Con chữ miền ngược gió

Con chữ miền ngược gió
TP - Kết thúc đợt gió Lào bỏng rát trên vùng cao Hướng Hóa, các học sinh Pacô, Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị lại cơm đùm gạo bới, vượt suối, băng rừng về với trường, với lớp.

Việc học ở đây không còn là cuộc chinh phục kiến thức, con chữ mà trở thành cuộc chinh phục ngồn ngộn những khó khăn.

Con chữ miền ngược gió ảnh 1
Anh em Đinh ăn cơm với ốc

Ba người bốn mét vuông

Từ thành phố Đông Hà đến Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) ngót nghét 120 cây số. Thầy Hồ Quốc Tuấn - Phó bí thư Đoàn trường THPT Hướng Hóa dẫn chúng tôi men theo con đường nhỏ vào căn chòi của các em học sinh lớp 12.

Căn chòi quấn bạt ni lông xanh đỏ chừng bốn mét vuông nổi bật giữa tre xanh. Thấy có người lạ, cả ba đều bỏ chén đũa và lễ phép chào: “Mời thầy và các chị vào lán, ăn cơm cùng chúng em”. Hồ Văn Đinh, cậu học trò lớp 12B2 lấy miếng ván gỗ làm ghế mời tôi ngồi.

Nếu không đến đúng bữa trưa, tôi sẽ biết bữa cơm của các em đạm bạc đến thế nào! Một nồi cơm, một nồi ốc luộc, với ít rau dại trong rừng.

“Học một buổi, còn một buổi thì em ra bờ suối bắt thêm ốc để cải thiện bữa ăn cho mấy anh em. Những ngày thường tụi em đều ăn cơm với rau, măng trong rừng. May mắn thì bữa nào bắt được ốc dưới suối, cá, hoặc vài con tôm là chúng em coi như liên hoan” - Hồ Văn Đinh tâm sự.

Ba anh em đều sống ở bản Xa Đưng, Hướng Việt, cách trường Hướng Phùng 25km. “Năm nay Hồ Thị Hà (em gái con dì) mới vào lớp 10 của trường nên hai anh em dựng chòi cho em gái cùng ở. Chứ mỗi tháng nếu thuê nhà trọ mất từ 200.000-300.000 đồng. Trong khi đó tiền bố mẹ cho đi học mỗi tháng khoảng 100.000 đồng”. Hồ Văn Rồng giải thích về sự có mặt của Hồ Thị Hà trong căn chòi nhỏ.

Nền đất của căn chòi nhỏ ướt trũng sau cơn mưa, các em lót bẹ tre thành chỗ ngồi, chỗ nằm, chỗ ăn cơm. Các giá đỡ đựng sách vở được làm bằng thanh củi nhỏ đan lại với nhau. Ba lịch thời khóa biểu được xếp ngay hàng thẳng lối.

Đến nhà kho của chị Lê Thị Tươi (thị trấn Hướng Phùng), có ba em học sinh lớp 12 khác cũng đang bắc bếp thổi cơm. Cái bếp được kê bằng đá, ngay sát cửa ra vào. Hồ Thị Phể đang lúi cúi thổi lửa. Quá 12 giờ trưa mà bữa cơm vẫn chưa thể dọn ra vì củi ướt.

Phể ở cùng hai bạn khác tại thôn Tà Rùng, Hướng Việt. “Chịu cực quanh năm nên bọn em cũng quen rồi. Năm ngoái còn dựng lều trọ học, năm nay được dì Tươi cho ở chỗ này cũng an tâm. Khổ nhất là mưa, tấm tôn phía trên thủng hết, nằm bên này cũng ướt, bên kia cũng ướt.  Ướt người còn được chứ sách vở mà ướt không thể học được” - Phể kể.

