Còn mãi một tình yêu

Còn mãi một tình yêu
Đã 36 năm trôi qua kể từ ngày bác sĩ trẻ Võ Văn Ngọc - Đội trưởng Đội Phẫu thuật 5 của Quân y Mặt trận 4 cùng đồng đội anh dũng hy sinh vẫn có một phụ nữ nuôi giữ trong tim ngọn lửa tình yêu với anh.

22/7/1969 là ngày thứ hai của trận càn quét ác liệt của hàng ngàn quân Mỹ – nguỵ có nhiều máy bay yểm trợ ở chiến trường Quảng Đà. Suốt ngày hôm đó địch dùng pháo binh, xe tăng và máy bay liên tục bắn phá và ném bom vào khu vực quân ta, kể cả những nơi cấp cứu và điều trị thương binh.

Tới chiều, dưới những trận bom tấn của hàng chục máy bay Mỹ, hang Đá Mái - nơi đóng quân của Đội Phẫu thuật 5 bị sập. Một khối đá lớn đổ sập đã vùi lấp toàn bộ trạm y tế dã chiến này trong hang.

Bác sĩ Đội trưởng Võ Văn Ngọc cùng 9 đồng nghiệp và hơn 10 thương binh đang điều trị đã anh dũng hy sinh. Tối hôm đó một đơn vị quân đội và nhân dân trong vùng đã đào bới cấp cứu, song chỉ cứu được một người là anh Huỳnh Đức Nghệ.

Trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng chiến tranh, hơn 20 liệt sĩ này đã được chôn cất vào một khu mộ chung ngay tại vùng hang Đá Mái trong khu vực Hòn Tàu (xã Duy Sơn, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Đà - nay là tỉnh Quảng Nam).

Võ Văn Ngọc sinh ra trong một gia đình giáo học. Bố, mẹ và các anh chị của Ngọc là những thầy giáo, cô giáo mẫu mực, luôn được học trò kính trọng và mến yêu. Năm 1961, tốt nghiệp trường cấp III Lam Sơn (Thanh Hoá), Ngọc thi vào ngành Y và học cùng khóa với Đặng Thùy Trâm, nữ bác sỹ – liệt sỹ mà cuốn nhật ký để lại đang gây xúc động lớn trong dư luận xã hội.

Học xong năm thứ tư, từ 1965 anh cùng một số sinh viên khác được chọn học Khoa Ngoại và Khoa Chấn thương để cung cấp bác sỹ cho chiến trường miền Nam. Từ tháng 11/1965, Võ Văn Ngọc và các bạn cùng lớp đã nhập ngũ...

Cùng học một khoá trường Y (nhưng khác lớp) với Ngọc có Nguyễn Thị Kim Anh - Cô gái nhỏ nhắn, sôi nổi, học giỏi. Hai người có cảm tình với nhau, đặc biệt sau ngày nhập ngũ cùng được biên chế vào C10 của Viện Nghiên cứu Y học Quân sự (Bộ Quốc phòng) thì họ càng gắn bó mật thiết hơn.

Suốt 6 tháng rèn luyện trong đội ngũ hành quân dã ngoại họ luôn động viên nhau học tập và cố công tập luyện để được vào phục vụ chiến trường. Đặc biệt, trong chuyến hành quân dã ngoại tập sự từ Hà Đông lên Tuyên Quang họ đã thành một đôi không thể xa rời nhau, luôn động viên hỗ trợ nhau suốt dọc đường đi để đạt được tiêu chuẩn vào Nam chiến đấu. Mối tình trong sáng, đẹp đẽ của họ đã nảy nở giữa những năm tháng đạn bom ác liệt ấy.

Vì thể lực yếu (Kim Anh chỉ nặng 38 kg) nên chị được phân về công tác ở Viện Quân y 7 của Quân khu Ba. Còn Ngọc thì được toại nguyện lên đường đi chiến trường B4.

Trong thời gian học tập chính trị và nghỉ dưỡng để chuẩn bị lên đường, Ngọc và Kim Anh thường lui tới thăm nhau. Vào ngày nghỉ cuối tuần họ gặp nhau khi ở Sơn Tây (nơi Ngọc đóng quân), khi ở Kim Môn – Hải Dương (nơi Kim Anh công tác).

Ngày bác sĩ Ngọc lên đường đánh Mỹ, nữ bác sĩ Kim Anh đến đưa tiễn, động viên người yêu và cùng nhau ước hẹn tới ngày toàn thắng của dân tộc.

“... Từ đó, hàng tháng tôi viết thư đều đặn động viên Ngọc và 3 - 4 tháng thì tôi nhận được một lá của anh ấy. Trong thư anh kể về những tháng ngày gian khổ, nhưng hào hùng nơi chiến trường khốc liệt. Anh phụ trách một đội phẫu thuật của Quân y Mặt trận 4. Đội của anh kịp thời và tận tình cứu chữa được nhiều thương binh. Toàn đội có nhiều khi phải nhịn cơm để dành cho thương binh, nhất là những ngày bị giặc càn quét, bắn phá, ném bom điên cuồng.

