Cô gái bán hàng rong trở thành tỷ phú

Cô gái bán hàng rong trở thành tỷ phú
(TPO) 50 ngàn đồng, bà mẹ Bình chạy đi vay nóng của hàng xóm về cho con làm vốn. Cô bé 12 tuổi Dương Thị Bình tạm biệt làng quê nghèo xác xơ lên tàu thuỷ theo đường sông ra Hà Nội mà ngay cả cô cũng không biết mình sẽ làm gì.
Cô gái bán hàng rong trở thành tỷ phú ảnh 1
Dương Thị Bình trong buổi giao luu trực tuyến tại tienphongonline.com.vn

50 ngàn đồng và 5 năm khởi đầu của cô bé hàng rong

Một ngày giữa mùa gặt tháng 5 năm 1992 cô bé Dương Thị Bình ở xã Thành Công, Khoái Châu, Hưng Yên khóc tức tưởi dọc bờ đê khi ôm những ôm lúa về nhà. Bó lúa cô đã đánh đổi cả một thời đi học.

_Hôm nay Bình nghỉ học ở nhà gặt lúa nhé, mẹ cô bảo

_Nếu mẹ bắt con nghỉ buổi học hôm nay, con sẽ nghỉ học luôn và không bao giờ đến trường nữa- cô con gái hiếu học, luôn dẫn đầu lớp và cũng là một quản ca gương mẫu, trả lời mẹ.

_Nếu mày nghỉ thì cứ nghỉ luôn đi, tao cũng chỉ đủ sức nuôi mày đến năm lớp 7 thôi. Biết đọc biết viết là được, con gái học nhiều làm gì.

Cũng có lần em cảm thấy xung quanh thực sự ngột ngạt, thấy chán nản, bi quan, những lúc như thế Bình cũng không biết làm gì là khóc, có lúc nghĩ rằng hay là mình vào chùa đi tu. Nghĩ cho hoàn cảnh, nghĩ cho bản thân, cho gia đinh. Mình đã vất vả khó khăn, phải cố gắng học và làm nhiều hơn nữa để sau này có lần nhìn lại để thấy rằng mình đã làm được cái gì đó.

Mình cứ sống hết mình đi, cứ cố gắng đi, cứ làm việc hết mình đi thì đến một lúc nào đó, xã hội hay ông trời sẽ không bỏ quên một con người như mình đâu. Với một điều kiện là mình phải có ý chí, có nghị lực vươn lên.

Trong cái đầu non nớt của Bình khi ấy tưởng những lời nói đùa của mẹ là thật. Cô cầm liềm ra đồng cắt lúa, nước mắt trẻ thơ rơi lã chã trên những cọng rơm vàng. Bình nghỉ học thật.

Suốt ba tháng trời, Bình dậy từ 4 giờ sáng chạy đua với mặt trời đi đào giun cho vịt, trưa về đi bế con nhà hàng xóm để có được bữa cơm. Làng quê nghèo cùng người mẹ tảo tần đã nuôi trong Bình một ý chí: Phải thay đổi !

50 ngàn đồng, bà mẹ Bình chạy đi vay nóng của hàng xóm về cho con làm vốn. Cô bé 12 tuổi Dương Thị Bình tạm biệt làng quê nghèo xác xơ lên tàu thuỷ theo đường sông ra Hà Nội mà ngay cả cô cũng không biết mình sẽ làm gì.

“Ra Hà Nội, mình mua 2000đ một cái mẹt hàng xén, mua 45 ngàn tiền hàng: bấm móng tay, bật lửa, ví da…1 ngàn mua 3 chiếc bánh mì con con, 1 ngàn đóng tiền trọ 1 đêm ở bãi Phúc Tân, còn một ngàn phòng thân, mai không bán được hàng vẫn có ba chiếc bánh mì để sống”.

Học hành để đổi thay số phận

Ngày ngày đi bộ 15 km từ Phúc Tân đến Ngã Tư Sở bán hàng, gần 2 năm sau, cô bỏ mẹt hàng xén, chuyển sang bán bưu thiếp cho khách du lịch.  “Hồi đó cũng có một vài người bạn dạy mình chút tiếng Anh bồi, khách thường hỏi mình quê ở đâu, bao nhiêu tuổi, sao không đi học mà lại đi làm. Lúc đó mình nhận ra rằng nếu biết chút tiếng Anh sẽ rất có lợi”.

