Con đỗ đại học, mẹ lo

Con đỗ đại học, mẹ lo
TP - Người mẹ ốm liệt giường bao năm, nhận được tin con trai Nguyễn Minh Mạnh (Sông Công, Thái Nguyên) đỗ hai trường đại học chưa kịp mừng đã vội lo: “Không biết lấy gì nuôi con ăn học”. 

Những ngày này, thôn Đông Tiến, xã Tân Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên xôn xao tin cậu học trò nghèo, hiếu thảo Nguyễn Minh Mạnh (THPT Chu Văn An) đỗ hai trường đại học với số điểm cao.

Căn nhà xập xệ của gia đình Nguyễn Minh Mạnh nằm sâu hun hút giữa cánh đồng. Bố em, bác Nguyễn Văn Tích năm nay 75 tuổi.

Bác Tích là thương binh 2/4. Bôn ba chinh chiến bao năm, người vợ ở quê nhận được giấy báo tử - đi bước nữa. Bác trở về trắng tay, phiêu bạt tứ xứ, duyên phận run rủi, bác dừng chân đất Thái Nguyên, xây dựng gia đình cùng bác gái Phạm Thị Tờ, và sinh được duy nhất Mạnh.

Năm 1994, bác Tờ đột nhiên bị tai biến mạch máu não, hoại tử tế bào. Qua không biết bao nhiêu bệnh viện, bác Tích bán ruộng vườn, cầm cố sổ đỏ… Bác lặn lội đi làm xa, kiếm tiền chạy chữa cho vợ. Một mình Mạnh khi ấy vừa chăm sóc mẹ, vừa thay ba trông nom việc nhà.

“Cháu nuôi mẹ cực đủ đường. Lo từ vệ sinh cá nhân, tắm giặt, cơm nước...Có buổi, suốt đêm thức trắng, ngồi hàng giờ bón cháo cho mẹ. Con khóc, mẹ khóc”, bác Tờ nghẹn ngào.

Điều trị ròng rã nhiều năm không thuyên giảm, năm 2006, bác Tờ xin xuất viện vì không kham nổi chi phí quá tốn kém.  Về nhà, bác vẫn liệt toàn thân, nằm một chỗ. Hai bố con Mạnh thay nhau túc trực, chăm sóc.

Cả gia đình trông vào năm sào ruộng, bác Tích sức khỏe ngày một yếu do vết thương cũ tái phát, nên một tay Mạnh quán xuyến.

Nhà nghèo, không có tiền thuê người làm, cứ một buổi đi học, một buổi Mạnh đi cấy, đi gặt đổi công. Sáu tháng trời làm lụng vất vả, may lắm cũng chỉ được gần năm tạ thóc. Bán hết trang trải nợ nần, thuốc thang cho mẹ  cũng chẳng đủ.

Để có tiền mua sách vở, giấy bút, Mạnh xoay đủ cách kiếm thêm. Trong xã ngoài làng, ai cần thuê mướn làm gì, Mạnh đều nhận.

Con đỗ đại học, mẹ lo ảnh 1
Nguyễn Minh Mạnh bên góc học tập

Bằng giá nào cũng cho con theo học

Mười hai năm học, chưa năm nào Nguyễn Minh Mạnh để tuột danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Cuối cấp lớp 12, Mạnh vẫn vừa học, vừa lo việc đồng áng, chỉ tranh thủ ôn thi vào buổi tối muộn.

Thường phải sau 10 giờ, Mạnh mới có thời gian tập trung học bài. Không học thêm, cũng chưa từng biết mặt mũi lò luyện thi. Mạnh tự học bằng cách cày nát sách giáo khoa.

Thương bố mẹ nghèo, Mạnh chỉ dám gửi hồ sơ thi hai trường tại Thái Nguyên là Đại học Y và Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên.

Biết tin con đỗ hai trường cùng lúc (Mạnh đỗ Đại học Y Thái Nguyên với 19,5 điểm – xếp thứ 25 trong tổng số thí sinh thi cùng ngành, đỗ Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên với 20,5 điểm - xếp thứ 24 trong tổng số thí sinh thi cùng ngành), mẹ em vừa mừng đã vội lo: “Biết lấy gì nuôi con ăn học”.

Bố Mạnh nói: “Mấy đêm rồi không chợp mắt, nghĩ đủ đường. Vợ chồng tôi nghèo thật, nhưng bằng giá nào cũng quyết cho cháu theo học. Khi Mạnh nhập trường có thể gia đình sẽ làm hồ sơ xin theo chương trình cho sinh viên nghèo vay vốn”.

Đến gia đình bác Tích, bác Tờ, tài sản duy nhất là chiếc giường xiêu vẹo. Mạnh đang đội nắng, vơ cỏ lúa ngoài đồng.

Mạnh bảo: “Dự định vào Đại học Y Thái Nguyên, phấn đấu học làm bác sĩ giỏi, về chữa bệnh cho mẹ và bà con. Lên thành phố trọ học, mình nhất định tìm việc làm thêm, tự kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chỉ lo mẹ bệnh trọng, bố đau yếu, không có ai bên cạnh chăm sóc, đỡ đần”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.