Cô thủ khoa 9,75 điểm môn Văn

Cô thủ khoa 9,75 điểm môn Văn
TP- Nguyễn Trung Ngân, thủ khoa khối D1 của trường Đại học Cần Thơ với môn Văn được 9,75 điểm. Hai môn khác là Anh văn 8,25, Toán 7 điểm.
Cô thủ khoa 9,75 điểm môn Văn ảnh 1
Nguyễn Trung Ngân Ảnh: Tùng Huyên

Nhà Ngân nằm trong con hẻm 15A thuộc ấp Thới An A, xã Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). Đó là ngôi nhà cấp 4. Cha mẹ Ngân đều là giáo viên trường THCS Giai Xuân.

Bà Ngô Thị Lê Trung, mẹ của Ngân kể: “Vợ chồng tôi ngoài đồng lương ra không có đất đai ruộng vườn gì cả. Cất được căn nhà nhỏ cũng nhờ cha mẹ bên nội cho mảnh đất.

Mấy năm trước, căn nhà xuống cấp trầm trọng, dột nát tứ tung, vợ chồng tôi vay ngân hàng làm được căn nhà vách tường, mái tôn, còn phải trả nợ 2 năm nữa mới trả xong. Thấy con đi học thiếu thốn mọi bề mà thương đứt ruột”.

Cảnh nghèo khó của quê nhà đã để lại dấu sâu đậm và nuôi dưỡng tình cảm đẹp trong tâm hồn Ngân. Năm 2004, đang học lớp 9A2 trường THCS Giai Xuân, Ngân tham dự cuộc thi Predential – Văn hay chữ tốt tại TP Cần Thơ và đã đoạt giải đặc biệt với “Bài văn gây xúc động nhất”.

Bài văn có nội dung: Sự đổi mới quê hương em. Ngân tâm sự: Năm đó căn nhà của em  xiêu vẹo, dột nát, mỗi lần mưa là ba mẹ lo chèn từng mảnh nilon. Điện chưa có, đường sá thì lầy lội đi lại rất vất vả, nhìn các em bé đi học áo quần lem luốc Ngân rất thương…

Từ đó, Ngân có mơ ước cháy bỏng là quê nhà bớt nghèo đói. Ngân vẽ lên một khung cảnh quê hương đổi mới từ điện, đường, trường, trạm để người dân thoát cảnh cơ cực.

Khi lên THPT, Ngân học ở trường chuyên Lý Tự Trọng xa nhà 17 km. Những ngày đầu, em đạp chiếc xe đạp cà tàng đi về mất gần 3 giờ. Sau mấy tháng quen trường, quen bạn, Ngân xin ở nội trú, mỗi tuần mới về nhà một lần. Mỗi tuần ở nội trú, em được mẹ cho 100.000 đồng vừa ăn uống vừa chi tiêu. Đó là số tiền quá ít ỏi cho cuộc sống ở trung tâm TP Cần Thơ nhưng gia đình Ngân đã phải chắt chiu rất nhiều.

Vậy nên, những lúc cần mua sách hoặc chi tiêu với bạn bè, việc riêng tư, Ngân ăn mì gói, thậm chí nhịn. Những ngày lễ như ngày tình nhân, ngày quốc tế phụ nữ, Tết trung thu…, Ngân cùng với các bạn học sinh nghèo ra đường bán bánh kiếm thêm tiền chi cho việc học. Khi cha mẹ mướn được một công đất để làm ruộng kiếm thêm gạo ăn, cuối tuần về nhà, em đều ra ruộng làm giúp cha mẹ.

Học sinh chuyên Anh, nhưng Văn học là môn Ngân yêu thích. Bí quyết của em là ngoài chăm chỉ học còn chịu khó đọc sách báo và cố gắng có nhiều sáng kiến. Không bao giờ Ngân thỏa mãn với việc học thuộc lòng hay hiểu được bài mà chưa có sáng kiến cá nhân về những vấn đề nêu ra trong bài học.

Để có sáng kiến, Ngân liên hệ các bài học với nhau, liên hệ bài học trong sách vở với cuộc sống, liên hệ với những tác phẩm văn chương đã được đọc. Em cũng có vốn kiến thức văn học kha khá được tích lũy từ bé do ông nội kể cho nghe nhiều chuyện cổ tích.

Bài làm văn thi đại học của Ngân được viết kín 12 trang. Trả lời câu hỏi đầu tiên về quan điểm nghệ thuật nhà văn Nam Cao trước cách mạng tháng 8, Ngân viết: “Sở dĩ Nam Cao có một vị trí xứng đáng như vậy bởi cả cuộc đời cầm bút của mình, ông luôn trăn trở để nâng cao “Đôi mắt” của mình.

Tất cả những gì Nam Cao để lại cho cuộc đời chính là tấm gương của một người “trí thức trong thực vô ngần” luôn tự đấu tranh để vươn tới những cảnh sống và tâm hồn thật đẹp”.

Hội đồng giám khảo cho biết bài văn của Ngân được chấm qua 4 vòng, cuối cùng đưa ra hội đồng chấm có 75 người, trong đó một số cho điểm 10, số còn lại cho 9,5. Hội đồng nhất trí cho bài văn của Ngân 9,75 điểm.    

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".