Cô gái không đầu hàng số phận

Cô gái không đầu hàng số phận
Khi đi học, cô bé thường hay ngồi bàn cuối cùng, bị bạn bè xa lánh vì bị bệnh... Cô gái ấy đã phấn đấu trở thành giảng viên đại học và giờ đây đang chuẩn bị hoàn tất khóa học thạc sĩ ở nước ngoài. 
Cô gái không đầu hàng số phận ảnh 1
Nga và mẹ tại Malaysia tháng 7-2005

Một ngày cuối năm 1998, thầy Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hải Phòng nhận được lá thư: “Trong lớp con tôi có một em tên Nga, thường hay ngồi bàn cuối cùng, bị bạn bè xa lánh vì lý do cô bị bệnh tật gì đó. Con trai tôi muốn bảo vệ cô bé nhưng không đủ sức".

Gần như cùng lúc, thầy lại nhận được lá thư từ một người đàn ông nhận là bố của Nga: “Con gái tôi đang học trường của thầy, gia đình tôi đã ly tán và tôi mong muốn thầy để tâm chăm sóc cháu”.

Câu chuyện của người thầy

Hai lá thư cùng đến bất ngờ làm thầy Nghị xúc động. Cùng các thầy cô giáo, thầy Nghị lục tung hồ sơ của hàng ngàn sinh viên, rồi dò hỏi khắp trường mới được biết “trò Nga” trong thư là sinh viên Đồng Thị Nga, mùa thi năm đó đậu cả hai trường ĐH ở Hà Nội là Kinh tế quốc dân và Công đoàn, nhưng do em nhiễm chất độc da cam từ người bố từng chiến đấu ở chiến trường, không đủ sức khỏe đi học xa nên gia đình đã xin chuyển Nga về học ở lớp quản trị kinh doanh, ĐH dân lập Hải Phòng.

“Khi tôi đến lớp quản trị kinh doanh tìm gặp Nga, trước mặt tôi là một cô sinh viên có nét mặt cực kỳ buồn, như có cái gì tủi thân tủi phận” - thầy Nghị kể.

Mà chứng bệnh của Nga cũng thật kỳ lạ: khắp người (trừ mặt và bàn tay) bong vẩy như vẩy cá. Trên các đường rãnh tiếp xúc giữa các vẩy thường bị rỉ nước vàng hoặc rỉ máu.

Sau này người ta đã kể lại với tôi rằng lúc bé, khi Nga đi tắm, toàn thân cô ấy trông như một cục máu. Quanh năm suốt tháng, kể cả những ngày nắng nóng, Nga phải mặc áo kín cổ, kín tay bởi trời càng nắng thì bệnh lại càng nặng, vẩy bong càng nhiều.

Trường vừa thành lập còn quá nhiều khó khăn, chỉ có “tài sản” là vài dãy nhà cấp 4, nhưng đứng trước trò Nga, thầy Nghị đã có một quyết định: miễn học phí cho cô.

Trong mỗi buổi chào cờ hằng tháng, trường tổ chức... đọc các lá thư của Nga. “Chúng tôi đã mượn gia đình những lá thư Nga viết từ lúc học lớp 5. Hồi ấy Nga đã viết rất hay những lá thư dù không để gửi cho ai, bởi cô bé ấy không được đi học một cách bình thường và thường bị các bạn xa lánh. Hôm nào đọc thư là cả trường đều khóc” - thầy Nghị nhớ lại.

Cô gái nghị lực

Năm 2002, kết thúc bốn năm ĐH với kết quả xuất sắc, Nga đã vượt qua kỳ kiểm tra để trở thành giảng viên đại học, nhưng cùng lúc cô được cử đi Malaysia học cao học. Tháng 12/2003, Nga lên đường đi Malaysia.

“Điều tôi nhận thấy rõ nhất về Nga là nghị lực của cô ấy. Tôi không thể tưởng tượng nổi điều gì có thể khiến một người yếu đuối như thế lại có thể làm được những việc phi thường” - thầy Nghị đã từng nói như thế với các đồng sự khi Nga được kết nạp vào Đảng.

Ở cô gái này, nghị lực phấn đấu dường như không bao giờ cạn bởi mỗi khi gặp khó khăn, cô đều biết cách vượt qua cho dù đó là phải đạt yêu cầu Anh ngữ trong sáu tháng hay khí hậu nóng bức ở Malaysia khiến bệnh tình không thuyên giảm...

Nhưng còn một lý do nữa khiến Nga luôn vượt lên phía trước, đó là nụ cười của người mẹ. 

Nga tâm sự: “Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy mẹ cười” - cô nói. Chính bởi nụ cười ấy mà trò Nga ốm yếu mặc dù chỉ được học ké vẫn vượt qua lớp 1, vào luôn lớp 2; mặc dù bị bạn bè xa lánh vẫn đậu cùng lúc hai trường ĐH và trở thành giảng viên ĐH.

“Điều mà ngay cả trong mơ tôi cũng chưa bao giờ hình dung ra. Tôi đã bật khóc khi điều đó đến với mình và chỉ biết tự hứa sẽ không bao giờ đầu hàng số phận” - Nga tâm sự.

Khi bài viết này đến tay bạn đọc, Đồng Thị Nga vẫn đang ở Malaysia để hoàn tất khóa học. Bệnh của cô vẫn nặng và khác hẳn mọi cô gái trẻ trung khác, Nga chưa bao giờ được mặc áo thun, quần lửng, chưa bao giờ được biết cái mát mẻ của biển mùa hè dù cô sinh ra, lớn lên ở một thành phố biển.

Quá khứ vẫn thường xuyên trở về nhưng với cô giờ đây nó không còn là một niềm đau, một nỗi day dứt mà như một kỷ niệm buồn để cô càng thêm trân trọng những gì mình đang có, để dang tay với những người đồng cảnh ngộ.

Người ta vẫn kể rằng mỗi mùa lũ lụt, khi Trường ĐH dân lập Hải Phòng đi quyên tiền cho đồng bào, bao giờ cô sinh viên học giỏi Đồng Thị Nga cũng đóng góp bằng tiền học bổng. Cô ấy chia sẻ những may mắn và thành quả của mình với mọi người.

Cuối năm nay Nga sẽ trở về với ngôi trường thân yêu của mình, với bục giảng, phấn trắng và ước nguyện: làm điều gì đó cho những người đồng cảnh ngộ.

MỚI - NÓNG