Cô gái múa tay 365 ngày

Cô gái múa tay 365 ngày
TP - Cô gái múa tay 365 ngày, đó là nick name mà bạn bè gọi Lan - thông ngôn viên trong những cuộc họp quan trọng của chi hội người  Điếc Hà Nội.

Năm tuổi đã thông thạo ngôn ngữ kí hiệu, cô gái 22 tuổi Vũ Hoàng Lan (lớp 10.01 Kế toán- Đại học Kinh doanh và Công nghệ) trở thành thông ngôn viên, thành phần không thể thiếu trong những cuộc họp quan trọng của chi hội người Điếc Hà Nội.

Kết nối bằng cả trái tim

Cô gái múa tay 365 ngày ảnh 1
Giúp người điếc nói lên tiếng nói của mình

Tôi gặp Vũ Hoàng Lan tại hội thảo “Nâng cao năng lực và chất lượng cho các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật và ra mắt ban vận động hội thanh niên khuyết tật Việt Nam”, do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Hội Trợ giúp Người tàn tật Việt Nam tổ chức vào một ngày cuối năm 2008.

Lan ngồi ở trung tâm khán phòng, đối diện với các thành viên hội người điếc Hà Nội. Tay làm việc liên tục, truyền đạt nội dung diễn ra trong hội thảo cho thành viên và giúp người điếc có tiếng nói trong hội thảo.

Năm 16 tuổi, khi đang học phổ thông, Lan thường theo chị gái (cũng là người câm điếc) sinh hoạt ở chi hội người điếc Hà Nội. Lâu dần thành quen, Lan bị ngôn ngữ bằng tay của những người câm điếc thu phục.

“Ngôn ngữ kí hiệu ăn sâu vào máu tôi, tôi không phải học mà tự nhiên nó phát triển”, Vũ Hoàng Lan tâm sự. Lan làm thông  ngôn viên trong những cuộc họp, hội thảo quan trọng của Chi hội người điếc Hà Nội hay những buổi làm việc giữa chi hội với những đoàn khách quốc tế... Mỗi ngày mới của Lan là một ngày bận rộn nhưng Lan vẫn giữ phong độ trong học tập, đều đều với điểm số 7,0 mỗi kỳ học.

Lan cho biết, hồi mới làm công việc thông ngôn bằng tay cô rất run, vì phải đứng trước nhiều người, đôi khi lập cập không ra ý.

Cùng với vốn ngôn ngữ bằng tay, ngôn ngữ tiếng Anh của Lan cũng dày lên. Trong những lần làm thông ngôn cho các cuộc làm việc của lãnh đạo chi hội với tổ chức phi chính phủ, Lan phải dịch cả ba thứ ngôn ngữ: tiếng Việt, ngôn ngữ bằng tay và tiếng Anh.

Làm thông ngôn, nhưng Lan không nhận thù lao, bởi: “Các anh chị, các bạn gặp nhiều thiệt thòi. Làm được điều gì đó giúp họ là tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa rồi”.

Chị gái Lan, Vũ Thùy Linh hiện là Phó Chủ tịch Hội người điếc Hà Nội cũng bị điếc bẩm sinh. Tình thương yêu  chị gái thôi thúc Lan gắn bó với thế giới người điếc.

Lan nắm bắt ý và truyền tải ý tới người điếc rất nhanh. “Cô diễn đạt gọn, giải thích rõ ràng với từng vấn đề. Điều mọi người thích ở Lan nhất là khuôn mặt cô luôn biểu lộ cảm xúc, có thái độ trước một vấn đề, qua đó mọi người hiểu và lĩnh hội được thông tin.

Trung gian hòa giải

Cô gái múa tay 365 ngày ảnh 2Nhờ có Lan mà các thành viên của chi hội có thể hiểu được nội dung các hội thảo, tập huấn. Có những từ không hiểu, Lan giải thích rõ ràng. Có những văn bản khó nhớ, Lan tóm tắt giúp chúng tôi dễ hiểu. Ở Hà Nội có 3-4 người làm phiên dịch cho người điếc nhưng tôi thấy chưa  ai dịch tốt như LanCô gái múa tay 365 ngày ảnh 3 - Chủ tịch chi hội người khiếm thính Hà Nội, Lê Văn Ánh

Lan tâm sự: “Ngôn ngữ nói đa dạng trong khi ngôn ngữ kí hiệu rất hạn chế, với những từ khó, không có trong từ điển ngôn ngữ kí hiệu nên tôi phải giải thích nhiều lần.

Ví như từ tích cực và tiêu cực, các bạn không phân biệt được ý của hai từ đó, tôi phải đánh chữ cái bằng tay, diễn đạt bằng nhiều cử chỉ khác.

Hay những từ trong văn bản pháp luật, tôi phải giải thích rất lâu, họ vẫn không hiểu và phải mặc định trong đầu họ rằng có từ như thế...”.

Sống cùng, tiếp xúc cùng, Lan cảm nhận được tình thương yêu, gắn bó như trong một gia đình của thế giới người điếc. Lan ghi nhận và kể cho sinh viên, bạn bè quanh mình câu chuyện về họ, về đời sống, tâm tư tình cảm của họ.

Từ tấm lòng, Lan trở thành người truyền lửa. “Họ hài lòng về bản thân, không có biểu hiện của sự tự ti mà, ngược lại, rất tự tin. Đôi khi những ý nghĩ của họ còn viển vông, xa rời thực tế nhưng điều quý nhất mà tôi học được ở họ là sự trong sáng, luôn chan hòa, vô tư”.

Tham gia sống cùng thế giới đặc biệt này cho Lan nhiều kỷ niệm, Lan chia sẻ: “Đôi khi mọi người hiểu lầm, tranh cãi nảy lửa vì bất đồng ý kiến, tôi bị lôi vào cuộc, trở thành trung gian. Họ hỏi ý kiến tôi, nghe tôi phân tích, tôi vui khi mình góp phần giúp họ hiểu và đoàn kết hơn”.  

MỚI - NÓNG