Cổ tích ở làng chài

Cổ tích ở làng chài
Ngay trong lòng Thủ đô có một lớp học chỉ vỏn vẹn vài cái ghế băng; không phấn, không bảng, nắng rọi qua những khe liếp mỏng, tròng trành theo sóng nước.

Nơi đó, có những đứa học trò mặc quần cộc, áo lấm và những “chị giáo, anh giáo” vẫn cặm cụi bên từng trang vở học sinh. Làng tụ quây bằng mấy con thuyền neo vào bờ, không sống bằng nghề chài lưới, nhưng khu lao động này từ lâu đã quen gọi lớp học của các học sinh, sinh viên tình nguyện ấy bằng cái tên giản dị “lớp học làng chài”.

Thắp lên những ước mơ

Bố bị lao phổi nặng, lay lắt từng ngày. Mẹ quanh năm đầu tắt, mặt tối lang thang khắp ngõ chợ tìm việc thuê mướn. Mới 6 tuổi đầu nhưng là con cả trong gia đình, ban ngày Mai phải thay mẹ một mình trông 4 em nhỏ, chăm bố. Lúc nào rảnh rang, Mai lại tranh thủ đi nhặt rác, rửa bát để thêm đồng thuốc thang cho bố.

Đến tuổi đi học, được đưa vào dạy trong mái ấm tình thương Phúc Xá, nhưng với Mai và lũ trẻ làng chài thì thời khoá biểu tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng đồng hồ không thể đem nổi những dòng chữ, con số chiến thắng những bức bối, quắt quay cơm áo gạo tiền đã chạm vào tuổi thơ, đã len vào những cái đầu bé nhỏ. 2, 3 năm vẫn không lên nổi một lớp. Lại chán… Rồi bỏ…

Với Mai, với những đứa trẻ xóm chài khi giấc ngủ cũng chênh chao với sông nước thì đi học là một điều xa xỉ, xa xỉ cả về thời gian- lúc đó, chúng có thể trông em phụ bố mẹ; xa xỉ về cả mặt tiền bạc- chúng có thể đi lượm rác, bán vé số…

Sẽ hữu ích hơn rất nhiều việc ngồi nghe những điều mà chúng khó hiểu và cũng không muốn hiểu. Mai chẳng bao giờ dám ước mơ. Bầu trời với em chỉ là một khuôn cửa sổ nhỏ, nơi luôn luôn sáng nhất kể cả vào ban đêm…

Đó là câu chuyện của Vũ Thị Mai, một cô bé ở xóm chài dưới chân cầu Long Biên 3 năm về trước. Mai bây giờ đã 9 tuổi. Mai sắp được lên lớp 2 ở trường Mái ấm tình thương Phúc Xá. Mai đã thuộc hết mặt chữ, viết được tên từng thành viên trong gia đình, đã thuộc làu bản cửu chương và đến trường không còn là một cực hình nữa.

Em trai của Mai cũng sắp được lên học lớp 2 với chị. Thế là hai chị em lại cùng một lớp, lại cùng được đến trường. Nó không còn lặp lại thành tích 3 năm 1 lớp của chị nó. Bố Mai cũng có tiền để thuốc thang nên bệnh thuyên giảm nhiều. Con thuyền của gia đình Mai được các anh chị giúp đỡ sửa chữa nên không còn dột như ngày xưa.

Buổi sáng, lang thang lên chợ Đồng Xuân kiếm sống, buổi chiều Mai và lũ trẻ lấm lem nơi xóm chài lại ngong ngóng tiếng bước chân của các anh chị đến dạy: Chị Dương, anh Khiêm, chị Thuỳ, chị Hương… Không chỉ Mai mà Thu, Hùng, Xuân, Lĩnh… quý và biết ơn các anh chị lắm.

Giờ, Mai vẫn nhút nhát và lỏn lẻn nhưng Mai bắt đầu xây ước mơ rồi, ước mơ duy nhất và cháy bỏng lắm: “Em sẽ cố gắng để trở thành cô giáo, cũng giống như các anh chị tình nguyện, em sẽ dạy cho những đứa trẻ ở xóm vạn chài này, những đứa trẻ lang thang này để chúng không còn cảnh thất học, mù chữ và căm ghét việc đến trường nữa”.

