Cô gái triệu đô và những quyết định mạo hiểm

Cô gái triệu đô và những quyết định mạo hiểm
14 tuổi, Hi Tuệ Lâm vào đại học, 18 tuổi làm giảng viên đại học, 22 tuổi một mình mang 20.000 USD đầu tư vào Phố Wall (Mỹ) và nhanh chóng kiếm được 1 triệu USD trong thời gian ngắn.
Cô gái triệu đô và những quyết định mạo hiểm ảnh 1
Tuệ Lâm trong một cuộc phỏng vấn

Năm 27 tuổi, trở về quê hương và thành lập tập đoàn giáo dục trực tuyến đầu tiên tại Trung Quốc. Năm 30 tuổi, có trong tay khối tài sản lên tới 60 triệu USD.

Đó là bản lý lịch trích ngang của một người phụ nữ nổi tiếng có phong thái điềm đạm, lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ đoan trang Hi Tuệ Lâm - tổng giám đốc tập đoàn đầu tư giáo dục quốc tế Trung Quốc, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn giáo dục trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc.

Cô bé thiên tài

Sinh ra trong một gia đình trí thức cao cấp tại thành phố Tây An (Quảng Tây, Trung Quốc), cô bé Hi Tuệ Lâm sớm phải tiếp nhận cuộc sống tự lập vì bố mẹ cô rất bận bịu với những chuyến công tác dài ngày.

“Khi tôi 4 tuổi, mẹ sinh em trai, bố lại phải đi công tác. Lúc đó hầu như mọi việc lặt vặt trong nhà tôi đều phải làm, trên cổ lúc nào cũng treo rất nhiều loại chìa khóa của gia đình” - cô vui vẻ kể lại.

Ngay từ nhỏ, cô bé Hi Tuệ Lâm đã xác định mục tiêu của cuộc đời mình. Cô luôn có hoài bão là sẽ trưởng thành sớm hơn, đi làm sớm hơn và đạt thành công sớm hơn mọi người. Do vậy, ngay từ khi 4 tuổi, Tuệ Lâm đã được bố mẹ cho đi học lớp một. Với thành tích học tập xuất sắc, sau nửa năm, cô được đặc cách lên lớp 3.

Không chỉ có thành tích xuất sắc trong học tập mà với các lĩnh vực hoạt động ngoại khóa, Tuệ Lâm cũng làm những người xung quanh mình phải ngạc nhiên và thán phục.

Hồi học tiểu học, cô được cầm cờ trong đội lễ nhạc của nhà trường (ở Trung Quốc, học sinh thực sự xuất sắc mới có được vinh dự này). Học trung học, cô là chỉ huy dàn hợp xướng của nhà trường. Đồng thời, cô còn tham gia rất nhiều hoạt động thể chất khác như: thể dục nhịp điệu, khiêu vũ… 

“Chính vì được tham gia những hoạt động mang tính tập thể này mà tôi đã quen dần với cách thức hoạt động theo nhóm” - cô nói.

Năm 14 tuổi, Lâm thi đỗ vào đại học sư phạm Bắc Kinh và trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của trường, nhưng các sinh viên khác không thể coi thường cô vì sự "kém cỏi" về tuổi tác ấy.

Trong lễ đón tân sinh viên của trường sư phạm Bắc Kinh năm đó, Tuệ Lâm đã nổi bật lên nhờ thành tích học tập xuất sắc, khuôn mặt xinh đẹp và vóc dáng như một người mẫu.

Cô nói: ”Con người phải biết thể hiện bản thân mình, biết tận dụng những cơ hội để được chứng tỏ năng lực của bản thân.”Với bản thân Tuệ Lâm, cuộc sống có rất nhiều cơ hội, điều quan trọng là nắm bắt cơ hội đó như thế nào".

Tuổi thanh xuân đáng nhớ

Cả 4 năm học đại học, Tuệ Lâm chủ yếu dồn vào thư viện. Tốt nghiệp đại học lúc 18 tuổi, cô đã có trong tay hai tấm bằng khác: một về văn học nước ngoài và một về thương mại quốc tế. Đồng thời, cô cũng có được một tấm bằng lái xe khi vừa đủ tuổi. Những thành tích của Tuệ Lâm luôn làm bố mẹ tự hào và mãn nguyện.

Sau khi tốt nghiệp, theo đúng nguyện vọng của mình, Tuệ Lâm trở thành giảng viên Khoa kinh tế đối ngoại quốc tế - Học viện dầu khí Bắc Kinh. Thời gian rỗi, cô dịch sách cho các nhà xuất bản và làm hướng dẫn viên du lịch cho một tập đoàn du lịch của nước ngoài.

Trong thời điểm khi các công ty nước ngoài đầu tư dồn dập vào thị trường Trung Quốc, Tuệ Lâm đã nhận được rất nhiều lời mời về làm tại các công ty này, với những mức lương hấp dẫn. Trong đó, có những lời mời làm giám đốc đại diện cho một số công ty nước ngoài tại Trung Quốc.

