Sức trẻ nơi biên cương- Bài 2:

Chuyện tình yêu của người La Chí… sừng trâu

Ông Vương Chính Minh (giữa) mô tả phong tục của người La Chí ở Bản Phùng. Ảnh: Xuân Tùng
Ông Vương Chính Minh (giữa) mô tả phong tục của người La Chí ở Bản Phùng. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Trong nếp nhà sàn bảng lảng khói và tiếng tí tách củi cháy, chúng tôi may mắn được hòa trong không khí linh thiêng với nhiều nghi lễ ngày Tết tháng 7 truyền thống của người La Chí ở Bản Phùng, đồng thời, được những người cao tuổi chỉ cho Tết Cơm mới, phong tục cưới hỏi lạ ở đất này.

Đổi trâu lấy vợ

Quây quần bên mâm cơm đón tiếp người họ hàng Vương Hữu Sinh từ huyện Quang Bình sang thăm, sẵn câu chuyện cưới xin của con trai út, ông Vương Chính Minh nhấp chén rượu, kể phong tục của người La Chí. 

Bảo vợ lấy thêm bát, chén uống rượu cho khách, ông Minh khoe “Ố, ngày xưa tôi tán mất hẳn một năm ấy”. Cả khách lẫn chủ cười lớn.

Không như người Kinh, con trai La Chí khi đến tán tỉnh con gái chỉ được đứng ngoài sàn nhà nói chuyện. 

“Người Kinh, người Tày, người Nùng thì vào nhà nói chuyện, còn với chúng tôi, con gái ngồi sát bên vách, con trai không được vào nhà, đứng ngoài nói chuyện thôi. Đến khi nào yêu thì mới gặp mặt, nói chuyện cưới xin, lấy trâu về cho gia đình”, ông Minh nói. 

Nhưng theo thời gian, phong tục cũng thay đổi. Ông Sinh góp chuyện: “Quy định là thế, nhưng thằng nào gan to, khôn thì nó vào nhà nói chuyện, uống nước ngay đấy”. 

Đám cưới của người La Chí cũng có nhiều nét đặc biệt. Khi đã tìm được con gái đồng ý yêu, thì nhà trai phải mang đôi gà, vài chai rượu đến thưa chuyện đi lại, cưới hỏi. Để chuẩn bị đám cưới, nhà trai phải sắm một con trâu, vài ba triệu, vài chục cân thịt, 7 – 8 can rượu. 

“Rượu thịt là để tiếp khách, trâu để dắt sang nhà gái đổi con gái người ta về làm dâu. Trâu to hay nhỏ đều được, người ta cũng không để ý đâu”, ông Minh nói. Trong ngày cưới về nhà chồng, cô dâu mặc trang phục truyền thống của người La Chí. Rước dâu không đi xe, hay cưỡi ngựa mà đi bộ. “Không phải đón dâu ban ngày như người Kinh nhé.

Khoảng chiều tối, nhà trai lấy con gà đi mổ để cúng. Khoảng 7h – 9h tối đốt đuốc đưa con dâu về. Ban ngày nó xấu hổ không về đâu”, ông Minh kể. 

“Ngày xưa, mới 13, 14 tuổi đã lập gia đình nên thường xấu hổ, nhìn nhau còn ngại, ăn cơm cũng cúi mặt huống gì đến chuyện động phòng. Có khi vài tháng sau mới nằm cùng với nhau”, ông Sinh nói thêm. 

Cũng theo ông Sinh, sau 13 tối ngủ ở nhà chồng, cô dâu mới được “lại mặt” nhà gái. “Chúng tôi không quan trọng về mấy ngày, 3 ngày, 4 ngày hay 3 năm cũng được. Nhà chồng đi gọi ba đợt mà không về thì chúng tôi đến dắt trâu về”, ông Minh nói.

Mặc dù có nhiều thay đổi trong phong tục, nhưng đến giờ, nhiều tập tục trong ứng xử, sinh hoạt vẫn được giữ, nhất là đối với những người phụ nữ về làm dâu. Tiện đôi đũa, ông Minh chỉ những ranh giới mà con dâu không được bước qua trong nhà, đặc biệt ở khu thờ cúng gần bếp. “Mình ở dưới sàn thì con dâu không được lên trên nhà. Nó không dám cao hơn mình đâu”. 

Chỉ vào mấy bát thức ăn trên mâm, ông Minh bảo, bố chồng, con dâu phải kiêng động đũa trong một bát thức ăn. Nếu dùng muôi múc thì không sao, đã đưa đũa lên miệng rồi gắp chung một bát thì không được. Chăn đắp của con dâu cũng không được vứt sang chiếu của bố chồng. 

Anh Long Đức Dương, Bí thư Đoàn xã giải thích, đây là thể hiện sự tôn trọng cha mẹ trong gia đình. “Phong tục đó không bỏ được”, anh Dương nói.