Nghĩ là làm, Bình quyết định bỏ ra 200.000đ tiền mồ hôi gom góp nộp tiền học một khoá tiếng Anh tiếng Anh sơ cấp tại phố Nhà Chung trong vòng 4 tháng. Cơn khát học hành từ ngày lớp 5 tích tụ trên từng bước chân trần rát bỏng bụi đường để rồi như biến thành ngọn lửa bùng phát trong trái tim bé nhỏ áy. Cô bé học miệt mài, hăng say, có những khi đi trên đường chân bước, mắt vẫn nhìn mà miệng không ngừng lẩm bẩm nhắc lại đoạn hội thoại trong sách. Đêm về 27 người ngủ trong căn phòng hơn hai chục mét vuông tưởng Bình bị bệnh vì cô bé ngủ mơ… toàn nói tiếng Anh.

"Em chưa bao giờ quên về cội nguồn về quá khứ của em, em nghĩ rằng nếu như em sinh ra trong gia đình có cả bố cả mẹ, có hoàn cảnh khá giả thì chưa chắc Bình đã có ngày hôm nay. Ngược lại, Em ở trong hoàn cảnh như thế này thì em mất đi cái thời ấu thơ, thời niên thiếu, không có thời sinh viên cắp sách tới trường.

Có những ngày tháng triền miên làm từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Suốt 6-7 tháng như thế, không biết bạn bè là gì, không có ngày thứ Bảy, Chủ nhật, không biết cuộc sống bên ngòai là gì, nhiều lúc thèm xem phim, xem ca nhạc, đọc báo đọc sách vô cùng, thèm mà thèm lắm ấy nhưng mà cũng không có thời gian để làm việc ấy.

Vừa học Bình xin vào làm lao công cho một khách sạn mini trên phố cổ. Cô bé 16 tuổi làm từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều, 5 giờ tối lại đến lớp học văn hoá. “Ngày ấy mình suốt ngày lúi húi lau chùi dọn dẹp, nhìn các chị trực điện thoại, lễ tân sao mà nhàn đến thế, mình chỉ mơ ước đến một ngày mình mặc áo dài đẹp thế kia”.

Có lần chuyển khách sạn, sau đúng một buổi chiều học việc, một mình Bình cáng đáng gần như tòan bộ công việc của 17 phòng trong khách sạn mini. Cô làm việc như một cái máy suốt ngày. Trong cô luôn có một niềm đam mê học hỏi để có một ngày mình sẽ ngẩng đầu nhìn lại tháng ngày đã qua.

Dù ở bất kỳ vị trí nào cô cũng làm việc chăm chỉ và luôn hòan thành tốt nhiệm vụ. Một hôm, có hai người bạn Úc đến tìm Bình, họ nói về dự định mở cửa hàng ăn uống, khách sạn tại phố cổ. Cô lang thang khắp các con phố ngoằn ngoèo tìm cho ra một địa điểm thuê nhà. Công việc đã xong, cô bé hàng rong ngày nào trở thành người quản lý khách sạn cho hai ông chủ đầu tư người Úc.

Từ sửa sang, dọn dẹp nhà nghỉ đến tuyển nhân viên, một mình Bình cáng đáng. Đang học dở lớp 9 bổ túc cô buộc phải nghỉ để dồn toàn bộ thời gian vào công việc tại nhà hàng mới.  Từ vị trí một người quản lý, Bình sẵn sàng vào bếp, ngồi trực điện thoại mỗi khi thiếu người. Vốn tiếng Anh rất chuẩn, dù không chút nghiệp vụ du lịch, Bình đã trở thành một guide chuyên nghiệp.

“Cuộc đời sẽ không bỏ quên một con người như mình”

Một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Bình là chuyện về hai vợ chồng người Nhật. Ông Ono và bà Kemychi có một ấn tượng đặc biệt với cô bé bán bưu thiếp ngày nào. Mỗi năm 1-2 lần họ đều sang Việt Nam tìm Bình và đưa cô đi chơi, mua sắm. Ông bà Ohno đã dõi theo từng bước đi của Bình, từ một cô bé bán hàng rong đến một nhân viên khách sạn, và bây giờ là một quản lý nhà hàng đây kinh nghiệm, 3 năm trời theo những bước tiến của một ý chí kiên cường, ông bà người Nhật ấy đã quyết định đặt trọn niềm tin vào Dương Thị Bình. Họ đề nghị Bình cùng hợp tác làm ăn. Họ sẽ cấp hoàn toàn vốn còn lại Bình lo từ A đến Z. Kinh doanh khách sạn, cô quyết định.

