Cô gái Đà Nẵng được Tổng thống Pháp tiếp

Cô gái Đà Nẵng được Tổng thống Pháp tiếp
Trong sự lộng lẫy và tráng lệ của Điện Elysée, Tổng thống Pháp Jacques Chirac khi nhìn thấy chiếc áo dài truyền thống của Trương Thị Mỹ Xuyên, ông đã hỏi: “Cô gái nhỏ Việt Nam, cô đến từ thành phố nào?”.
Cô gái Đà Nẵng được Tổng thống Pháp tiếp ảnh 1
Tấm ảnh chụp lưu niệm chụp chung với Tổng thống Jacques Chirac là một kỷ niệm khó quên của Mỹ Xuyên. Ảnh: Dân Trí

Mỹ Xuyên vòng tay theo phong tục, lễ phép trả lời: “Thưa ông, tôi đến từ thành phố Đà Nẵng”.

Sau 7 năm, cảm xúc hãnh diện, rưng rưng đó vẫn ngỡ như mới hôm qua trong ký ức của Trương Thị Mỹ Xuyên, cô gái trú tại 31 Hải Hồ, phường Thanh Bình, TP Đà Nẵng.

Tốt nghiệp THPT Trường chuyên Lê Quý Đôn, Mỹ Xuyên thi vào Trường Đại học Khoa học Huế (khoa Luật). Đạt điểm cao nhất của khoa, Xuyên nhận được học bổng tài trợ của tổ chức Aupelf - Uref (tổ chức Đại học Pháp ngữ) để học tiếng Pháp song hành cùng chương trình học luật.

Cùng với sự đam mê và năng khiếu ngoại ngữ vốn có, cô tiếp tục là người dẫn đầu trong kỳ thi tuyển chọn của tổ chức Aupelf - Uref để nhận học bổng học nâng cao tiếng Pháp tại thành phố Besancon, Pháp vào mùa hè năm 1998.

Năm 1999, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ ngoại giao, thông qua Báo Sinh viên Việt Nam triển khai cuộc thi “Tìm hiểu về cộng đồng khối Pháp ngữ” do nước Pháp tổ chức để tuyển chọn đại biểu đi dự “Hội nghị thanh niên khối Pháp ngữ” tại Genève - Thụy Sĩ.

Cuộc thi gồm nhiều câu hỏi tìm hiểu về nước Pháp trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, điện ảnh... và một bài tự luận về suy nghĩ nghề nghiệp tương lai cũng như việc phát huy sử dụng tiếng Pháp thành công cụ hỗ trợ hữu ích trong công việc.

Qua kết quả sơ khảo trên toàn quốc, có 3 bài dự thi đại diện của Việt Nam được gửi qua Paris, Pháp để tham dự vòng chung khảo. Trên cơ sở đó, Ban giám khảo cuộc thi đã chọn ra 2 bài của hai thí sinh xuất sắc nhất. Đây cũng là đại biểu đại diện cho Việt Nam tham dự “Hội nghị Thanh niên khối Pháp ngữ” tại Genève - Thụy Sĩ. Trương Thị Mỹ Xuyên là một trong 2 người đó.

Mặc dù không còn bỡ ngỡ như những ngày thực tập nâng cao tiếng Pháp ở Besancon nhưng cô thấy hồi hộp, náo nức và có cảm xúc thật lạ, bởi lần này cô được gặp nhiều bạn là đại biểu của các nước trong cộng đồng khối Pháp ngữ. Cô được tham dự nhiều diễn đàn nhằm góp phần mang tiếng nói chung đến Hội nghị về tình thân ái, hữu nghị, nối vòng tay của thanh niên các nước trong cộng đồng khối Pháp ngữ vì sự phát triển chung của tiếng Pháp.

Đặc biệt, Hội nghị được Tổng thư ký Liên hiệp quốc lúc bấy giờ là ông Boutros Boutros Gali tham dự và chào đón các đại biểu.

Khi biết cô đến từ Việt Nam, những đại biểu của các nước châu Phi tỏ rõ sự khâm phục đối với đất nước Việt Nam. Họ nói: Việt Nam có Hồ Chí Minh, có Điện Biên Phủ là tấm gương soi chung trên đường đấu tranh giành độc lập giải phóng dân tộc của đất nước họ.

Ban tổ chức cũng đã bố trí mỗi đại biểu được ở trong nhà một gia đình Thụy Sĩ để có thể trao đổi, tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa của nước Thụy Sĩ.

Gia đình đón tiếp cô thật tuyệt vời. Họ đón cô với tất cả sự nhiệt thành và luôn tạo cho cô sự ấm áp như đang ở nhà của mình. Họ tỏ ra rất cảm tình và muốn tìm hiểu nhiều về đất nước và con người Việt Nam bởi trước đây họ chỉ được biết về Việt Nam qua cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Mỹ.

Cô con gái của gia đình thì đặc biệt thích bộ áo dài truyền thống và mượn mặc thử trông thật duyên dáng và yêu kiều khiến lòng cô trào dâng một niềm tự hào về đất nước và con người Việt Nam nơi sinh trưởng của mình.

Thời gian ngắn gủi của ba ngày Hội nghị tại Genève trôi qua nhanh chóng, các đại biểu được đưa về Pari. Tại đây, điều vinh hạnh nhất của các đại biểu là được Tổng thống Pháp Jacques Chirac nghênh tiếp tại Điện Elysée.

Trong sự lộng lẫy và tráng lệ của Điện Elysée, Tổng thống Jacques Chirac đã thân mật bắt tay từng đại biểu. Đến lượt cô, khi nhìn thấy chiếc áo dài truyền thống, ông đã hỏi: “Cô gái nhỏ Việt Nam, cô đến từ thành phố nào?” Mỹ Xuyên vòng tay theo phong tục, lễ phép trả lời: “Thưa ông, tôi đến từ Thành phố Đà Nẵng”. Ông cười và ôm cô chụp ảnh lưu niệm.

Những kỷ niệm đẹp đẽ đó có lẽ sẽ luôn sống mãi trong Mỹ Xuyên. Cho đến bây giờ, khi đã tốt nghiệp Đại học và hiện là chuyên viên của văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, những kỷ niệm đó luôn là động lực thúc đẩy cô hăng hái tham gia các phong trào của cơ quan và nỗ lực phấn đấu trong công tác chuyên môn để phục vụ quê hương của mình.

Theo Phạm Thành Nghi
Dân Trí

MỚI - NÓNG