La Chí… sừng trâu

Với người La Chí, con trâu có liên quan nhiều mặt của đời sống. Ở góc nhà ông Vương Chính Minh treo bộ xương đầu trâu đã khô đen nhánh.

Đó là góc linh thiêng nhất trong ngôi nhà sàn của người La Chí chỉ để làm các nghi lễ cúng bái, nơi ông Minh ngủ mà con dâu không bao giờ được “bén mảng”. 

Trước thắc mắc về bộ xương của chúng tôi, ông kể, phải mất ba lần cúng thì mới có được một chiếc đầu trâu như thế. Lần đầu cúng gà, lần thứ hai cúng dê, lần thứ ba mới cúng trâu. “Sừng trâu cũng có nhà có, nhà không, tùy điều kiện. Đời bố không làm được thì đời con làm. La Chí chúng tôi phân chia giàu và nghèo là như thế”, ông Minh nói. 

Chỉ vào cái đầu trâu, ông Minh bảo, phải cúng mới được mổ trâu. “Có 4, 5 người cúng ở đây. Phải mặc áo dài và đội mũ. Không hề đơn giản đâu”, vừa nói, tiện tay, ông Minh với lấy chiếc mũ cúng tổ tiên đội lên đầu, mặc thêm chiếc áo ma. “Chỉ dịp lễ tết phải cúng mới mặc áo, mũ thôi, nhưng nay mặc vào cho nhà báo xem. Có tội gì tôi chịu hết”. 

Ông Minh cũng cho hay, khi đến tuổi trưởng thành có vợ con và ra ở riêng, mỗi người đàn ông La Chí sẽ lập một bàn thờ, tùy điều kiện tự làm cho mình một bộ đầu trâu và chiếc áo ma để cúng. “Mai kia tôi chết, không có áo này thì người nhà không dám đi chôn đâu. Phải mặc cái áo này đấy”, ông Minh bảo.

Chiếc áo, mũ ma cũng gắn liền với Tết Cơm mới của người La Chí. Nói về Tết này, cũng có nhiều điều thú vị. Người La Chí khi đi qua ruộng lúa của nhà người khác không dám thử lúa mới của nhà người khác. 

“Thử là chết ngay đấy. Không bao giờ được ăn. Không ăn cắp, ăn trộm được đâu”. Ông Minh lý giải thêm, ngay khi cắt lúa mới mang về nhà thì phải thổi cơm mới để cúng tổ tiên trong nhà xong thì mới dám ăn.

“Phải mời thầy về cúng. Chưa cúng thì không được ăn cơm mới. Nếu ăn thì bị méo miệng ngay”, ông Minh nói. Ông Vương Hữu Sinh: Lúc cắt lúa mới về, người La Chí chỉ sử dụng tiếng La Chí, không được nói tiếng Tày, Nùng hay tiếng Kinh. Khách đến nhà mà không biết tiếng La Chí thì cứ ngồi im đó cho đến lúc cúng xong cơm mới. 

Thường, Tết Cơm mới của người La Chí diễn ra khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch.

Trước Tết Cơm mới, người La Chí ăn Tết Cu cù tê suốt nửa đầu tháng 7 âm lịch. “Tháng này là tháng Vun mả của dân tộc chúng tôi, tương đương với lễ tảo mộ ở dưới xuôi”, ông Vương Hữu Sinh nói. Dù “hạ sơn” đã vài chục năm, nay trở lại quê thăm anh em nhưng ông Sinh vẫn tự hào “Chúng tôi là chính cống La Chí sừng trâu”. 

Giải thích thêm, ông bảo, thường khi ăn Tết tháng 7, người La Chí cúng và uống rượu bằng sừng trâu. “Nhà có 5 ma thì phải có 5 thằng người ngồi xung quanh, 6 ma thì phải có 6 người ngồi xung quanh. Cúng xong cầm sừng trâu uống rượu, ăn thịt”, ông Minh giải thích. 

Thật tình cờ, đến thăm nhà ông Vàng A Phà, chúng tôi gặp ngay buổi lễ cúng. Trong tiếng chiêng và tiếng cầu khấn của thầy mo, ông Vàng A Phà cùng anh em trai, con cháu trong nhà ngồi xung quanh chiếc bàn gỗ bày rượu, thịt trâu để trên lá chuối. Cứ ngớt lời cúng, rượu lại được rót đầy vào sừng trâu và uống...

(Còn nữa)

La Chí là dân tộc thiểu số ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang), huyện Mường Khương và Bắc Hà (Lào Cai). Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người La Chí ở Việt Nam có dân số hơn 13 nghìn người, cư trú tại 38 tỉnh thành trên cả nước, riêng tại Hà Giang là hơn 12 nghìn người, Lào Cai hơn 600 người…

Bài 3: Không chỉ vận động, hỗ trợ bà con vùng cao bài trừ hủ tục lạc hậu, những người trẻ vùng biên còn tham gia tuần tra đường biên, giữ yên cột mốc, đảm bảo sự bình yêu của làng bản…

MỚI - NÓNG