Cô gái Thái làm thời trang sinh thái

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Khởi nghiệp không chỉ là chuyện làm ăn mà còn khơi dậy nội lực và ước mơ thời đại. Nhưng đâu đó, công việc này vẫn mang tính phong trào, hình thức. Trong khi, trên khắp đất nước, có rất nhiều người trẻ và cả người không còn trẻ đang nỗ lực khởi nghiệp bằng những hình thức rất sáng tạo, với những công việc ít ai ngờ. Nhiều người đi lên từ hai bàn tay trắng, bất chấp hoàn cảnh khó khăn… Từ số báo này, TPCN mở loạt bài “Khởi nghiệp - sáng tạo vượt khó”. Trân trọng gửi đến quý bạn đọc.

Vì Thị Thu Trang là người dân tộc Thái, sở hữu thương hiệu thời trang, thiết kế Indie Hand. Vừa được giải Nhất cuộc thi Thủ công và thiết kế của Hội Đồng Anh, Trang theo đuổi con đường khuếch trương các sản phẩm dệt may thủ công truyền thống của người dân tộc thiểu số, gắn với lối tiêu dùng tối giản và tôn trọng thiên nhiên.

Lấy kiến trúc nuôi nghề trồng bông xe sợi

Trang tốt nghiệp khoa kiến trúc Đại học Mở, khởi nghiệp với một dự án trồng bông xe sợi. Nhiều người thắc mắc về những lựa chọn không liên quan này, cô gái 28 tuổi chỉ cười: lúc trước thi Kiến trúc vì thấy nó ngầu! Sau này, kiến trúc là công việc đem lại thu nhập để Trang đi tiếp say mê của mình. Rất nhiều lần thất bại trong những thử nghiệm dệt may đồ bông truyền thống, Trang từng mở quán cà phê, đi vẽ thuê, thiết kế nội thất… để lấy tiền thuê nhân công, mua hạt giống, mua sợi và… đi điền dã.

Trang là người dân tộc Thái, gia đình hiện vẫn sống ở Mai Châu, Hòa Bình. Thuở nhỏ, cô từng sống trong môi trường của những người phụ nữ trồng bông xe sợi. Khi đó, cô không có nhiều tình cảm đặc biệt với những thước vải mộc khổ to nhất cũng chỉ 90 phân. Chỉ biết mặc vào thì nhẹ thoáng, đông ấm hè mát. Cùng với sự xâm lấn của văn hóa miền xuôi, người Thái bắt đầu không mặc đồ truyền thống nữa. Khung cửi nhà cô phải tháo dỡ. Thậm chí hạt giống cây bông cũng mất dần, vì còn có ai mua vải nữa đâu. Cho đến khi Trang học kiến trúc, được đi nhiều nơi, chứng kiến người Mông ở Sa Pa vẫn tự trồng cây lanh, tự xe sợi, dệt vải, phụ nữ Mông vẫn đều đặn một năm may hai bộ quần áo cho người thân. Bị tinh thần tự tôn của người Mông thuyết phục, Trang nghĩ đến việc phải làm gì đó để giữ lại nghề dệt bông, trước hết để mình mặc.

Gần mười năm trước, du lịch ở Mai Châu đã phát triển. Trang quen với chị Lò Thị Dị, một người Thái chính tông còn yêu nghề dệt. Hai chị em cùng mày mò để làm ra những thước vải mềm nhất, bền nhất. Chị Dị có một cửa hàng dệt nho nhỏ trong khu du lịch Mai Châu. Dấu ấn của Trang trong đó không nhỏ, từ cái tên cửa hàng, đến cách trang trí, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Chỗ của chị Dị sau này trở thành điểm đến của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng khác, như Vũ Thảo (chủ thương hiệu Kilomet109), Phạm Kiều Phúc (chủ thương hiệu Module 7). Hiện nay chị Dị là một cộng sự thân thiết của Trang.

Trang chính là người mẫu đầu tiên cho những sản phẩm thời trang bằng vải bông 100% của mình. Quần áo mặc ra đường được nhiều người khen hay, lạ. Trang làm nhiều hơn, mang về Hà Nội túc tắc bán online.

Chỉ thích làm thời trang sinh thái

Hiện nay, tại xưởng dệt ở Mai Châu của Trang có khoảng gần 10 người, bộ phận may có hai người cố định. Trang kể, cái dở nhất của cô là quản lý mọi thứ chưa đâu vào đấy, chưa có quy trình sản xuất và đầu ra ổn định. Cứ đến mùa lễ hội, mùa  gặt, cấy là người làm nghỉ, đơn hàng tồn xếp chồng. Người làm cho Trang đều là phụ nữ Thái, điều khiến cô có chút tự hào là đã hướng dẫn họ có kỹ thuật dệt tốt, tay nghề nhuộm, may “cứng”.

Trang sống ở Hà Nội và đi đi về về hơn 100 cây số bất cứ lúc nào công nhân có thời gian để cùng cắt may và nhuộm vải. Bạn bè bảo Trang “bay” quá, không biết làm quy chế và quản lý nhân viên. Chỉ Trang biết, phụ nữ người dân tộc thiểu số coi trọng gia đình, làng bản hơn cả tiền và các thứ chế tài khác. Nhà có việc, bản có hội, không cần đặt bàn cân cũng biết họ nhất định không thể bỏ để đi làm việc khác, đừng nói đến chuyện tăng ca.

