Có cần phải đón rước, nâng ly?

Có cần phải đón rước, nâng ly?
LTS : Sơ kết hai tháng chiến dịch hè tình nguyện năm nay cho thấy những kết quả đóng góp đầy ấn tượng của thanh niên cả nước trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở 61 huyện nghèo.

Tình nguyện giờ đây không chỉ là phong trào mà còn là những hoạt động cụ thể, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, ở một vài cơ sở đoàn vẫn còn những thiếu sót, bất cập, cần khắc phục để hoạt động tình nguyện được trọn vẹn ý nghĩa hơn.

Có cần phải đón rước, nâng ly? ảnh 1
Những hoạt động tình nguyện thực sự không cần đến “đưa rước, nâng ly” .Trong ảnh: SVTN trợ giúp thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009.  Ảnh: Hồng Vĩnh

Bài dưới đây của bạn Nguyễn Linh, đến từ Thái Bình, đề cập đến một trong những thiếu sót ấy và, chứa đựng trong đó là, thông điệp hãy nói không với tập quán đón rước, rượu chè trong hoạt động tình nguyện ở địa phương.

Tốt nghiệp đại học được mấy tháng, về tỉnh công tác, trong một lần đưa khách hàng đi nhậu, tình cờ mình gặp lại T, bạn học phổ thông ngày xưa.

Sau vài câu chào hỏi xã giao cho phải phép (vì mình bận tiếp khách, cuộc nhậu của T với mấy vị cán bộ chủ chốt của phường cũng đang đến đoạn cao trào), T vỗ vai mình vẻ thân tình: “Tôi bây giờ làm phó bí thư đoàn phường. Cậu về công tác ở đây rồi thì bớt chút thời gian ngày nghỉ tham gia phong trào với bọn mình cho vui. Máu văn nghệ lúc nào cũng hừng hực từ hồi học phổ thông của cậu vẫn chưa vơi đi chút nào đấy chứ”.

Mình nhìn T, không thể nhận ra cậu bạn gầy còm nhút nhát ngày xưa có mấy năm không gặp mà bây giờ từ phong thái đến nói năng lại đĩnh đạc đến thế. “Sáng mai cậu lên phường, bọn mình sẽ nói chuyện nhiều hơn”. Nói rồi T tiếp tục cuộc nhậu trăm phần trăm với các chú các anh vẫn đang còn dang dở.

Mình có mặt tại UBND phường vào lúc 7giờ30 sáng (các cơ quan ở tỉnh làm việc từ 7 giờ). Hỏi tên T, chú bảo vệ lắc đầu: “Chưa đến đâu. Chắc còn đi ăn sáng”. Hỏi những người làm công tác đoàn cùng với T, chú bảo vệ vẫn lắc đầu: “Chưa thấy ai đến cả”. Mình đành ra quán nước ngoài cổng ngồi chờ.

Hơn tám giờ, T. mới lò dò đến. Thấy mình, T. gãi đầu gãi tai, dáng vẻ uể oải và mệt mỏi vô cùng: “Hôm qua lúc gặp cậu ở quán H.A xong, mình còn phải đi nhậu tiếp tăng hai đến khuya. Làm công tác phong trào như mình bận vậy đấy. Cứ bị lôi đi nhậu nhẹt suốt, tiệc tùng tiếp khách liên miên”.

Gần chín giờ, các đồng nghiệp của T lục tục kéo đến nhưng mình chẳng thấy ai ngồi vào bàn làm việc ngay. Họ còn chuyện vãn, uống nước chè. Không thấy T đề cập đến vấn đề chính, mình sốt ruột hỏi. Lúc ấy, T mới đứng dậy đi đến bàn làm việc.

“Chủ nhật này đoàn phường tổ chức nhóm thanh niên tình nguyện về xã Đ ở huyện Tiền Hải- đơn vị kết nghĩa- tham gia lao động công ích với địa phương. Hôm qua mình rủ cậu chẳng qua là để cho vui. Không ngờ cậu lại hăng hái tham gia đến thế. Cũng chẳng có gì to tát đâu. Mọi việc đã có người khác làm. Mình chỉ đến chỉ đạo và góp vui chương trình là chính. Cậu không bận thì đi cho vui. Lâu lâu về quê đổi gió cũng không đến nỗi”.

Tiễn mình ra cửa, T còn vỗ vai mình: “Cậu thu xếp đến đúng giờ nhé. 6 giờ 30, anh em bắt đầu xuất phát rồi”.

Sáng Chủ nhật, 6 giờ 30 phút, mình có mặt ở phường. Nam nữ thanh niên trong màu áo xanh đã tề tựu đông đủ, khiến mình cảm giác chộn rộn hẳn lên. Nhưng T.- với tư cách là trưởng đoàn - và các cán bộ chủ chốt vẫn chưa có mặt.

“Chắc các anh chị ấy còn đi ăn sáng”, một bạn trẻ lên tiếng. “Lần nào cũng chậm, ít nhất cũng nửa giờ”, một bạn trẻ khác làu bàu. Nhìn đồng hồ đã gần 7 giờ, nhiều bạn sốt ruột đi tới đi lui thì T và mấy cán bộ Đoàn cũng lò dò đến. “Muộn một chút cũng chẳng sao. Họ phải đợi mình chứ. Mình chưa đến họ chưa làm gì đâu”, T nói, như để biện minh cho sự chậm trễ của mình rồi vội vã giục mọi người lên đường.

Về đến xã Đ thì gần 8 giờ sáng. Chi đoàn địa phương vì còn phải đợi bọn mình nên chưa làm gì cả thật. Vấn đề chậm trễ được chi đoàn địa phương tuế toá bỏ qua vì “các anh chị phải đi đường xa mấy chục cây số về đây”.

Suốt cả ngày hôm ấy, T chỉ xuất hiện lúc làm lễ phát động rồi bỏ mặc cho các bạn hai chi đoàn tự giác. Còn T. vội kéo tay mình theo mấy vị cán bộ đoàn xã địa phương: “Anh em ở đây đã chuẩn bị trước, mình chối không được. Cậu đi nhậu với bọn tôi. Nhớ thể hiện vài bài khuấy động phong trào nhé”.

Sau hàng chục lần trăm phần trăm, ai nấy đều ngà ngà. Anh chàng bí thư chi đoàn địa phương đứng lên giọng rượu lè nhè: “Ai mệt thì đi nghỉ. Ai còn uống được uống tiếp. Uống thật say để chứng tỏ tình đoàn kết giữa hai đơn vị chúng ta”. Mọi người có mặt vỗ tay rào rào.

Cuối cùng thì Ngày Chủ Nhật Xanh cũng kết thúc tốt đẹp trong niềm hân hoan của cán bộ hai chi đoàn khách và địa phương. Nam nữ thanh niên thu dọn dụng cụ lao động, lau vội mồ hôi trên trán, chuyền tay nhau bát nước chè xanh rồi tạm biệt ra về.

Trên đường, T. huyên thuyên đủ điều, rủ mình lần sau nhớ tham gia. Mấy lần T gọi điện thoại, mình dù muốn hoạt động phong trào nhưng đều cáo bận. Mình nghĩ đi làm tình nguyện là để giúp dân chứ đi chơi và nhậu nhẹt như vừa rồi, thêm gây phiền hà và tốn thời gian, thì mình... không máu lắm.

Nguyễn Linh
(Thái Bình)

MỚI - NÓNG