Nghe có tiếng người lạ, chị Lê Thị Tươi (32 tuổi, thôn Xêri, Hướng Phùng) chủ nhà kho cho ba em trọ học vào góp chuyện: “Năm học mới đến rồi mà thấy tội cho mấy đứa quá. Nhà nào có điều kiện thì mới thuê cho con cái phòng trọ. Đa số các em đều nghèo, xin ở nhờ nhà dân, hay ở nhờ các phòng nhà kho bỏ trống. Ăn uống đạm bạc lắm. Lâu lắm mới thấy có mấy con cá, còn lại toàn thấy rau rừng. Tui sợ không biết chúng có sức mà học không?”.

Chung tay vượt khó

Không chỉ có khó khăn về nhà ở cho học sinh. Thầy giáo Lê Văn An, Chủ tịch Công đoàn của Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa cho biết, tại thị trấn Khe Sanh và vùng lân cận, 218 giáo viên đang phải thuê nhà ở. Còn tại các bản xa hiện có 38 giáo viên cắm bản đang ở nhà dân.

Ba năm nay, Đinh và Rồng cùng nhiều học sinh lớp 12B2 hết nương nhờ nhà dân đến cắm lều trọ học. Tiếp sức cho con đường đến trường của mình, các em tranh thủ làm mướn quanh vùng đồi.

“Mỗi ký cà phê tươi hái được, tụi em được trả một ngàn đồng. Nhưng mùa cà phê chỉ có vào tháng chín thôi, nên tranh thủ đi học về là phải đi hái ngay. Tiền hái cà phê sẽ dành dụm cho cả năm học”.

Đinh cho biết, hai năm học trước, Đinh đạt loại khá. Ước mơ lớn của cậu học trò vùng cao là thi vào Đại học Sư phạm khoa Sử. Còn Rồng thì: “Em chỉ mong tốt nghiệp lớp 12, sau đó vừa đi làm vừa học thêm”.

Trường THPT Hướng Phùng là trường THPT tuyến phía bắc Hướng Hóa đón nhận học sinh THPT của năm xã phía bắc.

Cô giáo Ngô Thị Trúc - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng, cho biết: “Trường có gần 100 em học sinh là con em ở các bản vùng sâu, vùng xa theo học tại trường nhưng không có chỗ trọ. Các em ở nhờ nhà kho, dựng lán ở trong dân. Chỉ các em diện hộ nghèo, chương trình 135 thì mới được hỗ trợ thêm 140 ngàn đồng/tháng. Còn lại phải tự xoay xở”.

Không chỉ ở trường Hướng Phùng mà trường THPT A Túc, nơi đón học sinh năm xã phía nam Hướng Hóa, tình trạng học sinh thiếu chỗ ở cũng không ít.

Thầy Phạm Xuân Thảo - Hiệu trưởng trường THPT A Túc, chia sẻ: “Các em học sinh của trường thường ở các vùng sâu dọc biên giới, trường không có nhà trọ cho học sinh, nên các em đều tự thân vận động. Mỗi năm trường chỉ có thể tặng cho các em sách vở, quần áo để động viên tinh thần”.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Bằng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Trị, hiện  nhà ở cho học sinh tại các vùng cao theo hình thức trường dân tộc nội trú chứ không có nhà riêng cho học sinh theo học tại các trường THPT. Chủ yếu vẫn áp dụng hình thức bán trú dân nuôi. Các em hầu hết thuộc hộ nghèo, vùng kinh tế khó khăn nên việc dân nuôi cũng rất hạn chế.

Được biết có 18 trong số 59 trường học của toàn huyện Hướng Hóa đang cần gấp nhà ở cho học sinh. Trong 14.101 học sinh các cấp năm học 2009 - 2010, hơn 2.000 học sinh THCS có nhu cầu nhà ở vì các em là con em đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.

Tình trạng thiếu nhà ở cho giáo viên và học sinh đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa tìm ra hướng giải quyết. Ngay các nhà thầu cũng chẳng mấy mặn mà khi nhận thầu xây dựng nhà công vụ.

Nhiều bất cập trong quá trình khảo sát thiết kế trường học 14 xã vùng phụ như trường học không có công trình vệ sinh, nước tự chảy không chảy về đến trường học càng làm cho con chữ miền ngược gió này vốn đã khó giờ càng khó hơn. 

MỚI - NÓNG