Những “bảo mẫu” đa năng

Chính xác phải gọi những học sinh, sinh viên tình nguyện xuống làng chài dạy học là những bảo mẫu đa năng của lũ trẻ. “Đâu phải cứ muốn làm gia sư cho chúng là được ngay” - Nguyễn Thuỳ Dương (sinh viên trường trung cấp du lịch), trưởng nhóm phụ trách lớp học tâm sự.

Cũng phải nhọc công lắm mới thuyết phục được các em đến lớp. Mất 3 tháng trời để làm quen, thuyết phục, gây lòng tin với các bậc phụ huynh để chỉ mỗi mục đích là cho những đứa trẻ đến lớp. Hồi đó, Dương, Khiêm, Bảo thậm chí còn phải lao động chân tay, giúp họ sửa từng cái thuyền, chỗ dột, chỗ ngấm nước, tất bật đi vận động quyên góp cho họ vay vốn để làm ăn. Và gấp đôi thời gian thế nữa để làm quen, chơi, gây lòng tin và thiện cảm với lũ trẻ. Chơi mà học.

Ban đầu, chỉ có 2 đứa trẻ. Dần dần lũ trẻ đã kéo nhau đến đông hơn. Giờ quân số của lớp học đã lên đến 20. Lớp học nằm trọn trong một cái thuyền. Bàn học chỉ là một tấm gỗ mỏng kê khéo thì vừa, còn lại thì cả trò lẫn thầy đều lấy luôn sàn làm bàn “nhưng đứa nào cũng ham lắm”…

Ban ngày không đủ sáng. Đóng cửa sổ thì tối mà mở cửa ra thì lạnh. Những đứa trẻ quen với sông nước đến mấy thì tấm áo mỏng cũng không đủ ấm trong mùa đông. Một mình Dương phải xoay xở cùng một lúc tập viết cho lớp 1, đọc chính tả cho lớp 3, dạy toán cho lớp 4, lớp 5.

Sau có thêm Bảo, Khiêm, Long, Thuỳ, Hương… Lớp học cũng thế mà dời từ thuyền ông bà- cái bè mà nhóm quyên góp đóng để làm lớp học - lên đến một phòng nhỏ chưa đầy chục m2 trên bờ. Tháng tháng, cả nhóm lại quyên góp 350. 000 đồng để trả tiền thuê lớp học cho các em. Rồi chia ca, chia lịch đi dạy. Giờ không chỉ còn 2 buổi/tuần mà tới gần 10 buổi/tuần.

“Vất vả nhất không phải dạy những đứa trẻ ở đây kiến thức. - Hương, cô giáo trẻ đang học lớp 10 trường HN- Amsterdam tâm sự - Phải vừa dạy, vừa dỗ dành chúng học, mà khó nhất là phải đối xử thật công bằng. Rồi lại phải dạy làm sao để khi nói với chúng rằng: “Hôm nay em thó được 10 quả cam trên chợ” là việc làm không tốt, không nên”.

Có những ngày, cả nhóm còn phải cắt cử người ở lại đêm trông các em. Đấy là khi mùa bão đến, những con thuyền nhỏ vốn chòng chành và mong manh lắm. Bố mẹ những đứa trẻ thường lao động kiếm sống cả đêm trên chợ Long Biên.

Sau tai nạn của Sơn- một em nhỏ dưới làng chài, thương và lo cho các em, Bảo, Khiêm lại thay phần việc của bố mẹ chúng, ở lại cả đêm trông nom, chăm sóc lũ trẻ. Có đứa trẻ nào ốm, lại tất tả lo thuốc thang, nhờ bác sỹ đến khám giúp cho các em.

Gắn bó với làng chài, những thầy giáo, cô giáo tình nguyện ấy vẫn đang miệt mài với các em nhỏ để đem con chữ, kiến thức và cả những ước mơ đến với các em từ những việc làm nhỏ nhất, thường nhật nhất. Và họ đang âm thầm dệt nên những câu chuyện cổ tích ngay giữa đời thường. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.