Cờ Tổ quốc nối biển đảo với biên cương

Lá cờ đỏ sao vàng từ Trường Sa được trao cho cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải. Ảnh: Xuân Tùng
Lá cờ đỏ sao vàng từ Trường Sa được trao cho cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Vượt qua nghìn trùng sóng bạc biển Đông và dằng dặc đường đèo dốc Tây Bắc, lá cờ đỏ sao vàng in dấu nắng gió Trường Sa được chuyển tiếp đến Đồn Biên phòng A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên) ở ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào.

Cờ đỏ sao vàng nơi đầu sóng

Với tinh thần mang khát vọng thanh niên vươn ra biển lớn, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013  đưa hàng trăm đại biểu là sinh viên, thanh niên ra thăm, tặng quà Trường Sa. Đây thực sự là dịp để người trẻ hiểu sâu hơn về Trường Sa.

Chưa cần ra tới đảo, chỉ cần lênh đênh trên biển vài ngày, đại biểu đã hiểu thế nào là gian khó, thêm hiểu giá trị của những thứ nhỏ nhất như một cốc nước ngọt, thấm thía cảm giác nhớ đất liền, thèm được nhìn một nóc nhà, một bóng cây. 

Dưới nắng, gió biển khơi, da mặt, da tay cháy sạm, bong ra từng lớp. Sau vài ngày lênh đênh trên biển, giữa mênh mông sóng nước, không thấy bóng dáng làng mạc, phố xá, nhiều người đã khóc và ùa ra thành tàu khi trước mắt bất ngờ xuất hiện một hòn đảo xanh tươi, trên đó lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Còn gì tự hào hơn, khi ở giữa trùng khơi có người Việt mình sinh sống. Và ở đó, có dáng hình Tổ quốc.

Ở quần đảo Trường Sa - nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc, lẽ dĩ nhiên, điều kiện sống vô cùng khổ cực. Vào mùa biển động, những trận bão, những đợt sóng, đợt triều dâng cao như nuốt chửng, nhấn chìm tất cả. Khắc nghiệt là thế, nhưng những người lính mới mười tám đôi mươi vẫn kiên cường ngày đêm vững tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Với họ, “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Nguyễn Mạnh Tây (SN 1993) mới ra đảo Đá Tây C được vài tháng, nhưng mặt sạm đi vì nắng gió. Thoáng thấy mấy giọt mưa xuống, Tây lập tức đi lắp ống dẫn nước. Tây kể, ở đảo, cùng với lượng nước ngọt vận chuyển từ đất liền ra, nước mưa đều được hứng để dự trữ. Cuộc sống có khắc nghiệt, nhưng Tây thấy vui và ấm áp vì sống trong tình đoàn kết của anh em. 

“Lúc mới ra, cứ nghe tiếng sóng vỗ bờ lại buồn và nhớ nhà, nhưng dần dần cũng quen”, Tây kể. Ngoài nhiệm vụ trực chiến đấu, Tây cùng các chiến sĩ khác còn thực hiện nhiệm vụ tăng gia sản xuất trồng rau, chăn nuôi phục vụ cuộc sống của anh em trên đảo.

Cũng như Tây, Võ Bá Hưng (SN 1993, quê Quảng Bình) mới ra đảo Nam Yết được vài tháng, nhưng đã quen với nắng, gió gay gắt giữa biển khơi và vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. “Mình là chiến sĩ pháo binh. Mình thấy vui và tự hào vì được góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Hưng nói.

Như những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, những lá cờ Tổ quốc cũng in hằn sự khắc nghiệt thiên nhiên. Trung tá Trần Đình Hòa công tác trên đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa) cho biết, vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sóng to gió lớn nên chỉ vài ngày, các lá cờ đã bạc màu, hư hỏng, phải làm lễ thay cờ mới. Mỗi lá cờ sau khi sử dụng đều được trân trọng cất giữ. 

Nhiều lá cờ trở thành món quà tặng ý nghĩa và thiêng liêng cho khách ra thăm đảo. Trao cờ cho phóng viên Tiền Phong, Trung tá Trần Đình Hòa chia sẻ: “Những lá cờ đã qua sử dụng được lưu trữ và tặng khách ra thăm đảo. Mỗi lá cờ sờn rách đều phần nào thể hiện ý chí cố gắng của người lính, các chiến sĩ trẻ đang ngày đêm bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc”.

Gắn kết hải đảo với biên cương

Kết thúc hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, hình ảnh lá cờ bạc màu trong sóng gió, hình ảnh những người lính trẻ đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc cứ mãi ám ảnh những người tham gia hành trình. Tình cờ, trong một dịp công tác, phóng viên Tiền Phong gặp Bí thư tỉnh Đoàn Điện Biên Vừ A Bằng. 

