“Cô tiên” Aki Fujii

“Cô tiên” Aki Fujii
Cùng chiếc xe đạp, cô giáo Aki thong dong đến lớp hằng ngày với  học trò thân yêu của mình. Ngoài giờ dạy, Aki học cách nấu nướng theo kiểu VN, lên mạng viết báo cáo và viết thư gửi cho mẹ và chị gái...

Cách đây đúng một năm, tháng 7/2004, cùng bước chân vào cổng Trường chuyên biệt Tương Lai (TP Đà Nẵng) với ông Fujisaki Seiyu (cố vấn cao cấp của Chương trình JOCV và tình nguyện viên cao cấp thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật tại VN (JICA)) là một cô bạn Nhật nhỏ nhắn, có đôi mắt tròn xoe.

Cô bạn ấy nhanh nhẹn tự giới thiệu: “Mình là Aki Fujii, 31 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố nhỏ Kagawa của Nhật”.

“Tôi yêu VN”

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành dạy trẻ khuyết tật tại Kagawa, Aki Fujii tự ứng cử trước Tổ chức JICA với khát vọng được ra nước ngoài để học hỏi và trên hết vẫn là muốn tìm hiểu về cuộc sống của trẻ khuyết tật.

Trúng tuyển, vậy là Aki Fujii xách hành lý lên đường làm tình nguyện viên. Và VN là đất nước mà Aki Fujii đặt chân đến trên hành trình tình nguyện xuyên quốc gia của mình.

“Nơi đây cũng như quê hương tôi trước đây, chịu nhiều mất mát do chiến tranh và nặng hơn thế là di chứng của da cam trên đầu những trẻ nhỏ. Đấy là một trong những lý do khiến tôi yêu đất nước các bạn” - Aki Fujii tâm sự.

“Cô tiên” Aki Fujii ảnh 1

Đến VN, Aki Fujii được phân công phụ trách dạy mỹ thuật cho hơn 40 trẻ khiếm thính tuổi từ 4-16 tại Trường chuyên biệt Tương Lai, TP Đà Nẵng.

Với Aki Fujii, “đó là nơi mà những khát vọng của trẻ thơ luôn cháy bỏng trong từng ánh mắt -  khát vọng muốn được hòa nhập cộng đồng”. Và chỉ một thời gian không lâu gắn bó với 40 trẻ em khiếm thính của Trường chuyên biệt Tương Lai,  Aki Fujii đã như một người bạn thân thiết của các em.

“Cô tiên” của chúng em

Với Aki Fujii, việc dạy cho trẻ khiếm thính vốn đã khó lại bất đồng ngôn ngữ nên càng khó hơn. Aki cho biết trước lúc qua VN, cô đã phải cặm cụi hơn bốn tháng học tiếng Việt.

“Chị mình cũng là cô giáo đấy” - Aki khoe. Những lúc rảnh rỗi, cô giáo Aki có thú đạp xe ra ngắm biển. “Quê hương của mình cũng có núi chen lẫn với biển như ở Đà Nẵng nên mình thích ngắm cho đỡ nhớ quê nhà ấy mà” - Aki bẽn lẽn giải thích.

Vừa học ngoại ngữ, Aki vừa học cách làm các vật dụng trang sức bằng nhựa, để rồi những đôi bông tai xinh xắn, dễ thương, những vòng cườm rực rỡ sắc màu trẻ thơ lần lượt được chính tay cô giáo hướng dẫn cách làm cho các học viên đặc biệt này. Những giờ học như vậy đã khiến các em vô cùng thích thú và thêm yêu mến cô Aki Fujii.

Aki Fujii tâm sự: có hôm bận việc đến trễ một tí mà đã thấy học trò đứng tựa vào cửa sổ mắt hướng ra phía đường. “Các em trông mình đến lắm!”.

Với những cử chỉ, ánh mắt đầy thân thiện, những giờ lên lớp của cô giáo Aki Fujii với học trò khiếm thính Trường chuyên biệt Tương Lai đã như những giờ chỉ bảo của một người chị trong gia đình.

Một năm làm tình nguyện viên ở VN, kỷ niệm nào khiến Aki Fujii cảm động nhất? Cô giáo Nhật cứ lắc lắc đầu vẻ đầy phân vân, một lúc Aki mới chậm rãi kể: Lớp học vừa nghỉ hè chừng được một tuần, một buổi sáng khi Aki còn chưa ngủ dậy thì nghe phía ngoài cổng tiếng lũ trẻ đã hét vang “cô Aki ơi, cô Aki ơi!”.

Aki bật dậy mở cửa thì bất ngờ một nhóm học trò vì quá nhớ cô giáo nên đã bắt bố mẹ chở đến nhà trọ thăm cô cho bằng được.

Hôm ấy, căn nhà thuê nằm ở cuối con đường Lê Độ rộn rã tiếng nói cười của những thành viên khá đặc biệt. Trước lúc ra về, các học trò của Aki còn vẽ tặng cô giáo một bức tranh đầy những hoa là hoa.

“Các cháu bảo vẽ tặng cô Aki để cô đỡ nhớ lớp dịp hè này” - một phụ huynh đã giải thích với Aki như vậy.

MỚI - NÓNG