Cô gái Hà Nội mua hơn 1.000 bộ nội y trong hai năm

Cô gái Hà Nội mua hơn 1.000 bộ nội y trong hai năm
Sau khi mua 100 bộ nội y trong một ngày, Phương (Hà Nội) cuộn tròn từng món, cất vào tủ.

Trong chiếc tủ gỗ, hơn 1.000 bộ nội y với đủ kiểu dáng, màu sắc được cuộn lại gọn gàng. Không ngày nào Phương không mua sắm, lần nhiều nhất là 100 bộ. Thế nhưng, mang đồ về, nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi không mặc mà cất đi. Thỉnh thoảng, cô lấy chúng ra ngắm, mỉm cười rồi đặt lại chỗ cũ.

Mọi chuyện bắt đầu sau lần Phương bị bạn trai ép quan hệ hơn một năm trước đó. Chiếc áo rách ám ảnh cô hàng tháng trời, nó gợi nhớ về ký ức buồn. Ít bạn bè, sống một mình, lại làm việc trong một công ty thiết kế web đa phần là nam giới, Phương không thể chia sẻ bí mật này với ai. Cô chia tay bạn trai và giữ bí mật về những gì xảy ra.

Một hôm, Phương lên trang web mua sắm, đặt vài bộ nội y. Nhận hàng, cô bỗng thấy vui vẻ hơn nên thích thú, và dần chiều theo ý thích của mình.

Trang chủ điện thoại lẫn máy tính của Phương đều là web bán nội y, nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới, từ cao cấp đến hàng chợ. Mỗi ngày, cô truy cập trang web này hàng chục lần để xem đã đăng hình mẫu mới chưa. Lương tháng 20 triệu, không đủ tiền tự mua, Phương vay đồng nghiệp và gợi ý họ tặng mình mỗi dịp đặc biệt, thậm chí báo ốm để lấy tiền mua sắm.

Không dừng lại ở đó, Phương cắt giảm chi phí ăn uống để dành tiền mua nội y, cơ thể cô gầy sọp chỉ còn chưa đầy 40 kg, dù cao hơn 1,6 m. Sau hai năm, tổng số tiền chi cho đồ lót của Phương lên tới 800 triệu đồng, cho đến khi gia đình thấy bất thường, đề nghị cô đi khám.

Phương được chẩn đoán nghiện mua sắm. Theo thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Xuân Phong, từ một Trung tâm Hỗ Trợ và Trị Liệu Tâm Lý (Hà Nội), người tiếp nhận trường hợp của Phương, nghiện mua sắm được hiểu là tình trạng mua sắm không kiểm soát, kéo dài và có xu hướng tăng trong ít nhất hai tháng. Người nghiện mua sắm cảm thấy phải mua cái gì đó mới có thể hoạt động bình thường.

Ngoài Phương, ông Phong từng tiếp xúc nhiều ca nghiện mua sắm khác. Họ có thể nghiện mua những thứ rất đặc biệt do món đồ này gắn liền với nỗi lo âu, ám ảnh nào đó. Ví dụ, một nam doanh nhân Hà Nội thường xuyên đi tiếp khách, bị nghiện mua xì gà, thậm chí có lần anh này mua tới 500 triệu đồng; một người phụ nữ nghèo nghiện mua vé số, vì muốn đổi đời thật nhanh; một ông chồng bị chê sức khỏe kém nghiện mua sản phẩm tăng cường sinh lực...

Phần lớn người nghiện mua sắm đã đi làm, độc lập về tài chính. Tuy nhiên, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục, cũng gặp những học sinh - sinh viên rơi vào tình huống này, phần lớn là con nhà khá giả.

Theo bà Nga, các trường hợp nghiện mua sắm thường bắt nguồn từ stress dài ngày. Không giải tỏa được tâm lý, nên họ tìm đến mua sắm như cách đối phó với tâm lý tiêu cực. Khi mua không kiểm soát, họ dễ bị tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được, gây khó khăn nghiêm trọng về mặt tài chính, từ đó tiếp tục gây stress, tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Nghiện mua sắm ảnh hưởng đến mọi mối quan hệ, từ công sở đến gia đình, đặc biệt nếu liên quan đến vay nợ. Như Phương bị đồng nghiệp xa lánh vì liên tục vay không trả.

Thạc sĩ Phong nhận định nghiện mua sắm ngày càng phổ biến do xã hội khuyến khích tiêu dùng và sự xuất hiện của hàng loạt sàn thương mại điện tử. Việt Nam chưa có số liệu chính thức nào, nhưng một nghiên cứu trên American Journal on Addictions năm 2015 chỉ ra 6-7% dân số ở Mỹ và châu Âu có dấu hiệu của tình trạng này. Người nghiện mua sắm thường không nhận ra rắc rối của mình, mà tin rằng hành vi của mình hoàn toàn lành mạnh. Họ thường chỉ đến gặp nhà tâm lý khi có người ngoài yêu cầu, thúc giục.

Còn theo bà Nga, để xác định một người có nghiện mua sắm hay không, có thể dựa vào những câu hỏi sau:

- Bạn ngày nào cũng vào xem hoặc muốn mua đồ?

- Bạn mua quá nhiều đồ không cần thiết?

- Bạn mua sắm khi tức giận hoặc buồn bã?

- Bạn có chi tiêu quá khả năng?

- Người xung quanh than phiền về việc mua sắm của bạn?

Nếu câu trả lời là "có" cho phần lớn những câu hỏi trên, bạn đã có nguy cơ nghiện mua sắm.

Trường hợp của Phương, do gia đình đề nghị, cô đồng ý đến gặp chuyên gia tâm lý. Hai buổi đầu, Phương chống cự dữ dội, nói rằng "mua sắm là quyền tự do của bản thân" và cầm điện thoại lướt web suốt thời gian gặp nhà tâm lý. Những buổi tiếp theo, cô dần nhận ra mình đang mua sắm để xua đi ám ảnh ngày trước. Cô đồng ý hợp tác và trị liệu.

Sau bốn tháng, Phương chủ động kết thúc trị liệu. Lúc này, cô đôi lúc vẫn mua đồ, nhưng đỡ mất kiểm soát. Bố mẹ cũng giúp Phương trả hết số tiền vay mượn.

Hiện nay, Phương định cư ở nước ngoài. Cô tìm được công việc ổn định, nhưng chưa lập gia đình. Phương nói với nhà tâm lý rằng trong số hành trang đem theo, không có những món đồ gắn với nỗi đau buồn ngày trước.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG