Cô gái tham vọng trở thành ngoại trưởng Mỹ

Cô gái tham vọng trở thành ngoại trưởng Mỹ
Nói tiếng Anh, Việt và Tây Ban Nha lưu loát, Hồ Thị Xuân Trang trở thành người không thể thiếu được trong các hoạt động từ thiện ở Lincoln, thủ phủ bang Nebraska, Hoa Kỳ.
Cô gái tham vọng trở thành ngoại trưởng Mỹ ảnh 1
Xuân Trang và ba mẹ

Không những thế, Xuân Trang liên tục nhận được những học bổng danh giá nhất nước Mỹ.

Tháng 9/2006 này, Xuân Trang sẽ lên đường đến Anh để học tại Đại học Oxford nhờ đoạt được học bổng Rhodes.

Niềm tự hào của người Việt

Học bổng Rhodes mà Xuân Trang vừa đoạt được là học bổng danh giá nhất dành cho sinh viên ở Mỹ và một số nước nói tiếng Anh. Học bổng này được ông Cecil Rhodes của nước Anh sáng lập vào năm 1904 để tìm những tài năng đem đến đại học Oxford.

Xuân Trang là người thứ hai của trường đại học Nebraska Wesleyan và là người Việt thứ ba tại nước Mỹ vinh dự nhận được học bổng này.

Cô cho biết: “Năm nay, riêng ở Mỹ có 903 người nộp đơn ứng cử cho học bổng này nhưng chỉ có 32 người được chọn. Khi được tuyển chọn, tôi đã phải qua các cuộc sát hạch “gai góc” để nhận học bổng trị giá từ 80.000 đến 120.000 USD dành cho 2 – 3 năm học”.

Trước đó, Xuân Trang cũng là người nhận học bổng Truman của tiểu bang Nebraska, trị giá 30.000 USD. Đây là học bổng tương tự như Rhodes, dành cho 75 học sinh trên toàn nước Mỹ muốn hoạt động trong lĩnh vực “phục vụ công cộng”.

Chưa hết, ngày 15/2/2006, Xuân Trang được báo USA Today bình chọn là một trong 20 học sinh xuất sắc nhất trên toàn nước Mỹ với giải thưởng trị giá 2.500 USD.

Cô gái tham vọng trở thành ngoại trưởng Mỹ ảnh 2

Xuân Trang (giữa) cùng bạn bè trong Lễ Tốt nghiệp ĐH

Dường như cô bé quê gốc Bình Dương này sinh ra để học và đoạt những giải thưởng.

Giải thích cho những thành công của mình, Xuân Trang cho biết: “Tôi luôn học hết mình và lúc nào cũng có niềm tin vào bản thân. Có thể có nhiều người khác giỏi hơn mình nhưng tôi luôn tin tưởng mình sẽ trở thành người xuất sắc nhất.

Tôi cũng không bao giờ để cho ai nói với tôi rằng tôi sẽ không thành công và tôi luôn nỗ lực hết mình để chứng minh mình đúng. Tôi may mắn vì luôn được ba mẹ ủng hộ và luôn đặt ra những hướng đi để đạt được điều mình mơ ước”.

Ngay từ lúc còn rất nhỏ, Xuân Trang một mình khăn gói đến Argentina để du học hoặc đến Washington để thực tập. Mặc dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cô ý thức rằng những chuyến đi như vậy sẽ giúp ích cho bản thân mình.

Lúc mới sang Mỹ, Xuân Trang chỉ mới 11 tuổi và không hề biết tiếng Anh. Cô phải cố gắng học tiếng Anh mọi lúc - xem ti vi, mua sách báo và trò chuyện với những người xung quanh... để mau chóng hòa nhập.

Trang bảo: “Ba mẹ tôi không giao tiếp được tiếng Anh nhiều, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên trong tôi lúc nào cũng nung nấu ý nghĩ phải học để giúp đỡ ba mẹ, giúp đỡ gia đình và sau này có điều kiện sẽ giúp đỡ cho quê hương”.

Ký ức tuổi thơ

Rời Việt Nam lúc mới 11 tuổi nhưng những cánh đồng xanh mướt, những con sông dài và những kỷ niệm về vùng quê nắng chói chang ở quê Bến Cát, tỉnh Bình Dương và cả căn nhà nhỏ ở ấp 6 xã Thanh An,… tất cả không bao giờ phai nhạt trong ký ức của Trang.

Gia đình tám anh chị em là một gánh nặng, mẹ là giáo viên, ba là nhà nông “chính hiệu” nên hàng ngày ngoài việc học, bé Trang phải phụ ba mẹ làm việc nhà, đi tưới cây, phụ ba chăm sóc ruộng lúa, đi hái điều… nhưng đó là chuỗi ngày hạnh phúc in sâu trong ký ức của cô gái Việt xa xứ.