Trang mất rất nhiều thời gian để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để giữ được nghề dệt truyền thống từ những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và để cho người tiêu dùng thích dùng loại vải dệt thân thiện này? Cùng một lựa chọn, Trang chứng kiến nhiều người đã bỏ cuộc. Bản thân cũng có nhiều đoạn bế tắc muốn buông tay. Cho đến khi tự mình làm ra mảnh vải dệt đầu tiên, Trang đã biết thời trang sinh thái là con đường cô muốn đi.

Đến khi gặp cuộc thi Thủ công và thiết kế của Hội đồng Anh, Trang có cảm giác như tìm được tri kỷ, bởi yêu cầu của ban tổ chức về sinh kế bền vững và tạo kết nối vững chắc cho nhà thiết kế chuyên nghiệp, hiện đại hợp tác với thợ thủ công bản địa, cho ra sản phẩm có tính bền vững, chất lượng cao trùng khớp với mong muốn của cô.

Trang dự cảm mình sẽ được giải nhưng không dám nghĩ là giải Nhất. Bởi trong cuộc thi có nhiều đội chuyên nghiệp, làm đâu ra đấy. Bản thân cô có một mình nên hơi bị bơi. Chưa kể, đối với dự án này, Trang tay ngang 100%. Tự lực cánh sinh trong suốt 8 tháng, vừa mày mò, thử nghiệm, vừa phải làm các việc khác để sinh sống.

Tối giản và thân thiện môi trường

Thứ Trang mong muốn nhất trong việc quảng bá thời trang sinh thái là có thể tác động đến nhóm thanh niên cùng thế hệ về việc ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, về cách tiết chế mua sắm và không gây áp lực cho môi trường sống.

Là một tín đồ của lối sống tối giản, vải của Trang không có nhiều họa tiết, nếu là màu thì cũng đều là những màu cơ bản, lấy chất liệu nhuộm hoàn toàn từ tự nhiên như cây, lá, hoa, quả… Bản thân Trang không ngại dùng đồ tái chế. Cô có hẳn một bộ sưu tập quần áo cũ của người Mông. Từ những quần áo ấy, cô cắt, ghép thành những sản phẩm mới. Các sản phẩm may lỗi Trang cũng tìm cách khắc phục, biến tấu “vứt đi thì tiếc, làm ra một tấm vải không đơn giản”. Vải Trang làm ra được các bạn rất thích, nhiều đồng nghiệp đã lấy đồ của cô làm đồ nội thất cho khách. Các họa sĩ tìm đến Trang để kiếm vải bông tự nhiên làm toan hoặc chất liệu
sáng tác.

Trước đây, Trang phải đi mua nguyên liệu bông tận Điện Biên và các vùng Tây Nguyên. Diện tích trồng bông tự nhiên hiện nay không cao, không ai đứng ra trồng nữa vì giá trị kinh tế thấp. Cô đã nghĩ đến phương án tự trồng bông để giảm bớt chi phí sản xuất. Vấn đề nảy sinh tưởng như đùa nhưng việc tìm hạt giống cũng là cả một quá trình khó khăn. Người Thái chặt cây bông từ hai chục năm nay, không ai còn giữ hạt giống. Đi tìm khắp nơi, hỏi cả tổ chức nước ngoài cũng chỉ xin được số ít. Hiện, Trang vừa trồng thử 200m2 cây bông. Đây là việc mạo hiểm, trả giá nhiều bởi ngay từ việc gieo hạt, nuôi giống cũng phải mò lại từ đầu, tất cả là tại vấn đề cơ bản: thất truyền.

Mỗi một sản phẩm may mặc của Trang đều đi ngược lại quy trình thiết kế, đó là phải nương theo khổ vải để lên mẫu. Trang lấy thái độ thận trọng và tối ưu hóa giá trị sử dụng để ứng xử với những thớ vải. Thiết kế đơn giản, màu tối giản. Tiết kiệm nguyên-nhiên liệu chính là một mục tiêu mà những người bảo vệ môi trường theo đuổi.

Cô gái Thái làm thời trang sinh thái ảnh 1 Vì Thị Thu Trang nhận giải Nhất cuộc thi Thủ công và Thiết kế.

Thủ công và Thiết kế (Crafting Futures) là một chương trình toàn cầu của Hội đồng Anh hỗ trợ phát triển bền vững ngành công nghiệp thủ công. Dự án Indie Hand của Vì Thị Thu Trang đã được giải Nhất cuộc thi này vừa tổ chức tại Việt Nam.

Buồn vì vẫn chỉ người nước ngoài hứng thú

Cô gái Thái làm thời trang sinh thái ảnh 2Bây giờ, sản phẩm của Trang làm ra không đủ bán. Ngoài vải, Indie Hand có cả thời trang và décor: chăn ga gối rèm, khăn trải bàn, đồ trang trí… Trang bảo, hơi buồn vì vẫn là người nước ngoài có hứng thú với các mặt hàng này hơn. Có những tour du lịch toàn người nước ngoài đi qua, họ vào một lần là khuân hết cả cửa hàng. Cô muốn mở rộng thị trường trong nước bằng cách đảm bảo giá cả sản phẩm cho tầng lớp thanh niên trẻ cũng có thể mua được. Với Trang, đó là đối tượng lớn nhất cô muốn hướng tới, để lây lan thói quen dùng đồ tự nhiên và ý thức bảo vệ môi trường sống. 
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.