga. Hiện, họ đang được yên nghỉ tại nghĩa trang Lưu Xá TP Thái Nguyên. Hôm đó, chị Nguyệt không có mặt tại ga nên đã an toàn. Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm đó chị lại khóc.

Cuối năm 1974, hoàn thành nghĩa vụ, chị được về công tác tại Cty xây dựng số II Thái Nguyên. Chị kết duyên với anh thương binh Đào Thanh Xuyên, bộ đội từ E766 Bộ tư lệnh 959 tại Sầm Nưa (Lào), phục viên về địa phương công tác.

Cuộc sống đang tràn đầy hạnh phúc bên người chồng là Bí thư Đảng ủy xã Hóa Thượng (từ năm 1986 đến năm 1994). Thật không ngờ, tháng 5/1999, chị bị bệnh nặng.

Chuyện tình son sắt và số phận một nữ TNXP ảnh 1
Anh Xuyên luôn ân cần bên vợ!

4 tháng liền gia đình đưa chị đi chữa khắp nơi, cuối cùng bệnh viện Hà Nội trả về với bệnh: Xơ cứng bì, teo cơ giai đoạn cuối, giờ đã thành cố tật. Do chị phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều do anh giúp đỡ nên anh đã xin nghỉ công tác xã hội về cáng đáng việc nhà.

Lương thương binh hạng 3 của anh là: 660.000 đồng/tháng, anh tảo tần nuôi vợ, nuôi con. Anh vượt khó khăn, chu đáo phục vụ vợ, nuôi các con ăn học, dựng vợ, gả chồng cho con. Các con anh chị đều chăm ngoan, hiếu thảo.

Nhìn thân hình vạm vỡ, nét mặt cương nghị của anh, tôi đọc được những khó khăn anh đã và đang còn phải vượt qua. Tâm sự với chúng tôi, anh không phàn nàn điều gì về đời tư, gia cảnh của mình.

Anh chỉ đau đáu về quyền lợi đáng ra chị được hưởng nếu không làm mất giấy tờ thời gian phục vụ cách mạng. Mặc dù đồng đội của chị còn rất nhiều, đang sống tại địa phương làm chứng cho chị.

"Chỉ cần nghe tiếng nói của cô ấy là tôi mãn nguyện rồi. Mong sao cô ấy mãi mãi ở bên tôi. Tôi đang gom góp tiền mua xe lăn, để hằng ngày đưa cô ấy ra sân, hít thở khí trời, nghe âm thanh của thiên nhiên"

Anh Đào Thanh Xuyên, chồng chị Nguyệt

Song đã 33 năm nay chị không được nhận bất cứ quyền lợi nào của cựu TNXP, kể cả tiền trợ cấp cho người tàn tật. Giờ chị đã bị mù 2 mắt, sống trong tăm tối, trong sự chăm sóc ân cần chu đáo của người bạn đời thủy chung son sắt.

Từ một người khỏe mạnh nặng 56kg, đến nay chị chỉ còn khoảng 20 kg, với chân tay co quắp. Cũng may, trời còn thương để lại cho chị thính giác và giọng nói trong trẻo để mỗi khi anh chăm sóc (bón cơm, tắm rửa, nâng đỡ), vợ chồng còn được tâm sự với nhau, bàn luận về cuộc sống, về nuôi dạy con cái...

Mỗi lần lên thăm anh chị, tôi lại thấy chị nhỏ hơn, yếu hơn. Nhìn chị còn bộ xương bọc da, tôi thấy ngậm ngùi. Mong sao chị sớm có một chiếc xe lăn, chị không ngã bệnh để làm chỗ dựa tinh thần cho bố con anh. Mong sao chị sẽ được hưởng những gì mình đáng được nhận, được hưởng.

Bài toán cuộc đời của cô TNXP ngày ấy, bây giờ vẫn đang chờ lời giải từ các cơ quan chức năng, để quyền lợi chính đáng được về đúng địa chỉ.

Quản Thị Ngọc Bích
Đồng Hỷ, Thái Nguyên

MỚI - NÓNG