Với câu hỏi: “Phải làm gì để không phụ lòng người ta". Hơn 1 tuần cô gần như thức trắng để lập dự án kinh doanh. Bình đã làm ông bà Ohno tin tưởng.  Họ đưa Bình 300 triệu đồng ở thời điểm năm 2000 không cần một tấm giấy làm tin”. Dù chưa biết gì về việc kinh doanh, cô đã thức trắng hàng tuần liền để làm dự án, tất cả giấy tơ, thủ tục để cô bắt đầu mở cửa hàng.

Căn nhà 16 Hàng Bạc đã trở thành bước khởi đầu cho công việc kinh doanh của cô gái vừa tròn 20 tuổi. Chất lượng phục vụ phải đặt lên hàng đầu, 3 năm làm việc trong nhà hàng đã dạy Bình điều đó. Khi thiếu người, bà chủ sẵn sàng lên bưng bê, tiếp tân đôi khi trở thành guide dẫn khách.

Với kinh nghiệm quản lý đã được tích lũy bằng mồ hôi và nước mắt, ngay từ tháng đầu khách sạn của Bình đã có lãi, chỉ một năm sau cô đã có thể hoàn vốn cho ông bà Ono và vẫn tiếp tục chia cổ phần. Hàng năm, trong mâm cơm gia đình cô quây quần lại có cả ông bố nuôi, hai vợ chồng ông bà người Nhật, hai người bạn Úc. Có lẽ họ là những người đã giúp Bình biến câu chuyện cổ tích trở thành sự thật giữa thế kỷ 21.

_Có người nói Bình thành công nhờ sự may mắn?

_ Đúng, tôi nghĩ rằng cơ hội luôn đến với mọi người, vấn đề là ai sẽ nắm được cơ hội ấy để thành công. Sự may mắn là một yếu tố rất quan trọng đối với mỗi doanh nhân thành đạt. Dương Thị Bình trả lời không cần phải suy nghĩ.

Và Bình đã chứng minh khả năng của mình bằng việc tiếp tục phát triển thêm một khách sạn thứ hai ở 25 Hàng Mắm và một nhà hàng mang tên Tôm Ba Càng trên đường Kim Mã. Hàng chục nhân viên, trong đó có cả những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, luôn coi bà chủ như một tấm gương để vươn lên. Bình đã thuyết phục họ bằng chính nghị lực của bản thân mình.

Hiện nay, Bình đã có một cơ ngơi mới ở 25 Mã Mây và một nhà hàng trên phố Kim Mã. 85% khách của Ha Noi Star Hotel là khách quen, con số đó đủ nói lên uy tín của bà chủ trẻ. 

Hằng năm, mỗi lần có chuyến công tác lên Sapa, người ta lại thấy một cô gái bé nhỏ với túi lớn những quà bánh, bút mực, sách vở cho bọn trẻ. Nhìn lại tấm ảnh từ vài năm về trước, Bình trầm ngâm: “Theo em, mỗi con người sinh ra đều đã có số phận, nhưng mình phải cố gắng vươn lên để vượt lên số phận ấy. Trong tất cả công việc không có công việc nào làm con người chán nản cả, chỉ có con người chán nản công việc thôi. Nếu mình đã chọn đúng việc thì cố gắng làm tốt. Nếu chỉ làm việc chỉ vì lợi nhuận mà không phải niềm đam mê thì có cố gắng thế chứ cố gắng nữa cũng không làm được tốt công việc đó”.

Trong tương lai, Bình còn dự định sẽ tiếp tục thuê thêm vài địa điểm nữa để mở khách sạn. Cô vẫn mong ước đến một ngày sẽ mua được một khách sạn mini trên phố cổ, khi ấy, cô sẽ bài trí thật đẹp theo ý mình để có được sự hài lòng tuyệt đối của khách.

Với nghị lực lớn của một cô gái nhỏ, chuyện cổ tích chắc rằng sẽ còn được viết tiếp trên con đường cô đi tới.

MỚI - NÓNG