Cô nhân viên bưu điện và số điện thoại cứu mạng

Cô nhân viên bưu điện và số điện thoại cứu mạng
TP - Anh trai Vinh ra bưu điện gần đó gọi điện về nhà báo tin. Nghe được câu chuyện, chị nhân viên bưu điện, trước đó đã đọc bài “Khắc tinh của rắn độc, ân nhân của  người nghèo” và ghi lại số điện thoại của lương y Đường, cho anh trai Vinh số điện thoại này...

Trong phần cuối bài “Khắc tinh của rắn độc, ân nhân của  người nghèo” đăng trên Tiền phong số 58 ngày 27/2/2007 lương y Lại Văn Đường đã cho tôi số điện thoại để đăng báo mong cứu giúp những người bị rắn cắn bất kể ngày đêm.

Cô nhân viên bưu điện và số điện thoại cứu mạng ảnh 1
Lương y Đường đang rửa vết thương cho bệnh nhân Vinh

Từ đó, số điện thoại nhà anh đã trở nên quen thuộc với nhiều người bị rắn cắn. Có chiến sỹ biên phòng ở tận quần đảo Trường Sa bị rắn Sầu ve cắn đã được lương y  hướng dẫn sơ cứu ban đầu... Đặc biệt từ bài báo có một câu chuyện cảm động không chỉ là chuyện cứu sống một con người....

Khi  tôi có mặt tại nhà lương y Lại Văn Đường, người thanh niên bị hổ mang cắn đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần được 12 ngày. Khuôn mặt trắng trẻo của Lê Xuân Vinh, người bị nạn, ở Hòa Thắng (Hữu Lũng, Lạng Sơn) đã tươi tắn trở lại.

Chiều 15/3/2007, Vinh đang hái chè thì nghe thấy tiếng gọi của em trai báo có rắn trên đỉnh đồi. Vinh lập tức cầm gậy chạy lên chọc vào gốc cây chè, nơi con rắn ẩn nấp.

Con hổ mang to như cổ tay từ trên cao nhảy xuống cắn vào mắt cá bàn chân phải Vinh. Anh xé áo buộc ga rô cổ chân và được người nhà đưa đến một ông lang chuyên chữa rắn cắn người dân tộc Tày. Tuy nhiên, do bệnh tình ngày càng nặng, anh được chuyển lên Bệnh viện Hữu Lũng điều trị.

Đến ngày 16/3, thấy bệnh nhân không khá hơn, Bệnh viện Hữu Lũng đã chuyển Vinh lên Bệnh viện tỉnh Bắc Giang. Tại đây, bác sỹ kết luận phải cưa phần chân bị rắn cắn của Vinh.

Anh trai Vinh ra bưu điện gần đó gọi điện thoại về nhà báo tin. Nghe được câu chuyện, chị nhân viên bưu điện, trước đó đã đọc bài báo “Khắc tinh của rắn độc, ân nhân của  người nghèo” đăng trên Tiền phong và ghi lại số điện thoại của lương y Đường, cho anh trai Vinh số điện thoại này.

Anh tức tốc gọi về số 036751054 của lương y Đường. Nghe qua về bệnh tình, lương y Đường khẳng định: “Tình trạng vết thương, sức khỏe như vậy nếu đưa ngay về trong đêm nay sẽ chữa khỏi!”.

Lập tức gia đình thuê ô tô con chở Vinh vượt gần 200 km về Thái Bình trong đêm. Gần sáng, bệnh nhân Vinh đã có mặt tại nhà lương y Lại Văn Đường ở xã Thụy Bình (Thái Thụy, Thái Bình).

Lương y Đường cho biết từ khi nhận được điện, anh đã chuẩn bị các phương tiện chữa trị và ngồi đợi.

Khi bệnh nhân xuống, sau khi xem qua bệnh tình, lương y Đường khẳng định do sức đề kháng cơ thể tốt nên tình trạng bệnh nhân tuy đã bước vào giai đoạn nguy kịch nhưng vẫn kịp cứu chữa được.

Chậm vài tiếng nữa, nọc độc rắn sẽ chạy vào não, làm liệt nửa người bên trái và dẫn đến tử vong. Sau 12 ngày được uống và đắp thuốc, Vinh đã hoàn toàn tỉnh táo, ngồi trò chuyện với tôi.

Anh cho biết sau khi được đắp thuốc và uống thuốc, đến sáng Vinh hết sốt, vết thương đỡ nhức buốt hẳn. Sau một tuần bệnh tình thuyên giảm nhiều, công việc tiếp theo của lương y Đường chủ yếu làm lành vết thương đã hoại tử dài tới gang tay.

Qua tổng đài Bưu điện Bắc Giang, tôi đã tìm được cô nhân viên bưu điện làm phúc cứu người. Đó là chị Trần Thị Hương, 33 tuổi, nhân viên bưu điện thuộc ki ốt cổng Bệnh viện đa khoa Bắc Giang.

Qua điện thoại, chị Hương rất vui và cho biết: Làm nghề bưu điện, báo chí là người bạn hàng ngày, vì vậy những lúc thưa khách chị thường tranh thủ đọc báo và ghi lại những địa chỉ chữa bệnh đặc biệt.

Đọc bài báo về lương y chữa trị rắn cắn cứu người trên Tiền phong, chị cũng không quên ghi lại những chi tiết cần thiết.

Hôm đó chứng kiến toàn bộ hai cuộc điện thoại của gia đình bị rắn cắn, do làm việc ở đây đã lâu, chị đoán bệnh nhân này sẽ phải trả về. Vậy là lại một người bệnh nữa được chị Hương giúp đỡ.

Tiếng lành bay đến đảo xa

Khi quyết định đưa Vinh về nhà lương y Đường chữa trị, gia đình Vinh đã phải làm cam đoan với Bệnh viện Bắc Giang nếu bệnh nhân tử vong, gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Khi nhận lời chữa trị cho Vinh, lương y Đường cũng đã ký vào một bản cam kết chịu trách nhiệm trước tính mạng một con người. “Lỡ bệnh nhân đến không kịp không chữa khỏi thì anh tính sao?” - Tôi hỏi anh.

“Tôi tin tưởng vào khả năng và hiệu nghiệm của những bài thuốc dân tộc bí truyền. Mà mình làm thuốc chữa bệnh từ tâm với mục đích cứu người thì sao lại lo người hại lại mình!” - Lương y Đường trả lời không chút đắn đo.

Điều đáng nói, nghề chữa rắn cắn chỉ là tay trái, nhiệm vụ chính của anh là hoàn thành trọng trách Phó chủ tịch HĐND xã Thụy Bình và tính toán làm ăn phát triển có hiệu quả trang trại chăn nuôi của gia đình.

Người viết bài này còn được biết, sau bệnh nhân Vinh, bệnh nhân Trần Văn Quyền, 67 tuổi, ở Mỹ Phúc (Mỹ Lộc, Nam Định) cũng đã được lương y Đường cứu khỏi bàn tay tử thần nhờ địa chỉ của bài viết về lương y Đường trên báo Tiền phong.

Ông Quyền bị rắn hổ mang cắn cả vào hai tay. Qua thông tin con trai ông đọc trên báo Tiền phong, ông Quyền đã đến kịp thời nhà lương y Đường và sau hơn một tháng, vết thương đã khỏi.

Và nữa, có chiến sỹ biên phòng ở tận quần đảo Trường Sa bị rắn Sầu ve cắn đã được lương y hướng dẫn sơ cứu ban đầu...

MỚI - NÓNG