Trang kể với niềm tự hào: “Gia đình tôi lúc nào cũng ăn món Việt Nam, nói tiếng Việt với nhau. Mỗi tuần, Trang thường đến chợ Việt Nam để mua đồ ăn và rất ít khi đi nhà hàng. Những lúc rảnh, tôi thường mời bạn về nhà để nấu món ăn Việt Nam thết đãi.

Tôi thích nhất là phở, mắm nêm, gỏi cuốn. Đêm đêm, trong giấc ngủ của mình tôi vẫn thường nằm mơ về Việt Nam. Làm sao có thể quên quê hương xứ sở của mình? Mặc dù đi đâu, làm gì, Việt Nam vẫn là quê hương yêu dấu của tôi”.

Cuối tháng 5/2005, Xuân Trang cùng hai người bạn Việt Nam ở trường đại học Nebraska Wesleyan tổ chức cho 15 người bạn Mỹ của mình về Việt Nam để làm công tác xã hội.

Trang cho biết: “Tôi đưa các bạn đến những gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam và trò chuyện cùng họ để hiểu thêm cuộc sống hàng ngày của họ. Tôi muốn cho chính những người bạn Mỹ tiếp xúc với những người này để họ có cái nhìn về Việt Nam đúng hơn, hiểu Việt Nam mình hơn.

Chúng tôi còn đến trường nuôi dạy trẻ khuyết tật để dạy tiếng Anh, thăm trại cùi Bến Sắn, thăm xe tăng Mỹ bị cháy ở huyện Dĩ An và giao lưu với sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, thăm và trò chuyện với cựu chiến binh…

Đó là dịp để nói với các bạn Mỹ của tôi về đất nước, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Tôi muốn thế hệ trẻ hai nước có cái nhìn khách quan về nhau, cởi mở hơn. Tôi đã nói với mọi người rất nhiều về quê hương tôi bằng tất cả tình yêu của mình.

Tôi cũng muốn các bạn cảm nhận về đất nước mình bằng thực tế chứ không chỉ kiến thức mà họ đã đọc ở sách. Đối với tôi, cuộc hành trình này đặc biệt quan trọng bởi vì đó là cách để tôi chia sẻ bản thân mình. Đất nước tôi chính là một niềm tự hào của bản thân tôi.

Sẽ là người châu Á đầu tiên làm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ

Xuân Trang vừa tốt nghiệp đại học Nebraska Wesleyan ngành Chính trị và đang thực tập tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Tháng 9.2006, cô sẽ đến học tại trường đại học Oxford – Anh.

Cô cho biết:  “Tôi sẽ học hai bằng thạc sĩ về Chính trị Mỹ Latinh và Ngoại giao quốc tế. Sau đó tôi sẽ về Hoa Kỳ tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ về Chính trị”.

Trang tâm sự: “Được vào làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ đối với tôi là một sự thú vị lớn. Vì là người thực tập nên mọi người chỉ cho tôi rất nhiều việc, nhưng quan trọng nhất là mỗi ngày tôi nắm được tình hình thời sự, chính trị mỗi nước, nhất là khu vực Mỹ Latinh mà tôi mong muốn tìm hiểu.

Trước khi được nhận vào thực tập, dĩ nhiên họ dựa vào thành tích học tập và đơn xin của mình nhưng thủ tục rất nhiêu khê, họ phỏng vấn, điều tra rất nhiều, ngay cả những người thân của mình và tôi phải chờ đợi rất lâu nhưng tôi cảm thấy rất hãnh diện”.

“Trang có ý định sẽ làm việc ở Bộ ngoại giao Mỹ?”.

Xuân Trang thổ lộ: “Tôi mơ ước sẽ là người châu Á đầu tiên làm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ giống như bà Rice và Albright. Có thể lúc còn trẻ tôi sẽ làm về quan hệ quốc tế vùng Mỹ latinh hoặc nếu có thể sẽ là nhà ngoại giao về quan hệ Mỹ - Việt Nam.

Khi gần về hưu, tôi muốn trở thành giảng viên chính trị ở một trường đại học nào đó ở Mỹ hoặc ở một nơi khác. Tôi mong muốn được đi nhiều nơi, đến nhiều nước trên thế giới để tìm hiểu cuộc sống, văn hoá của người dân.

Với học bổng Rhodes, tôi sẽ có cơ hội đi nhiều nước và sẽ cố gắng học thật nhiều ngôn ngữ của các nước..."

Hành trình của Xuân Trang còn dài, ước mơ và khát vọng của cô gái Việt đâu chỉ là sự viễn vông của tuổi trẻ, một khi cô đã khẳng định "Đất nước tôi chính là một niềm tự hào của bản thân tôi"!

Theo Bảo Nguyên
Người viễn xứ

MỚI - NÓNG