“Cô gái mù” và cổ tích thời @

“Cô gái mù” và cổ tích thời @
TP- Bị căn bệnh thoái hóa giác mạc cướp đi nguồn ánh sáng của đôi mắt khi lên 3 tuổi, cứ tưởng cô gái Đinh Việt Anh sẽ trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Nhưng bằng nghị lực phi thường, chị đã đậu hai trường đại học và viết nên câu chuyện cổ tích có thật thời hiện đại.

Sinh năm 1978, tại xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh trong gia đình có 5 anh em. Bố mẹ đều là giáo viên. Cuộc sống khó khăn nhưng không khí gia đình luôn đầm ấm. Và cũng như những đứa trẻ khác, Đinh Việt Anh có đôi mắt đẹp, trong veo! Thế nhưng, sau một trận sốt, mắt Việt Anh bị mờ dần do bị thoái hoá giác mạc. Gia đình gom những đồng lương ít ỏi, vay mượn anh em, xóm làng cố chạy chữa cho con nhưng vô vọng. Các bác sỹ trả lời không có cơ hội nào để giúp Việt Anh có thể sáng lại đôi mắt.

“Lúc đó còn bé nên mình chỉ sợ thôi chứ chẳng biết gì. Lớn hơn một chút, cứ nghĩ đến bị mù vĩnh viễn là mình lại khóc. Có khi khóc cả ngày, hết nước mắt nhưng rồi mình cũng nhận ra khóc lóc chẳng giải quyết được gì và quyết tâm phải vươn lên” - Việt Anh nhớ lại.

Đến tuổi đi học, khát khao đến trường thôi thúc Việt Anh. Em tha thiết xin bố mẹ đến trường. Thế là hàng ngày người cha già cặm cụi chở con đến trường. Việc học của Việt Anh hết sức khó khăn. Đến đầu cấp II thì đôi mắt Việt Anh mù hẳn. Đã nhiều lần mọi người khuyên cô nên bỏ học nhưng Việt Anh nhất quyết không nghe. Ngày đến trường đêm về lại ngồi cặm cụi học. Có những lúc mãi đuổi theo con chữ, tóc cô bị đèn đốt cháy sém. Và như một sự bù đắp của ông trời, suốt từ lớp 1 đến hết THPT bằng ý chí, nghị lực cùng với đầu óc thông minh, kết quả học tập của cô luôn cao nhất lớp.

Hiện, Việt Anh đang tích cực trong việc chia sẻ thông tin, tài liệu cho những người khiếm thị Việt Nam học, hòa nhập thông qua mạng Internet. Bản thân chị cũng đang học tiếng Nhật qua mạng và sẽ tiếp tục học lên. “Với tôi, cố gắng học tập, công tác trở thành người có ích cũng chính là lời hứa, đáp lại sự chăm lo, hòa vào truyền thống của gia đình, dòng họ cũng như đáp lại sự giúp đỡ, sẻ chia của Hội Người mù và cộng đồng đã tin yêu và giúp đỡ tôi” - Việt Anh tâm sự.

Thế rồi, khi Việt Anh đang mơ về một giảng đường đại học thì số phận lại thêm một lần thử thách. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên giấc mơ trở thành sinh viên trở nên xa vời. Hơn nữa là các trường đại học cô nộp hồ sơ… đều không tuyển người khiếm thị. Mặc dù vậy, ông trời đã không nhẫn tâm khi tạo cho Việt Anh một cơ hội. Trong một dịp tình cờ, cô được Tỉnh hội người mù Hà Tĩnh giới thiệu đi học ở Trung tâm phục hồi chức năng - Hội người mù Hà Nội. Tại đây, Việt Anh được Hội tạo điều kiện cho tiếp xúc với chữ nổi. Và với thành tích học tập xuất sắc, cô được giữ lại làm giảng viên. Số phận đã mỉm cười với cô. Năm 1999, Việt Anh  tham gia dự thi vào ngành Quản lý xã hội, trường Đại học KHXH & NV, Hà Nội. Năm 2002, cô lại dự tuyển vào Khoa Tiếng Anh – Viện đại học Mở Hà Nội và như một con ong chăm chỉ Việt Anh lại lao vào học.

Đối với những tài liệu bằng tiếng Việt thì khá dễ vì cô thường nhờ người sáng đọc và thu âm vào băng, nhưng tài liệu bằng tiếng Anh thì gặp rất nhiều khó khăn bởi xung quanh cô không phải người nào cũng đọc được loại sách này và hơn thế cô cũng không thể mang tài liệu ra ngoài thuê đánh máy, mua băng để ghi âm tài liệu vì chi phí quá cao... 

Vì thế, Việt Anh đành phải chọn giải pháp, cứ có thời gian là cô phải nhờ người sáng đọc theo từng chữ cái tiếng Việt để ghi lại. Cô vừa phải làm tốt công việc của cơ quan, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập tại hai trường đại học. Ngày lên giảng đường học, đêm về lại đến trung tâm dạy. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng suốt quãng thời gian học ở hai trường đại học rất ít bài thi của Việt Anh dưới 8 điểm và tốt nghiệp với 2 tấm bằng loại giỏi.

“Cô gái mù” và cổ tích thời @ ảnh 1
Việt Anh đang hướng dẫn học viên tại Trung tâm

Ước mơ và hiện thực

Những khó khăn thử thách mà Việt Anh gặp phải cũng lần lượt được chinh phục trong sự đùm bọc của gia đình, đồng nghiệp và những người xung quanh. Đến nay, thành quả của cô đã khiến nhiều người khâm phục: Tốt nghiệp hai trường đại học loại giỏi, nhận chứng chỉ nghiệp vụ Sư phạm xuất sắc của trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô còn được Hiệp hội người mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương lựa chọn là 1 trong 5 người mù tham dự lớp Công nghệ thông tin tại Nhật Bản, tham dự lớp sản xuất sách kỹ thuật số đa phương tiện DAISY tại Thái Lan, lớp đào tạo giáo viên nguồn về vi tính cho người mù với sự giảng dạy của các chuyên gia Thụy Điển.

Việt Anh cũng đã được lựa chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của thanh niên Hà Tĩnh và được Trung ương Đoàn tặng bằng khen tại Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Hà Tĩnh năm 2000, được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen tại Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất năm 2004.

Việt Anh từng tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII năm 2005, là một nhân vật trong triển lãm “Những người phụ nữ vượt lên số phận” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới năm 2007. Vinh dự hơn, mới đây Việt Anh đã được cử làm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Tĩnh, Trưởng Ban Tuyên truyền - Văn hóa - Giáo dục

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.