“Được làm cho công ty nước ngoài tại Trung Quốc là một điều tốt, nhưng một con người luôn muốn khám phá, tìm tòi như tôi nếu chỉ ở Trung Quốc thì không thể thỏa sức tang bồng của mình”.

Với lý do ấy, năm 22 tuổi, Hi Tuệ Lâm một mình mang theo 20.000 USD đến Mỹ, thâm nhập và đầu tư vào trung tâm tài chính thương mại Phố Wall. Và huyền thoại về một nữ triệu phú đô là bắt đầu từ đây.

Những quyết định mạo hiểm

Mùa hè năm 1993 khi bước xuống sân bay Chicago - Mỹ, mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm nhưng Hi Tuệ Lâm đã quyết: “Phải chinh phục được nước Mỹ, coi đó là thiên đường cho công việc của mình”.

“Cơ hội và may mắn luôn đến với những ai đã chuẩn bị mọi thứ để đón nhận nó” - Tuệ Lâm từng trả lời báo chí như vậy.

Năm đó, cô đã thành lập công ty liên hợp “First Chicago Bank’s First Option” tại New York và Chicago chuyên cấp vốn cho các công ty tư nhân đa quốc gia và các công ty nhà nước của Trung Quốc.

Tại thời điểm đó, ở Mỹ có hàng trăm ngàn công ty được thành lập rồi không bao lâu sau lại phá sản. Đó là chuyện xảy ra “như cơm bữa”. Vì vậy, việc công ty “First Chicago Bank’s First Option” của Tuệ Lâm ra đời cũng nhận được nhiều ánh mắt nghi ngại.

Tuy nhiên với Tuệ Lâm, việc ra đời công ty là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Cũng bắt đầu từ đây, cô thường xuyên phải làm việc với cường độ cao và mất ngủ do áp lực.

Tuy nhiên, công ty cô đã làm ăn phát đạt. Xác định mục tiêu chính là ở Hồng Kông, Tuệ Lâm mở thêm công ty Gardism chuyên phụ trách quản lý đầu tư giữa các công ty, nhà máy, xí nghiệp của Hồng Kông liên doanh với Trung Quốc đại lục.

Hai năm sau khi hoạt động, cổ phiếu của Gardism bắt đầu được bán ra, làm khuấy động thị trường và trở thành cổ phiếu được chào đón nồng nhiệt nhất tại lúc đó.

Năm 1997 khi vừa tròn 27 tuổi, Hi Tuệ Lâm đã có trong tay lượng tài sản lên tới 10 triệu USD. Lúc này, quyết định về nước phát triển sự nghiệp.

Năm 1998, khi internet bắt đầu nở rộ ở Trung Quốc, Tuệ Lâm thành lập tập đoàn giáo dục dạy học trực tuyến đầu tiên tại nước này.

“Nguyện vọng của tôi là làm thế nào để kết hợp được một cách hài hòa giữa sự nghiệp giáo dục mà tôi được đào tạo bài bản với nghề kinh doanh mà tôi yêu thích. Chính vì thế, hình thức giáo dục trực tuyến sẽ giúp tôi thực hiện được ước mơ của mình” - cô tâm sự.

Hiện nay, tập đoàn giáo dục trực tuyến của cô đã ký hợp đồng làm đại lý độc quyền tại Trung Quốc với tập đoàn giáo dục lớn nhất thế giới Pearson. Hiện tại mô hình giáo dục của công ty là dạy tiếng Anh trực tuyến. Trong vòng 10 năm hoạt động, lợi nhuận của công ty đã lên tới 50 triệu USD.

Để quảng bá và mở rộng đối tượng tiếp thu hình thức đào tạo mới của mình, Tuệ Lâm đã đến rất nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc, thăm và làm việc với hơn 1.000 trường học trong cả nước từ đại học, trung học tới tiểu học.

Ngoài quảng bá hình ảnh cho tập đoàn, cô đã mang tặng các thiết bị học tập và tiền mặt cho những trường thuộc các vùng khó khăn ở các tỉnh nghèo.

Cô cho biết: “Muốn cải thiện xã hội thì phải bắt đầu từ cải thiện giáo dục, muốn cải thiện giáo dục thì phải bắt đầu từ con trẻ, mà tạo môi trường học tập tốt cho trẻ chính là điều kiện cơ bản nhất để chúng có thể học tập tốt”.

Mặc dù rất thành công trong công việc hiện tại nhưng Hi Tuệ Lâm vẫn mong sẽ có ngày trở lại làm giảng viên: “Với tôi, giáo viên là nghề cao quý nhất, được làm giảng viên tôi có thể giúp đỡ những sinh viên nghèo không những về mặt kinh tế mà còn về cả nhận thức nữa”.

“Cuộc sống có rất nhiều cơ hội, điều quan trọng là bạn có nắm bắt được cơ hội đó hay không”. Đó là câu nói mà Hi Tuệ Lâm dành cho những thanh niên đang chuẩn bị bước vào con đường lập nghiệp.

Theo VietNamNet/Lookjob

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.