Chuyện về chuyến đi vòng quanh TG trong 4.829 ngày

Chuyện về chuyến đi vòng quanh TG trong 4.829 ngày
Jason từng bị cá sấu rượt ở Úc, mổ ruột suýt chết vì máu nhiễm trùng, gặp cuộc nội chiến ở đảo Solomon, bị trấn lột ở Sumatra, bị bắt ở Ai Cập vì nhà cầm quyền tưởng anh là gián điệp... Tổng cộng anh đã đặt chân lên 37 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chuyện về chuyến đi vòng quanh TG trong 4.829 ngày ảnh 1
Jason Lewis ngày trở về - Ảnh: AP

13 năm, hai tháng, 23 ngày trước, cùng hăm hở lên đường với Jason Lewis còn có Steve Smith. Cả hai lấy điểm xuất phát là kinh tuyến số O rồi xuôi dòng sông Thames băng ngang qua Kênh đào Anh (đường hầm qua eo biển giữa Pháp và Anh).

Đến bờ bên kia, hai người bạn đạp xe tới bờ biển Bồ Đào Nha rồi lại dùng thuyền băng qua Đại Tây Dương trong 111 ngày để đến bờ biển Miami của nước Mỹ.

Loại thuyền được sử dụng phần lớn trong hành trình của họ là thuyền đạp. Ở nước Mỹ, họ dùng ván lướt trên bánh xe để di chuyển từ bờ đông sang bờ tây.

Nhưng khi đến bang Colorado, Jason bị một chiếc xe tải tông gãy cả hai chân, phải dưỡng bệnh mất năm tháng.

Đầu năm 1997, họ thay ván lướt bằng xe đạp để đi về phía nam. Từ San Francisco, họ lại xuống thuyền đạp đến Hawaii. Lúc đó đã là năm thứ năm kể từ khi rời nước Anh. Năm 1999, Steve Smith bỏ cuộc.

Đi quanh trái đất bằng sức người

Còn lại một mình, Jason Lewis vượt Thái Bình Dương. Trong vòng 72 ngày, xung quanh “chàng Robinson trên biển cả” không có một bóng người. Giai đoạn rơi vào dòng nước ngược trên đường xích đạo là lúc nản lòng nhất.

“Ban ngày tôi đạp thuyền, tối đến thì ngủ. Sáng sớm khi thức dậy, tôi thấy mình bị trôi ngược về chỗ cũ”. Khi tới nước Úc, anh phát hiện số nợ vay để trang trải cho hành trình đã lên tới 40.000 USD.

Vậy là phải ở lại ba năm để quyên tiền, bán áo thun và dạy học kiếm thêm. Sau đó, lại đạp thuyền đến Đông Nam Á, rồi đi xe đạp băng ngang Trung Quốc, đến Ấn Độ, đi thuyền đến Tây Phi, đạp xe đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi Pháp, cho đến lúc xuống thuyền quay về Kênh đào Anh.

Vào đầu cuộc hành trình, có hôm đang bơi thuyền trên Đại Tây Dương thì bão nổi, Steve bị sóng đánh rơi xuống biển. “Tôi tưởng anh ấy đã “đi”, lòng tôi rối bời khi nghĩ rằng phải nói gì đây với mẹ anh ấy” - Jason thuật lại.

Nhưng chuyện kỳ diệu đã xảy ra. Chân Steve không biết bằng cách nào bị quấn chặt vào sợi dây thừng trên thuyền nên sau ba phút đã thấy anh trèo lên mạn thuyền.

Khi còn lại một mình, Jason từng bị cá sấu rượt ở Úc, mổ ruột suýt chết vì máu nhiễm trùng, gặp cuộc nội chiến ở đảo Solomon, bị trấn lột ở Sumatra, bị bắt ở Ai Cập vì nhà cầm quyền tưởng anh là gián điệp.

Tổng cộng anh đã đặt chân lên 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành người đầu tiên đi vòng quanh trái đất chỉ dựa vào sức người ở cả hai bán cầu trong thời gian ngắn nhất.

Đi để “được” và “mất"

Hỏi Jason về lý do của cuộc hành trình này, anh trả lời: “Để du hành qua các nước, gặp gỡ con người, tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau. Để thử thách thể lực và ý chí. Để đi thật chậm, đủ để hiểu những người dân bình thường đã làm nên những nền văn hóa”.

Giữa đại dương, anh còn khám phá về thiền: “Đó là một cảm giác tuyệt vời. Khi làm việc nào, tôi chỉ tập trung vào mỗi việc đó, không có cảm giác lao xao trong đầu như lúc ở trên bờ”.

“Đi” còn là để hiểu ra không nơi nào đẹp bằng quê hương mình, mặc dù Jason luôn giữ liên lạc với cha, và có lần nghe tin ông lâm bệnh, anh đã tạm ngưng hành trình để bay về thăm.

“Tôi thấy sa mạc nhiêu đó đã đủ rồi. Từ lâu tôi nhớ những ngọn đồi xanh và không khí ấm cúng trong các quán, tôi sẽ ngồi bên lò sưởi uống một ly bia nóng, giỡn với những người xung quanh theo lối Anh. Mặc dù tôi cũng thấy buồn khi chuyến đi vậy là đã kết thúc. Tôi rất xúc động”.

Nhưng “đi” còn là để đau đớn. “Tôi đã yêu sâu đậm hai lần. Tôi nhớ cô gái mà tôi đã bỏ lại trên bãi biển Baja. Chúng tôi không bao giờ còn gặp lại nhau. Tôi leo lên xe đạp và lao tới trước, trong đầu rối bời câu hỏi: “Chuyện này có ý nghĩa gì? Mày đã gặp người phụ nữ mày yêu, vì sao còn tiếp tục cuộc hành trình điên rồ này?”.

Theo Thủy Tùng
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
TPO - Công ty CP VNG, Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Nhà Thủ Đức, Thép Pomina, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc… đua nhau báo lỗ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý đầu năm.