Anh Bằng gợi ý nên chuyển tiếp lá cờ Trường Sa lên đồn biên phòng A Pa Chải. “Mình không xin cho cá nhân. Mình nghĩ rằng, đây là hành động ý nghĩa để gắn kết giữa hải đảo và biên cương”, anh Bằng nói.

“Lá cờ Tổ quốc thể hiện chủ quyền của đất nước. Hình ảnh lá cờ càng quý giá, thiêng liêng hơn khi cho thấy sự kiên cường của các chiến sĩ ngoài đảo Trường Sa. Các chiến sĩ đồn Biên phòng A Pa Chải cảm thấy vinh dự, tự hào và trách nhiệm khi nhận lá cờ từ Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc”.

Thượng tá Lê Văn ThinhChính trị viên Đồn biên phòng A Pa Chải

Điện Biên trung tuần tháng 12 lạnh và buốt hơn trong cơn mưa nặng hạt. Chiếc xe 7 chỗ đưa đoàn công tác lên tặng cờ, trao quà, do đích thân Bí thư Tỉnh Đoàn Vừ A Bằng cầm lái, nhuốm màu bùn đất khi lên tới Đồn biên phòng A Pa Chải, vùng phên dậu quốc gia giáp với Trung Quốc và Lào.

Bắt tay khách trong cơn mưa lạnh run người, Thượng tá Lê Văn Thinh, Chính trị viên Đồn biên phòng A Pa Chải, cho biết, khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt. 

Mùa gió Lào, mặt người cháy sạm vì nắng, gió. Mùa lạnh, tay chân nứt nẻ vì hanh, rét. “Cũng như các chiến sĩ ở Trường Sa, chúng tôi đều cố gắng vượt qua những gian khổ, khó khăn để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”, Thượng tá Thinh nói.

Hành trình càng ý nghĩa hơn, khi cùng với lá cờ Tổ quốc từ Trường Sa còn có thêm những món quà gồm học bổng, chăn ấm, sách báo của tỉnh Đoàn Điện Biên, báo Tiền Phong và những doanh nhân hảo tâm gửi tới đồng bào nghèo.

Trong không gian ấm cúng của buổi lễ, nhận lá cờ từ Trường Sa, thượng tá Lê Văn Thinh không ngăn được niềm xúc động: “Đây thực sự là niềm vui, sự động viên để chúng tôi cùng với các chiến sĩ, nhân dân nơi biên giới, hải đảo quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ và giữ vững an ninh biên giới, hải đảo của đất nước”.

Tình cảm hải đảo, biên cương thêm bền chặt khi Thượng tá Thinh cho hay cũng đang lưu giữ một cây đàn ghita của các chiến sĩ trên đảo Đá Tây chuyển tiếp về tặng dịp Tết 2012. Cùng với lá cờ Tổ quốc, đây đều là những món quà có ý nghĩa cả về chính trị, tư tưởng và giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đang và sẽ công tác tại đồn biên phòng A Pa Chải.

Đồn biên phòng ngã ba biên giới bỗng chốc thêm gần Trường Sa khi Chính trị viên đồn biên phòng A Pa Chải cất tiếng hát “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”.

Trường Sa càng thêm gần, khi giữa trập trùng núi rừng, mây mù bao phủ có sự hiện diện những mô hình cánh buồm, con thuyền băng sóng ra khơi do cán bộ, chiến sĩ của đồn tự làm. Dù ở xa, nhưng những thông tin về Trường Sa, biển Đông vẫn được các chiến sĩ bộ đội biên phòng A Pa Chải tiếp nhận hằng ngày.

Thượng tá Lê Văn Thinh tâm sự, một ngày gần nhất sẽ gửi tới chiến sĩ ngoài đảo Trường Sa món quà mang đậm dấu ấn của các chiến sĩ nơi ngã ba biên giới.

Cờ Tổ quốc nối biển đảo với biên cương ảnh 1

Lá cờ đỏ sao vàng từng làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa được trao cho cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng A Pa Chải (Ảnh: Xuân Tùng).

Cờ Tổ quốc nối biển đảo với biên cương ảnh 2

Vẻ hào sảng của các chiến sĩ trẻ ở Trường Sa. Ảnh: Trường Phong.

Cờ Tổ quốc nối biển đảo với biên cương ảnh 3

Các chiến sĩ trẻ trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Trường Phong.

Cờ Tổ quốc nối biển đảo với biên cương ảnh 4

Lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo chìm Đá Nam. Ảnh: Trường Phong.

Cờ Tổ quốc nối biển đảo với biên cương ảnh 5
 
Cờ Tổ quốc nối biển đảo với biên cương ảnh 6

Những người lính biên phòng ở A Pa Chải ngày đêm bảo vệ vững chắc biên cương.

Cờ Tổ quốc nối biển đảo với biên cương ảnh 7
 
Cờ Tổ quốc nối biển đảo với biên cương ảnh 8

Lính biên phòng A Pa Chải cấy lúa giúp dân.

MỚI - NÓNG