Con của biển khơi

Con của biển khơi
TP- Đảo chìm ở Trường Sa là những rẻo đất nhỏ nhoi mọc lên giữa biển khơi dậy sóng, bao quanh là một thảm san hô rộng đến hàng kilomet. Có những người con của biển khơi đã trưởng thành từ những đảo chìm như thế.

>> Kỳ II: Những cán bộ 8X ở Trường Sa
>> Kỳ I: Vượt sóng mái nhà

Chung thủy người bốn tăng…

Thiếu tá Nguyễn Đức Lưu, đảo trưởng đảo chìm Tốc Tan. Quê ở Thanh Hóa, nhập ngũ năm 21 tuổi, đến nay anh đã 38 tuổi và chưa lập gia đình. Có lẽ, trong toàn quần đảo Trường Sa, anh là người lớn tuổi nhất mà chưa có gia đình. Cuộc đời binh nghiệp của anh lênh đênh nhiều nơi. Khi ngoảnh lại mới nhớ ra tuổi xuân đã qua rồi.

Con của biển khơi ảnh 1
Ngọn đèn biển giữa trùng khơi

Năm 1990, chàng trai 21 tuổi Nguyễn Đức Lưu nhập ngũ và phục vụ tại Quân đoàn 3. Đến năm 1996, anh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 (huyện Long Thành, Đồng Nai). Chỉ một năm sau đó, anh có mặt tại đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa) với chức danh phân đội trưởng.

Thời gian của bộ đội Trường Sa có mặt tại đây được tính bằng tăng (12 tháng – 18 tháng/tăng) thì anh có bốn tăng.

Từ Sơn Ca, anh có mặt tại Đá Tây, sau đó bắt đầu làm đảo trưởng của đảo Đá Đông và đảo Tốc Tan. Chiến sỹ Trường Sa thường nói vui, lính đảo là những người chung thủy nhất. Trước mắt họ, ngoài gia đình, chỉ có sóng biển, gió biển và đồng đội thân thiết. Còn ở Nguyễn Đức Lưu, hơn nửa đời người của anh chung thủy chỉ với một Trường Sa.

... và 11 tăng

Khi tàu HQ - 936 đến đảo Tiên Nữ, cách đảo Tốc Tan gần 40 hải lý, trưởng đoàn công tác quyết định sử dụng xuồng cao tốc từ điểm chính đảo Tiên Nữ đi thăm ngọn đèn biển duy nhất của Trường Sa.

Xuồng CQ xé gió, lướt sóng, lao vút về phía nhà đèn. Ngọn đèn biển như bị chìm khuất giữa những con sóng đánh tung lên, bọt trắng xóa. Nhỏ nhoi, đơn độc nhưng sừng sững giữa biển khơi.

Con của biển khơi ảnh 2
Thiếu tá Nguyễn Đức Lưu trên tàu HQ – 936 về đất liền sau khi hoàn thành tăng đảo thứ tư tại đảo Tốc Tan

Nhà đèn không thuộc sự quản lý của Lữ đoàn 146, mà thuộc Công ty Bảo đảm Hàng hải 2. Tuy vậy, những người bám trụ tại đây kiên cường không kém.

Lên nhà đèn, chúng tôi gặp một người trầm tư bên cửa sổ. Anh giới thiệu mình tên là Trần Văn Hiển, thâm niên ở lại nơi đây vừa chẵn 15 năm. Số năm ấy được tính bằng 11 tăng phục vụ tại nhà đèn này.

Sinh năm 1955, cũng có nghĩa là tăng này cũng tăng cuối cùng anh làm việc tại nơi quen thuộc của cả cuộc đời mình trước khi nghỉ hưu.

Với anh, việc mình gắn bó với ngọn đèn biển này như một công việc nhẹ tênh và dĩ nhiên. Nhưng nếu xét theo mức độ gian khổ, nhà đèn cũng thuộc hàng đầu.

Ở đây không có bác sĩ nên mỗi khi đau ốm, phải đưa sang điểm chính của đảo Tiên Nữ. Có trường hợp một chiến sĩ bị viêm ruột thừa cấp tính ngay tại nhà đèn giữa đêm khuya, may mà đưa sang điểm chính để cấp cứu kịp.

Rau chạy

Ở các đảo chìm, rau xanh là thứ được lính đảo quý nhất. Thiếu hụt rau xanh vẫn luôn diễn ra như cơm bữa tại các đảo này. Do vậy, gìn giữ và bảo quản rau xanh gian khổ đến nỗi, các chiến sĩ gọi vui đây là rau chạy!

Mỗi năm, Trường Sa có hai luồng gió. Đầu năm, gió mùa tây nam lồng lộng thổi. Đến giữa năm, gió mùa đông bắc lại thốc về. Cứ mỗi lần gió thay đổi, hay thời tiết xấu, những chậu rau xanh lại được chuyển dịch từ nơi này sang nơi khác.

Thiếu tá Tăng Văn Ngọc – đảo trưởng đảo Đá Lớn kể, nhiều đêm toàn đảo đang ngủ bỗng gió đổi chiều. Cả đảo nhào ra để ôm rau và chạy, đưa vào nơi kín gió. Chỉ cần gió mang nước biển dính vào, coi như cây rau hư ngay lập tức.

Ở Trường Sa, thời tiết thay đổi xoành xoạch, gió bão thường xuyên. Một tháng chúng tôi có mặt ở các đảo, chỉ có 2-3 ngày trời hửng nắng, còn lại là mưa và gió bão giật cấp 7, cấp 8 cộng với không khí lạnh tràn về.

Rau ở các đảo đều được trồng trong các chậu làm bằng vật liệu  composite hoặc gỗ. Rau được trồng thường là rau cải, rau dền, mồng tơi và rau muống được đánh theo các rạch nhỏ. Mỗi năm, các tàu đưa ra đảo khoảng hai tạ đất. Rau ở Trường Sa không hề có sâu bệnh nhưng số lượng phân bón cho rau thì chịu.

Không như tại các đảo nổi có thể tận dụng lá cây, vỏ sò làm phân bón, những cây rau trồng tại các đảo chìm đa số đều còi cọc vì thiếu phân bón. Bởi thế, rau trồng tại các đảo chỉ dùng để nấu canh. Với các chiến sĩ, trong một tăng trên đảo, những bữa cơm ăn với rau sống thường chỉ được đếm trên đầu ngón tay.

Theo thống kê của đoàn Trường Sa, mỗi năm, toàn quần đảo trồng được 120 tấn rau xanh, sản xuất được 15.000 tấn nước mắm, nuôi được khoảng 3.000  gia súc, gia cầm.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân – Lữ đoàn phó Đoàn 146, cho biết nơi đây áp dụng thành công việc thay thế khay trồng rau bằng composite cho khay bằng gỗ. Bộ phận hải dương học đang thực hiện dự án trồng rau trong nhà kính và đang chờ nghiệm thu.

MỚI - NÓNG