Cổ tích tiếp sức mùa thi

Cổ tích tiếp sức mùa thi
TP - Cuộc sống cuốn người ta vào nhịp hối hả của cuộc mưu sinh. Nhưng tận đáy lòng những con người lam lũ, vất vả ấy, ở những tình huống rất đỗi đời thường, họ đã có những những hành động, việc làm đẹp, nhân ái như chỉ có ở cổ tích.
Cổ tích tiếp sức mùa thi ảnh 1
Em đi lối này nhé! Anh: Hồng Vĩnh

Người viết bài này đã ghi lại những khoảnh khắc “như cổ tích ấy” trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” đang ở hồi “hấp dẫn” nhất của kỳ thi đại học, cao đẳng đợt 2.

Bác xe ôm và người mẹ già  

Cả đội Tiếp sức mùa thi trực chiến tại Bến xe Miền Đông đều gọi người đàn ông thấp đậm, vẻ mặt phúc hậu chạy xe ôm tại đây là  bố. Bố An chỉ là dân xe ôm tại Bến xe Miền Đông này như bao người khác. Nhưng 5 năm chạy xe ôm cũng là chừng ấy thời gian bố gắn bó như ruột thịt với sinh viên tình nguyện.

Bố An vừa giũ chiếc áo mưa sau một cuốc xe ôm tại “đại bản doanh” Tiếp sức mùa thi vừa nở nụ cười thân thiện, tâm sự thật đến nao lòng: “Đi xe ôm cả 5 năm trời, cứ năm nào có thí sinh vào thi là tôi lại rớt nước mắt.

Ngày xưa, tôi cũng từng phải  lao đầu vào làm đủ mọi nghề để theo đuổi việc học hành. Bây giờ, chở mấy em đi thi, có em nói rằng phải vay mượn tiền, trốn bố mẹ vào đây thi làm tôi không kìm được xúc động.

Mấy em sinh viên  tình nguyện ở đây nữa, thấy thương tụi nó hết sức. Chẳng có gì đo được nỗi vất vả của mấy em trong cả tháng trời này”.

Như chứng thực tấm lòng của bố, các tình nguyện viên tranh nhau xách bịch chôm chôm to đùng mà  bố An  vừa đem đến cho họ tẩm bổ. Có người còn nhanh nhảu: “Năm nào cũng vậy,  bố chở miễn phí nhiều bạn thí sinh đến nhà trọ anh à…”.

Có lẽ, chốt Tiếp sức mùa thi tại cổng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM không bao giờ quên được hình ảnh một người mẹ trên 70 tuổi cọc cạch chiếc xe đạp, lỉnh kỉnh nào chôm chôm, dưa hấu… mang đến tiếp sức cho họ.

Theo chân tình nguyện viên tìm đến ngôi nhà của mẹ nằm sâu trong con hẻm 45, đường Đinh Tiên Hoàng. Mẹ nói: “ Mùa thi nào cũng vậy, nhà mẹ  có hơn  10 thí sinh đến  ở. Mấy đứa tình nguyện biết mẹ, rồi cứ dẫn thí sinh đến đây thôi. Còn  mấy đứa sinh viên tình nguyện làm việc mệt lắm, mẹ phải bồi dưỡng chứ”.

Ấm lòng sĩ tử

Theo lời kể, thí sinh Hoàng Thị Tươi đặt chân xuống bến xe lúc 8 giờ tối, hoang mang và kiệt sức. Không biết xoay xở thế nào, bỗng có bóng áo xanh đến hỏi, hướng dẫn Tươi, sau đó còn nhiệt tình đưa bạn về khu trọ của họ ở.

Cô bé chỉ còn biết ghi những dòng nghiêng nghiêng xúc động vào cuốn sổ cảm tưởng đặt tại chốt Tiếp sức mùa thi Bến xe miền Đông: “Em xin nói lời cám ơn thật nhiều lần đến các anh chị”.

Thí sinh Huỳnh Thị Như Quỳnh (Bình Định) viết cảm tưởng dài gần 2 trang giấy: “Xúc động biết bao khi gặp được các anh! Em chỉ đi vào đây một mình vì nhà chỉ còn 3 người phụ nữ là em, mẹ và chị gái.

Chị đi học xa ở Đà Nẵng. Bố và em gái em đã qua đời cách đây 6 năm rồi. Mẹ muốn dẫn em đi thi nhưng em không đồng ý vì  chẳng có ai trông nom nhà cửa. 

Các anh chị biết không? Thi khối A ở Quy Nhơn xong, tính chẳng vào TPHCM thi nữa vì cảm thấy lo lắng. Nhưng gọi điện về, mẹ bảo cứ vào và nhờ các anh chị Tiếp sức mùa thi giúp đỡ. Em cám ơn các anh chị nhiều lắm”.

Có lẽ, vất vả nhất trong  sinh viên tình nguyện là đội xe ôm trực chiến tại Trung tâm hỗ trợ sinh viên. Cứ nhìn vào mật độ chạy xe của họ là biết: Khoảng 20 chuyến/ngày, từ 5 giờ đến 21 giờ.

Những ngày cao điểm, đội trưởng Nguyễn Hữu Ngà và một đội viên còn giăng mùng ngủ tại trung tâm cùng bảo vệ trực chiến. Trải qua hơn một tháng hoạt động như con thoi, chàng sinh viên  năm 4 ĐH Mở Bán công với 5 mùa làm tình nguyện Tiếp sức mùa thi gầy rộc hẳn đi.

Và, rất nhiều câu chuyện cổ tích nữa được sinh viên tình nguyện viết giữa mùa thi: Ngày 3/7, một thí sinh quê ở Vĩnh Long bị mất tất cả hành lý, giấy tờ.

Đội xe ôm nhận nhiệm vụ chở bạn này đi tìm chỗ trọ, hỗ trợ tiền bạc, cơm nước. Đến ngày về, xin tiền mua vé cho bạn lên xe. Ngày 6/7, một thí sinh lên cơn đau tim. Đội xe ôm cử ngay chiến sĩ đến nhà trọ, chở bạn đến trung tâm y tế, qua cơn nguy hiểm”...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.