Cô gái Việt chủ tọa Đại hội đồng Bảo an

Cô gái Việt chủ tọa Đại hội đồng Bảo an
Theo kế hoạch, vào ngày 23/2, Phạm Thị Thanh Nhung sẽ tham gia Hội nghị mô hình mẫu của Liên Hiệp Quốc (UNISUN) được tổ chức tại Đại học Utretch, thành phố Utretch (Hà Lan).
Cô gái Việt chủ tọa Đại hội đồng Bảo an ảnh 1

Thanh Nhung (áo dài) tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo trẻ châu Á - Thái Bình Dương tại Nhật 

Là đại diện thanh niên VN duy nhất dự hội nghị lần này, Nhung sẽ đảm nhiệm vai chủ tọa Đại hội đồng Bảo an LHQ.

Thanh Nhung cho biết:

- Hội nghị mô hình mẫu của LHQ bao gồm các chủ đề Đại hội đồng Bảo an, Ủy ban chính trị, Ủy ban nhân quyền, Hội đồng kinh tế và xã hội.

Trong các chương trình hội thảo, đại biểu thanh niên đến từ các quốc gia trên thế giới sẽ đóng vai trò là đại biểu cấp cao của LHQ trong việc tranh luận về một chủ đề và đưa ra những nghị quyết có ảnh hưởng đến tầm quốc tế.

Hội nghị nhằm giúp thanh niên làm quen với mô hình tổ chức LHQ, qua đó lấy ý kiến đóng góp của thanh niên về các chủ đề của LHQ. Thông tin hội nghị được công bố công khai trên mạng, mọi thanh niên trên thế giới đều có quyền tự ứng cử. Ứng viên được chọn hoàn toàn thông qua cạnh tranh.

Phạm Thị Thanh Nhung sinh năm 1982, tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Nhung là trưởng nhóm tình nguyện Biển Xanh (Đà Nẵng), hiện làm việc tại Tổ chức Hợp tác phát triển Thụy Sĩ, từng tham gia nhiều hội nghị thanh niên về HIV/AIDS, môi trường... trong nước.

Cô bạn gái này hai lần là khách mời VN duy nhất tham gia diễn thuyết về văn hóa - môi trường VN trên tàu Hòa Bình (tháng 10-2004 và 2-2005); chủ tọa Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo trẻ châu Á - Thái Bình Dương tại Hiroshima, Nhật Bản (9-2004); đại diện thanh niên VN ở Đại hội thanh niên thế giới tổ chức tại Scotland cho 600 đại biểu thanh niên trên thế giới (7-2005).

Tại sao Nhung chọn vị trí chủ tọa mà không phải vị trí khác như thư ký, thành viên...?

Công việc của chủ tọa là giúp các thành viên nắm được mục đích cuộc họp, đi theo nội dung đã đặt ra, đảm bảo thời gian, giải quyết các mâu thuẫn xảy ra một cách nhanh chóng và hòa bình, giúp mọi thành viên đều có tiếng nói trong hội nghị...

Ở vai trò này, tôi sẽ học hỏi được thêm nhiều kỹ năng điều hành, cách xử lý tình huống, giúp phát triển nghề nghiệp sau này của mình.

Làm chủ tọa trong một hội nghị lớn bàn chuyện đại sự, thành viên là thanh niên đến từ nhiều nước trên thế giới với nhiều nét văn hóa khác nhau, liệu có khó khăn để có một tiếng nói chung? 

Ngoài nắm vững kiến thức các vấn đề về LHQ, điều lệ, cách tổ chức của LHQ, các chương trình của LHQ làm ở các nước..., tôi tìm học thêm kiến thức liên quan tới nhiều chủ đề khác nhau, tự trang bị kỹ năng xử lý các tình huống có thể xảy ra...   

Đồng thời tôi nghĩ có lẽ các đại biểu tham dự cũng như tôi, hầu hết đều có kinh nghiệm và đã đi nhiều hội nghị khác trên thế giới nên ít nhiều có một “phong cách quốc tế” cần thiết để hòa nhập không khí chung; nhất là tất cả đều thành thạo ngôn ngữ chung tại hội nghị là tiếng Anh.

Liệu đây có là cơ hội quảng bá hình ảnh VN với bạn bè quốc tế?

Hình ảnh mình mang đến với bạn bè quốc tế rất quan trọng, nhất là với những người bạn chưa bao giờ tiếp xúc với người VN, nên tôi ý thức cần trang bị kiến thức nhiều, cẩn thận trong giao tiếp...

Mỗi dịp tham gia một hội nghị quốc tế, tôi mang theo nhiều đặc sản, đặc trưng của VN tặng bạn bè; chiếu phim về hình ảnh con người VN, thức ăn VN, nhạc cụ VN, áo dài VN từ đời này sang đời khác...

Theo Lê Quỳnh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.