Cô gái giữ “hồn” đàn tranh

Cô gái giữ “hồn” đàn tranh
TPO - “Đàn tranh và mình có cái duyên không sao dứt nổi” - Cô giáo Vũ Tô Sa Anh (sinh năm 1988) của trường Cao đẳng Văn hóa & Nghệ thuật Du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) tâm sự. Cô cũng là người có bề dày thành tích, khiến nhiều người “choáng”.

>> Những gương mặt trẻ tiêu biểu VN năm 2009

Cô gái giữ “hồn” đàn tranh ảnh 1
Vũ Tô Sa Anh

Vượt lên chính mình

Từ khi còn là học sinh năng khiếu tại Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật & Du lịch Quảng Ninh (nay là Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật & Du lịch Hạ Long), Sa Anh liên tục là học sinh giỏi. Năm 2004, cô tham gia biểu diễn tại trại hè thiếu nhi quốc tế. Tháng 2 - 2007, Sa Anh trở thành  giáo viên giảng dạy môn Đàn tranh. Hiện nay, cô đang học năm thứ tư tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Vừa tham gia giảng dạy, vừa tranh thủ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, vất vả là vậy, nhưng Sa Anh luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao và gặt hái được nhiều thành tích, như Huy chương bạc độc tấu đàn tranh tại “Liên hoan âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc các trường VHNT toàn quốc năm 2006 ”; Huy chương vàng độc tấu đàn tranh ở "Liên hoan ca - múa - nhạc và triển lãm mĩ thuật các trường VHNT toàn quốcnăm 2008” ; tại cuộc thi “Độc tấu, hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ III năm 2008”, cô đạt giải ba độc tấu, giải nhất hoà tấu.

Với những thành tích trên, Sa Anh được tỉnh Đoàn Quảng Ninh trao tặng giải thưởng “Gương mặt trẻ tiêu biểu Quảng Ninh”. Cô cũng từng được Ban biên tập chương trình VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam chọn làm phóng sự về các thành tích trong lĩnh vực hoạt động văn hóa - nghệ thuật, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Để có được những thành quả ấy, Sa Anh phải trải qua nhiều thời điểm khó khăn. Cô cho biết, thành công với đàn tranh, khó nhất là vượt qua chính mình!

Gắn bó với cây đàn từ năm chín tuổi, đam mê là thế, nhưng cũng có những lúc cô thấy nản và muốn từ bỏ. Nhưng rồi, sự động viên của gia đình, thầy cô và như cô giúp Sa Anh vượt qua tất cả. Cô là một trong những người được kỳ vọng sẽ “giữ lửa” cho tiếng đàn dân tộc.

… như ngọn đuốc sáng

Chia sẻ về nghề giáo, Sa Anh cho biết, “có được ngày hôm nay, mình đã được thầy cô ở Nhạc viện Hà Nội tận tâm dìu dắt. Ngoài ra, sự sẻ chia của đồng nghiệp cũng chính là động lực thúc đẩy mình vượt qua tất cả. Mình rất thích câu châm ngôn Nhà giáo như ngọn đuốc, phải cháy sáng thì mới mồi được lửa cho những ngọn đuốc khác. Mình muốn là một ngọn đuốc cháy sáng, là tấm gương cho các em học sinh noi theo”.

Mơ ước trong tương lai, Sa Anh muốn du học chuyên ngành quản lý, biểu diễn nghệ thuật. Cô, muốn giữ gìn, phát huy truyền thống nhạc dân gian Việt Nam, cần có nhiều hơn nữa những đổi mới trong giảng dạy, biểu diễn.

“Nhạc dân tộc của Việt Nam rất hay, độc đáo, ngoài đàn tranh, mình cũng rất thích dạy dân ca cho các bạn trẻ, em nhỏ, để mọi người cùng hiểu, cùng giữ nét đẹp văn hóa Việt Nam”, Sa Anh tâm sự.

Từng biểu diễn ở nhiều nơi, song chuyến đi Trường Sa thăm các chiến sĩ Hải quân để lại trong Sa Anh nhiều ấn tượng nhất. Cô kể, chiến sĩ đảo vất vả lắm. Thiếu thốn vật chất, tinh thần, nhưng các anh vẫn chắc tay súng giữ gìn vùng biển, vùng trời Tổ Quốc.

“Mình đã nghe, đọc, xem trên TV nhiều về các chiến sĩ hải đảo, nhưng không thể tưởng tượng được sự vất vả của các anh như khi tới đây, càng thêm ngạc nhiên, xúc động với tình cảm của các anh dành cho khách tới đảo”, Sa Anh tâm sự.

Trong chuyến đi này, Sa Anh mang theo đàn tranh để biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Sa Anh cho biết, mỗi bản nhạc cô trình bày đều gửi gắm những tình cảm của đông đảo bạn trẻ Vùng mỏ đến với cán bộ, chiến sĩ…

Mỗi lần có dịp về đất liền, tới Hà Nội, các anh thường hay tới thăm Sa Anh, nghe cô gẩy đàn tranh, kể cho cô về cuộc sống của người chiến sĩ trên đảo.

MỚI - NÓNG