Cơ hội cho sinh viên từ sân chơi công nghệ

Các cuộc thi công nghệ mang tới nhiều cơ hội trải nghiệm cho sinh viên (Trong ảnh là đội giải Nhất SMAC Challenge 2014)
Các cuộc thi công nghệ mang tới nhiều cơ hội trải nghiệm cho sinh viên (Trong ảnh là đội giải Nhất SMAC Challenge 2014)
Không còn bó hẹp trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, sinh viên công nghệ ngày càng có thêm các cuộc thi lớn mang đến cơ hội giao lưu học hỏi mở rộng kiến thức, có tiền thưởng và ưu tiên tuyển dụng.

Hiện có nhiều cuộc thi công nghệ có giải thưởng lớn dành cho sinh viên với tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng như S.M.A.C Challenge 2015 (cuộc thi viết ứng dụng công nghệ thường niên do Tập đoàn FPT tổ chức) có tổng giá trị giải thưởng 250 triệu đồng, trong đó giải nhất trị giá 100 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng... Hay cuộc thi Samsung Smart App Contest cũng dành 30 triệu đồng tiền mặt cho đội giải nhất…

Không chỉ có cơ hội "săn" tiền thưởng lớn, sinh viên công nghệ còn được nâng cao hiểu biết, kỹ năng và được thực hành. Trong các cuộc thi công nghệ đều có hoạt động đào tạo bên lề để nâng cao kiến thức và các trải nghiệm thực tế cho sinh viên.

Đơn cử, tại S.M.A.C Challenge, sinh viên được đào tạo về lập trình ứng dụng trên robot, tham gia tìm hiểu các hoạt động công nghệ tại FPT. Hay cuộc thi Samsung Smart App có các khóa học lập trình di động tại các phòng Lab của Samsung… Nguyễn Hoàng Long, chức vô địch S.M.A.C Challenge 2014 chia sẻ đã học được nhiều kỹ năng thực tế như làm sản phẩm, làm việc nhóm, thuyết trình... từ cuộc thi.

“Tầm hiểu biết của em trở nên rộng hơn nhiều, ví dụ như kiến thức tổng thể của một hệ thống công nghệ tầng mạng, tầng ứng dụng, tầng phần cứng. Điều này đã giúp ích cho em rất nhiều trong công việc hiện tại”, Long cho hay.

Ưu tiên khi ứng tuyển

Tham gia các cuộc thi công nghệ và giành giải thưởng, sinh viên ngành công nghệ có thêm cơ hội ưu tiên khi ứng tuyển việc làm. Trong các chương trình tọa đàm hướng nghiệp, cũng như tuyển dụng nhân sự, các nhà tuyển dụng công nghệ đều thông tin ưu tiên các ứng viên đã từng tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, hay các cuộc thi công nghệ.

Chẳng hạn, Viện nghiên cứu và Phát triển Viettel cần tuyển 10 kỹ sư thiết kế phần cứng và đối tượng ưu tiên là các ứng viên tốt nghiệp loại Giỏi và xuất sắc; đạt các giải thưởng quốc gia và quốc tế; ứng viên đã đã từng tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, Robocon, có các sản phẩm điện tử ứng dụng trong thực tiễn.

Trên thực tế cũng đã có nhiều sinh viên được ưu tiên trong tuyển dụng khi giật giải trong các cuộc thi công nghệ lớn. Hoàng Quang Trung, cựu sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông (PTIT) nhớ lại, “Quyết định tham dự Mobile Robot Challenge 2013 là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời sinh viên của em. Nhờ giành ngôi vô địch cuộc thi mà em có lợi thế lớn khi đi xin việc sau khi ra trường và có được công việc mong muốn”.  Ngôi vị vô địch không chỉ mang đến cơ hội việc làm cho Trung mà còn cho 2 thành viên khác của đội tại một Trung tâm nghiên cứu của một tập đoàn công nghệ có tiếng.

Hay Nguyễn Hoàng Long, chức vô địch S.M.A.C Challenge 2014 đã góp phần giúp Long làm đẹp hồ sơ xin việc và có ngay được một công việc yêu thích đúng chuyên môn tại Công ty East Agile ngay từ khi còn là sinh viên năm cuối Đại học FPT.

MỚI - NÓNG