Cô sinh viên Anh “cái gì cũng biết”

Cô sinh viên Anh “cái gì cũng biết”
TP - Cô sinh viên 26 tuổi Gaelic Trimble của Đại học Oxford khiến cả ban giám khảo cuộc thi “Thách thức kiến thức đại học” lẫn khán giả sững sờ bởi cô giống như “đại từ điển bách khoa” sống.
Cô sinh viên Anh “cái gì cũng biết” ảnh 1
Trimble, cô gái được gọi là “Sinh viên thông minh nhất Anh quốc”

Cuộc thi “Thách thức kiến thức đại học” là một trong những chương trình được khán giả yêu thích nhất của đài truyền hình BBC.

Ở vòng thứ nhất, đội Oxford do Trimble làm đội trưởng và 3 thành viên khác đã chiến thắng đội ĐH Durham với 330/95 điểm, riêng mình cô đã giành được 190 điểm, nhiều hơn tổng số điểm của cả 3 thành viên kia cộng lại.

Sang vòng thứ hai, đội của Trimble lại chiến thắng đội ĐH Edinburgh với tỷ số 295/85, mình cô lại ghi được 190 điểm.

Nhưng Trimble khiến người ta kinh ngạc nhất là ở vòng tứ kết, đội của cô đánh bại đội Exeter với tỷ số 350/15, trong đó mình cô giành được 260 điểm.

Đội trường ĐH Exster đã mất tinh thần và sụp đổ không sao gượng nổi trước sự xuất sắc “cái gì cũng biết” của Trimble. Ở vòng bán kết, đội của cô lại chiến thắng trước đội ĐH Cambridge với tỷ số điểm 260/150, trong đó mình cô ghi được 185 điểm.

Mipam Jerry Waxman, người dẫn chương trình cuộc thi, đã liên tục “mắt chữ Y mồm chữ O” trước những câu trả lời tuyệt vời của cô sinh viên Gaelic Trimble vì hầu hết những câu hỏi khó nhất đều được cô hóa giải dễ dàng. Mỗi khi Trimble trả lời được một câu hỏi hóc búa, Waxman đều lắc đầu kèm theo một câu “Ôi, Thượng đế ơi!”.

Tính ra trong 4 vòng thi trước khi vào trận chung kết, đội ĐH Oxford đã giành được tổng cộng 1.235 điểm, trong đó mình Trimble đã ghi được 825 điểm. Cô đã được các fans của cuộc thi gọi là “Sinh viên thông minh nhất Anh quốc”. Cô đã trở thành nhân vật “hot” trên Internet.

Các fans của cô viết: “Trimble như chiếc xe tăng cán lên trên tất cả các đối thủ”. Mọi người tin rằng trong trận chung kết, đội của Trimble chắc chắn sẽ giành ngôi vô địch bằng chiến thắng trước đội ĐH Manchester.

Tuy nhiên, chiến thắng quá dễ dàng của Trimble trước các đối thủ và thái độ quyết thắng, không nể mặt đối thủ của cô đã khiến cô có khá nhiều kẻ thù trên mạng. Không ít những bài viết bày tỏ sự tức giận và chỉ trích cô đã xuất hiện.

Có người chỉ trích cô quá “tự cao tự đại”, khi trả lời các câu hỏi dễ thường “cười nhếch mép một cách tự đắc”. Có người lại gọi cô là  người “Giả bác học đáng ghét”.

Song, bản thân Trimble khi trả lời phỏng vấn đã khẳng định cô không hề có ý coi thường đối thủ, khi thi đấu cô chỉ nghĩ đến việc giành chiến thắng. Cô nói: “Những lời lẽ đó khiến tôi đau lòng. Họ không hiểu tôi. Họ chỉ nhìn thấy mặt khác người của tôi trên màn hình. Chẳng qua tôi đang theo đuổi mơ ước của mình mà thôi. Khi được xem cuộc thi này lần đầu tiên vào năm 1994, tôi đã mơ ước có ngày mình được tham dự. Tôi thấy cuộc thi này rất thú vị”.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện tượng nhiều khán giả không tán thưởng, khâm phục chiến thắng của Trimble, mà hằn học, nhục mạ cô phản ánh một thực tế “Trong thời đại sùng bái người nổi tiếng hiện nay, một số người có thái độ thù địch rõ rệt đối với tri thức”.

Năm 2000, Trimble thi đỗ vào ĐH Oxford với điểm số rất cao. Năm 2001, cô giành được Giải hùng biện trong cuộc thi đọc tiếng Latin. Hiện nay cô đang học lấy bằng Tiến sỹ ngành Văn học Latin. Bản thân Trimble không tự nhận mình là “Sinh viên thông minh nhất Anh quốc”.

Cô cho rằng, “thi kiến thức không phải là sự giám định trí tuệ. Những vấn đề đó đều là chuyện hiện thực. Nếu bạn thấy hứng thú và đọc nhiều sách thì bạn sẽ biết được nhiều kiến thức thực tế”. Cô cho rằng mình trả lời được nhiều câu hỏi và ghi nhiều điểm là do thói quen thích đọc sách và ham tìm hiểu.

Ông Michael và bà Mary, cha mẹ của Trimble, rất tự hào về cô con gái của mình. Bà Mary kể, từ khi 3 tuổi, Trimble đã bắt đầu đọc sách và đi học tiểu học.

Bà nói: “Tham dự cuộc thi  “Thách thức kiến thức đại học”  là mơ ước của Trimble. Chúng tôi rất vui mừng là cháu đã có cơ hội được tham dự và đã thể hiện rất tốt”.

Cuộc thi “Thách thức kiến thức đại học” có chủ đề liên quan rất rộng đến các lĩnh vực thiên văn, địa lý, văn học, nghệ thuật, lịch sử, chính trị, địa lý, sinh vật và mọi mặt của cuộc sống, vậy mà Trimble trả lời được tất cả các câu hỏi về mọi lĩnh vực, kể cả những vấn đề rất khó.

Ví dụ như câu: “Mathilda trong tiểu thuyết của Belloc và Haversian trong tiểu thuyết của Charles Dickens có mối liên quan gì với nhau?”. Trimble lập tức trả lời: “Cả hai đều bị chết cháy”. Hay câu hỏi: “Trong 10 chữ số Arập, có 3 chữ số mà trong tiếng Anh, Pháp và Đức đều bắt đầu bằng một chữ cái. Hãy nói tên một trong 3 chữ số ấy?”. Trimble nói ngay “số 6!”.

Thu Thủy
Theo Đông Phương, 23/2

MỚI - NÓNG