Cô học trò thích... lo chuyện thiên hạ

Cô học trò thích... lo chuyện thiên hạ
Chiếc xe ba gác chở một số lượng khá lớn ve chai, đồ phế thải ì ạch chuyển bánh . “Bác tài” Lan Anh thở phù phù mà vẫn quay qua cười với các bạn nam “đồng nghiệp” cũng đang hì hục cùng mình đẩy xe.
Cô học trò thích... lo chuyện thiên hạ ảnh 1

Không có một chút mệt mỏi nào hiện trên khuôn mặt đẫm mồ hôi của Lan Anh - cô bạn thích “lo chuyện thiên hạ” của phường Tân Kiểng (Q.7, TPHCM)...

Những bước chân không mỏi

Từ hơn hai năm nay, Trần Hà Lan Anh (lớp 12A16 trường Trưng Vương, Q.1) có thêm “nghề tay trái” là đi quyên góp ve chai để bán lấy tiền xây dựng tủ sách thiếu nhi và gây quĩ học bổng giúp thiếu nhi nghèo có điều kiện đến trường.

Lúc mới vào “nghề”, thỉnh thoảng nghe những lời xầm xì “nhỏ đó chuyên ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ”, Lan Anh cũng thấy chạnh lòng.

Nhưng với mong ước được chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn hơn mình, những lời bàn ra tán vào ấy không làm Lan Anh vơi đi sở thích “lo chuyện thiên hạ”.

Cô bạn tiếp tục đẩy xe đi khắp phường xin ve chai với ý nghĩ: “Cứ nhớ là giúp thêm một em nhỏ đến trường là mình đã góp phần giảm bớt số trẻ có nguy cơ hư hỏng, phạm pháp...”.

Tâm niệm ấy cũng giúp đôi chân Lan Anh không biết mệt mỏi khi thường xuyên đến từng nhà người dân để thủ thỉ khuyên lơn các em nhỏ đang có ý định bỏ học cố gắng tiếp tục con đường học vấn.

Việc này coi vậy mà không đơn giản chút nào, vì những em muốn bỏ học thường đã có tâm lí chán học hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt (ba mẹ li hôn, phạm pháp...), đang mất niềm tin vào cuộc sống và luôn muốn “quậy”.

Bởi vậy Lan Anh phải âm thầm tìm hiểu tường tận hoàn cảnh, tính cách của từng em rồi kiên trì áp dụng chiến thuật “đánh lâu dài”.

Công sức Lan Anh đã được bù đắp xứng đáng khi bạn thuyết phục được khá nhiều “siêu quậy” đến tham gia sinh hoạt trong đội Trẻ Giúp Trẻ của phường Tân Kiểng, nơi bạn đảm nhiệm vai trò chị phụ trách kiêm luôn cô giáo dạy kèm.

Vừa được chơi vui “mát trời” vào mỗi cuối tuần, được dạy kèm miễn phí lại vừa được học thêm kĩ năng, kiến thức xã hội và nhiều điều hay lẽ phải khác... nên các “siêu quậy” mê tít và dần dần hiểu ra việc trở lại trường là rất cần thiết cho tương lai của mình.

Vượt lên chính mình

Gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo, hằng ngày Lan Anh phải “cuốc” xe gần 10 cây số đến trường với cái bụng trống rỗng cùng số tiền 500 đồng để gửi xe. Thế mà cô bạn luôn là học sinh khá giỏi suốt nhiều năm liền (riêng năm lớp 9 Lan Anh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố).

Thương ba mẹ phải làm việc đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến tối mịt và khi trở về nhà thì đã mệt rã rời, nên mọi việc trong nhà Lan Anh giành hết về mình, kể cả việc lo lắng cho hai đứa em, một đang học lớp 5 và một đang học lớp 8. Hai đứa em của Lan Anh năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc chính là nhờ cô giáo “chị Hai” đã tận tụy dạy kèm.

“Sao bạn không để thời gian làm một công việc gì đó kiếm tiền phụ giúp gia đình? Như thế có hơn là đi làm những công việc không lương như hiện nay không?”.

Nhiều người đã hỏi Lan Anh như thế, và câu trả lời của cô học trò thích lo chuyện thiên hạ khiến họ phải suy nghĩ: “Nhà mình khó khăn thật, nhưng mình còn may mắn được đến trường. Mình xem đó là diễm phúc của mình và muốn được chia sẻ với những người không có được diễm phúc ấy. Mai này học hành thành tài, mình đi làm kiếm tiền báo hiếu cho ba mẹ vẫn chưa muộn mà”.

Hiểu được ý nguyện của con, ba mẹ chẳng những không rầy la mà còn động viên Lan Anh tiếp tục những việc làm ý nghĩa của mình.

“Làm được điều gì đó cho người khác cũng chính là làm được cho chính mình!”. Không có gì mâu thuẫn trong câu nói của Lan Anh.

Bởi theo bạn, quá trình làm “chuyện bao đồng” đã dạy cho bạn nhiều bài học về cách ứng xử và giúp bạn nhận ra khả năng của bản thân. Đó chẳng phải là hành trang để một người trẻ chuẩn bị bước vào đời sao!

Theo Xuân Thanh
Mực Tím

MỚI - NÓNG