Cô đơn chắc gì đã an toàn?

Cô đơn chắc gì đã an toàn?
TPCN - Cuộc đời bác tôi đã chứng minh, cô đơn không bao giờ là an toàn. Nếu không tìm cho mình một bờ vai nương tựa, có lẽ về già tôi cũng sẽ sở hữu những chiếc đồng hồ hỏng không người sửa chữa...
Cô đơn chắc gì đã an toàn? ảnh 1
Ảnh minh họa

Năm nay bác tôi đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn độc thân. Người ta thường bảo phụ nữ sống một mình thường khó tính nhưng điều đó không đúng với bác tôi.

Bà có khiếu hài hước, sống vui vẻ, thích ca hát và đặc biệt yêu hoa. Nhà bác lúc nào cũng rực rỡ và ấm cúng nhờ bình hoa cúc vàng hay bình hoa hồng thắm đỏ.

Bác tôi thường đi chùa vào những ngày lễ, tết, sáng ngủ dậy bao giờ cũng quỳ trước bàn thờ tụng kinh, gõ mõ. Tôi ở nhờ nhà bác bấy lâu nay nhưng vẫn không thể hiểu được tại sao bác có thể thuộc lòng những bài kinh vừa dài, vừa khó như thế, trong khi bác khá lười đọc sách báo, thường xuyên ngủ gật khi xem những bộ phim nhiều tập.

Thời còn sinh viên một lần tôi trốn học về nhà và được chứng kiến một cảnh chưa từng thấy: bác tôi trong bộ áo nâu sồng gục đầu xuống hai bàn tay khóc nức nở trước ban thờ.

Trông thấy tôi bác vội vã lau nước mắt, suốt ngày hôm đó trầm ngâm. Tình huống đặc biệt này khiến đầu óc non nớt của tôi khi đó rối bời, một câu hỏi đặt ra: Tại sao một người có bề ngoài vô tư nhiều lúc tưởng vô tâm như bác lại có thể khóc một mình? Có điều gì uẩn khúc đây?

Từ đó tôi quan tâm nhiều hơn tới bác. Lần khác lén vào buồng riêng của bác, tôi thấy một chiếc gậy khá to đặt ngay đầu giường. Trên giường có những cuốn sổ đã úa vàng, lật giở vài trang tôi phát hiện ra đó là nhật ký.

Một câu thơ hiện ra trước mắt tôi: “Người đâu gặp gỡ làm chi/Trăm năm biết có duyên gì hay không?”, nhìn lên đầu trang sổ tôi biết những câu thơ này được bác ghi lại cách đây đã 15 năm, có nghĩa khi đó bác đã ngấp nghé U50. Hoá ra bác đã dối lòng khi nói với tôi và thiên hạ rằng: “Sống độc thân cho sướng. Lấy chồng như gông đeo cổ, tội gì”.

6 năm sau tôi ra trường, bắt đầu nếm mùi va vấp. Khi quyết định chia tay “người ấy”, tôi đã gục vào lòng bà khóc như một đứa trẻ. Không nghĩ rằng hành động của tôi khiến bà động lòng và tâm sự với tôi tất cả những bí mật vẫn cất giữ như một cõi riêng.

“Tại sao bác để cái gậy ở đầu giường?”, tôi thắc mắc. “Mấy chục năm nay từ ngày ông bà qua đời bác luôn sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm. Bác để chiếc gậy đầu giường như một hình thức tự vệ thôi vì hay nằm mơ thấy kẻ trộm vào nhà”, bác bảo.

Cũng như thế chuyện làm cái cổng sắt to, lấn chiếm đất công, bị công an nhắc nhở nhưng bác quyết không tháo dỡ chỉ vì: “Phải có cổng chứ, hai bác cháu ta là đàn bà con gái, nhỡ đêm đến bọn xấu tấn công thì sao”…

Chuyện bác đi chùa, ăn chay, niệm Phật vì: “Không ai che chở cho bác nên bác phải tìm đến đức Phật”. Bác hay giới thiệu tôi là con gái bác với những người bạn mới quen.

Bác cũng thường xuyên nói dối thiên hạ rằng: “Tôi có chồng và hai con, một trai, một gái”. Đến lúc này bác mới “bật mí”: “Bác phải nói vậy để mọi người khỏi bắt nạt. Nếu người ta biết bác sống cô đơn thì chắc gì đã để bác yên?”…

Cuộc đời bác chứng minh cho tôi thấy cô đơn không bao giờ là an toàn như bạn Trịnh Hằng viết trên diễn đàn TPCN số 13 (ra ngày 26/3/2006).

Mỗi lần nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường của bác luôn chỉ đến số 5 tôi bỗng giật mình. Nếu như tôi không mau chóng kiếm cho mình một bờ vai nương tựa thì có lẽ về già tôi cũng là chủ sở hữu của những chiếc đồng hồ hỏng nhưng không người sửa chữa, như bác tôi bây giờ.

H.D
Hà Nội

MỚI - NÓNG