Con đường hoàn lương của ông chủ 8x

Hàng ngày anh Thông chạy xe tải chở vật liệu xây dựng cho xưởng đóng gạch
Hàng ngày anh Thông chạy xe tải chở vật liệu xây dựng cho xưởng đóng gạch
TP - Từng là dân “anh chị” chỉ biết tới bài bạc, đánh nhau,.. rồi vướng vòng lao lý, Hoàng Văn Thông (sinh 1985, xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã tìm ra hướng đi mới cho bản thân, quyết tâm hoàn lương.

Bước trượt dài của chàng trai trẻ

Tôi tìm về gia đình anh Thông trong một buổi chiều muộn, tiếng máy đóng gạch xi măng ầm ầm, hàng chục công nhân nói chuyện rôm rả. Những chiếc ôtô tải đậu khắp vườn, ngôi nhà khang trang nổi lên giữa vùng quê nghèo khó. 

Ấn tượng đầu tiên về Thông là chàng trai trẻ nhanh nhẹn, vui tính, ít ai biết được ông chủ 8x giàu có bây giờ từng là một tay chơi khét tiếng và đã từng phải ngồi tù 3 năm trời vì tội cố ý gây thương tích.

Thông sinh ra và lớn lên ở vùng quê đầy nắng gió Can Lộc. Mong muốn con không chơi bời tu chí làm ăn, bố Thông mua cho anh một chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng để anh tự lập nghiệp. Nhưng trong một lần đi chở vật liệu xây dựng, Thông xích mích với một người lái xe tải chạy cùng, không kiềm chế được nóng giận của bản thân để rồi chịu 3 năm tù vì tội đánh người gây thương tích. 

“Ngày thụ án cũng là ngày tôi biết được Thơ, vợ chưa cưới của mình đã mang bầu một tháng.Tay bị còng chiếc còng tay số 8, tôi bị áp tải lên xe, nhìn bố, mẹ, vợ sắp cưới đều nước mắt lưng tròng, tôi cũng khóc theo và thấy mình thật bất hiếu với bố mẹ, có lỗi với vợ, với đứa con đang trong bụng vợ lắm”, Thông xúc động kể lại.

Những ngày trong trại giam anh luôn dằn vặt đau khổ, lúc ngồi trong nhà lao với bốn bức tường là tôi luôn nghĩ về gia đình, về lỗi lầm của bản thân. Anh chỉ muốn giá như có thể quay thời gian trở lại thì anh sẽ bình tĩnh hơn không làm điều dại dột.

“Ngày nghe tin vợ sinh được con trai, đêm đó tôi đã nằm khóc suốt, vừa vui vừa thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm của người chồng, người bố. Tôi chỉ muốn cố gắng cải tạo thật tốt, sau này về làm ăn chính đáng bù đắp thiệt thòi cho vợ con, gia đình, làm gương cho con trai của mình để sau này con đừng như bố lại khổ” - Thông nhớ lại.

Bà Đào Thị Mai mẹ Thông kể: “Ngày nó đi tù tôi khóc hết nước mắt, con trai mắc lỗi lầm thì phải tự gánh chịu, tôi chỉ thương con dâu và đứa cháu nội của mình chịu nhiều thiệt thòi quá. Ngày cưới chỉ có một mình cô dâu “bụng mang dạ chửa”, sau thì sinh con không có chồng bên cạnh nghĩ cũng tủi thân, nhưng hai mẹ con luôn cố động viên nhau vượt qua tất cả, đợi Thông trở về”.

Chị Nguyễn Thị Thơ vợ anh tâm sự: “Ở trong tù anh ấy thường gửi thư về tâm sự cho vợ, mình chỉ cho anh ấy xem con qua ảnh. Anh luôn ân hận việc mình đã làm và hứa ra tù sẽ cố gắng tu chí làm ăn, yêu thương vợ con. Dù vất vả nhưng tôi luôn cố gắng và tin vào ngày mai”.
Năm 2011 Thông ra tù, anh được ra tù sớm hơn một năm so với bản án do cải tạo tốt và kể từ đây cuộc sống của anh đã sang một lối khác.

Giúp nhiều người có việc làm

Ra tù với hai bàn tay trắng, chiếc xe tải của Thông cũng đã bán để trang trải cho cuộc sống gia đình khi anh trong tù. Với quyết tâm “ngã ở đâu đứng dậy ở đấy”, Thông mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua lại chiếc ôtô 4 chỗ cũ bắt đầu công việc chạy taxi.

Con đường hoàn lương của ông chủ 8x ảnh 1

Vợ chồng Thông - Thơ hạnh phúc bên nhau

Mới đầu công việc của Thông còn gặp nhiều khó khăn, khi nhiều người biết được anh từng đánh nhau phải ở tù nên khách hàng đi xe cũng ít, chủ yếu là người quen. Sau này, thấy anh chân thành, chu đáo nhiều người mới hiểu, thông cảm và tin tưởng đi đâu cũng gọi anh chở đi.

Sau 3 năm vợ chồng phấn đấu, Thông giờ là ông chủ của xưởng sản xuất gạch xi măng, tạo công việc ổn định cho 12 công nhân với mức thu nhập khá. Ngoài ra, anh còn mua thêm 4 chiếc ô tô tải lớn thuê thêm lái xe để chở vật liệu xây dựng cho bà con trên địa bàn huyện nhà, còn vợ anh thì mở của hàng tạp hóa. Mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu về hàng tỷ đồng.

Thông chia sẻ: “Ngoài việc phát triển kinh tế cho gia đình thì tôi còn rất vui khi tạo được việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương giúp họ có thể phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Tôi muốn mở rộng xưởng để có thể tạo công việc cho nhiều lao động hơn nữa”.

Ông Phan Tân, hàng xóm của gia đình anh cho biết: “Từng lầm lỡ phải đi tù nhưng bây giờ làng xóm ai cũng phục thanh niên trẻ này bởi vì ý chí vươn lên quyết tâm từ bỏ cái xấu vươn lên làm giàu”.

MỚI - NÓNG