Cô học sinh lớp 10 và công trình lọc nước hồ Bảy Mẫu

Cô học sinh lớp 10 và công trình lọc nước hồ Bảy Mẫu
Ít ai nghĩ rằng Nguyễn Thị Thu Trang, người đoạt giải nhất cuộc thi quốc gia về “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” chỉ là cô học sinh lớp 10.

Trong những ngày này, Trang đang gấp rút chuẩn bị để đưa công trình "Sử dụng hỗn hợp đất sét và xơ giấy để khắc phục ô nhiễm nước hồ Bảy Mẫu (Hà Nội)” sang dự thi tại Stockholm (Thuỵ Điển) vào tháng 8 tới.

Ý tưởng từ hiệu sách cũ

Khi cuộc thi phát động tại trường, bao nhiêu đề tài nảy ra trong đầu cô học trò chuyên Sinh THPT Amsterdam (Hà Nội). Cho đến một ngày, thói quen lang thang ở các hiệu sách cũ đã giúp cô tình cờ tìm được cuốn sách “Đất sét trong công nghiệp” viết về tính năng lọc nước của đất sét.

Dán mắt vào cuốn sách mải miết đọc đến khi bị chủ hàng nhắc, Trang mới bừng tỉnh. Một ý tưởng táo bạo cho bài dự thi đã hình thành: lọc nước bằng đất sét và xơ giấy.

“Đất sét là nguyên liệu dễ kiếm, xơ giấy là chất thải của các xưởng sản xuất giấy. Ngoài ra có thể sử dụng cặn lắng thải của vật liệu lọc làm phân bón cho cây do hấp phụ nhiều chất hữu cơ và vi sinh vật.” – Trang nghĩ.

Từ lâu, Trang luôn bức xúc trước thực trạng ô nhiễm của hồ Bảy Mẫu đã lên đến mức báo động đỏ. Hồ nước lớn thứ hai ở Hà Nội, với diện tích 21 ha này trung bình nhận mỗi ngày đêm 12000m3 nước thải sinh hoạt của 6 phường dân cư, nước sản xuất công nghiệp, nước thải của bệnh viện cùng với rác rưởi, xác động thực vật, thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn trên hồ làm nước hồ đen, bốc mùi hôi thối.

Theo ý tưởng của Trang, nếu xây bể lọc ở các cửa cống chính đổ nước thải vào hồ, tình trạng ô nhiễm nước hồ sẽ được cải thiện.

Thế là ngày ngày, sau những buổi học, Trang lại đạp xe đến hồ khảo sát, chụp ảnh, lấy mẫu đất, nước để về làm thí nghiệm.

Thời gian làm đề tài này cũng là lúc thi học kỳ, thi học sinh giỏi đang đến rất gần. Vậy nên bố mẹ Trang kiên quyết phản đối.

Để không ảnh hưởng đến học tập, Trang âm thầm làm đề tài vào ban đêm, luôn phải thức đến 1- 2 giờ sáng để đọc tài liệu, nghiên cứu, viết bài.

Đến lúc này, bố mẹ Trang đành “chịu thua” trước niềm đam mê của cô con gái. Mỗi lần đi công tác, bố lại lấy đất sét về cho Trang làm thí nghiệm. Còn xơ giấy, Trang phải tự mình đi lấy ở Phong Khê (Bắc Ninh).

Xơ giấy và đất sét theo tỉ lệ nhất định, phơi trong bóng râm thành vật liệu lọc. Không đếm được bao nhiêu lần các thí nghiệm bị thất bại. Các viên lọc cứ vỡ ra hoặc nát nhũn, móp méo như cố tình thách thức lòng kiên trì của cô học sinh 16 tuổi.

Góc sân thượng, nơi cô thực hiện các thí nghiệm lúc nào cũng bê bết bùn đất. Cứ mỗi lần trong nhà “thất thoát” chậu, xô thì y như rằng “chỉ có con Trang nhà mình lấy”.

Không có máy móc để đo được chỉ số chuyên môn nên kết quả chỉ dựa trên trực quan của Trang. Cứ như vậy hơn bốn tháng ròng, Trang mải miết làm thí nghiệm. Thí nghiệm đã thành công, hệ thống lọc làm cho nước hồ hết mùi hôi tanh, trong hơn rõ ràng.

Và niềm say mê thiên nhiên hoang dã

Vốn là học sinh giỏi Văn nhưng lên cấp 3 Trang lại học chuyên Sinh. Từ ngày nhỏ cô đã theo đuổi mong ước sau này sẽ làm việc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và động vật hoang dã.

Là con út trong gia đình hai chị em nên bố mẹ luôn phản đối vì không muốn con theo ngành vất vả. Khi biết tin Trang đoạt giải, ông Ryan, người được Trang gọi bằng thầy, là thành viên của Quỹ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) đã thốt lên: “Thầy tự hào về em”.

 “Những lời nói như vậy động viên em rất nhiều để em quyết theo đuổi ước mơ cho dù có bị mọi người ngăn cản đi chăng nữa”- Trang tâm sự.

Học tập trong môi trường lúc nào cũng bận rộn với các kỳ thi nhưng Trang luôn dành thời gian cho các hoạt động xã hội. Hiện Trang là tình nguyện viên tích cực của UNV (Tổ chức Tình nguyện viên LHQ).

Những con đường lầm bụi, các hồ nước ứ đọng đầy rác rưởi hôi tanh, ý thức giữ vệ sinh kém của người dân luôn là nỗi trăn trở của cô. Là tuyên truyền viên nhiệt tình của Hội cứu trợ động vật hoang dã Việt Nam, Trang đang cùng các cộng sự xây dựng trang web về tổ chức này.

Và cứ cuối tuần, những em nhỏ khuyết tật trường Nguyễn Đình Chiểu lại chờ đợi Trang đến dạy học, vui chơi cùng, kể chuyện về những con thú dễ thương. Cô còn là thành viên của câu lạc bộ “Những ước mơ xanh”.

Những ngày này, Trang đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc thi quốc tế vào tháng 8 tới. Công việc chiếm nhiều thời gian nhất của cô bây giờ là hoàn thiện thí nghiệm và trau dồi vốn tiếng Anh để thuyết trình cho bài dự thi.

Khuôn mặt rạng ngời, đôi mắt sáng chứa đầy niềm say mê khoa học như nói lên niềm tin rằng ước mơ của Thu Trang còn đi xa hơn nữa.

MỚI - NÓNG