Tất cả đều đoàn kết, đồng cam cộng khổ, giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Riêng anh Ngọc luôn được đồng nghiệp và anh em thương binh thương yêu, quý trọng...

Nhưng rồi từ giữa năm 1969 tôi không còn nhận được thư Ngọc nữa. Tất cả những bức thư của anh tôi giữ gìn rất cẩn thận như là vật vô giá của mình...” – Bác sĩ Kim Anh thổ lộ trong nỗi niềm xúc động, nhớ thương.

Hiện nay bác sĩ Kim Anh vẫn ở vậy, không xây dựng gia đình. Những người trong đại gia đình của anh Ngọc luôn coi chị như một thành viên của gia đình mình. Còn Kim Anh thì vẫn thường xuyên lui tới thăm các anh chị và những người thân của anh Ngọc.

Ngày thân phụ và thân mẫu của liệt sĩ Võ Văn Ngọc mất, chị đã tới phúng viếng và để tang như một người con. Chiến tranh kết thúc đã 30 năm, vật đổi sao dời đã nhiều nhưng mối tình đẹp đẽ của họ vẫn còn cháy mãi. 

Ý kiến bạn đọc

Nguyễn Thành Trung; Email: trungsea11@yahoo.com

Không có gì có thể diễn tả cảm xúc của chúng tôi, những người trẻ hôm nay về những điều kỳ vĩ mà thế hệ cha anh đã làm trong suốt hơn 30 năm của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Chúng tôi đã được biết một phần về lịch sử oai hùng đó qua những bài học trên lớp, qua các tài liệu tự tham khảo.. Nhưng phần lớn chỉ là những con số và sự kiện.

Còn khi được đọc những dòng nhật ký, những câu chuyện kể về những người anh hùng mới thấm thía rằng: sự tưởng tượng của chúng tôi là quá nhỏ bé trước cuộc chiến tranh vĩ đại. Sự thật rất giản dị nhưng rất đỗi anh hùng của anh Thạc, chị Trâm, anh Ngọc và bao anh chị khác dù chỉ là những câu chuyện cá nhân, nhưng hàng triệu những câu chuyện cá nhân đó đã làm nên lịch sử.

Những câu chuyện đó một lần nữa chứng minh cho chúng tôi: Khi cả dân tộc chung một niềm tin, chung một lý tưởng thì mỗi cá nhân sẽ là một anh hùng. Bản hùng ca mà thế hệ cha anh đã viết lên bởi máu xương hôm qua sẽ là động lực, là niềm tin, là trách nhiệm để thế hệ chúng tôi tiếp bước noi theo.

Xin nghiêng mình kính phục trước anh linh của những người đã khuất - những người để lại tên và những người chưa tìm thấy tên, những người vẫn còn bên cạnh chúng tôi trong cuộc sống hoà bình. Dù ở đâu các anh, các chị vẫn luôn là những người anh hùng trong trái tim chúng tôi.

Tôi hy vọng sẽ được biết nhiều hơn về những gì mà thế hệ cha anh đã sống, đã chiến đấu để tiếp tục cùng nhau giữ vững ngọn lửa kiên cường, bất khuất.

Vũ Công Chiến, Email: chien_c6k18@yahoo.com

Cảm nghĩ về chuyện các liệt sĩ

Cuộc đời của mỗi con người là một pho tiểu thuyết. Người đã chết thì không thể viết ra. Người đang còn sống thì cũng không nên viết, vì đời còn dang dở. 20 năm chiến tranh chống Mỹ đã có hàng vài chục vạn người cầm súng ngã xuống. Ca ngợi họ chung chung thì dễ, song kể cụ thể về họ lại khó vì tư liệu ít, số người hy sinh lại quá nhiều.

Tất cả những người đã ngã xuống cho Tổ quốc đều là những Anh hùng, dù rằng có người trước khi hy sinh đã có dày đặc chiến công, hay có người chỉ mới xung trận lần đầu đã ngã xuống. Trong cuộc chiến tranh vĩ đại ấy, đồng đội chúng tôi hy sinh nhiều quá, tới mức đã có lúc chúng tôi nghĩ rằng sự sống sót của mình là một điều gì đó tội lỗi, là không phải với đồng chí của mình.

Trong cuộc sống đời thường, chúng tôi ít có dịp được ôn chuyện đời lính và tưởng nhớ lại những kỹ niệm với đồng đội đã khuất của mình. Chúng tôi xúc động khi được nghe lại chuyện về các đồng đội liệt sĩ nhân 27/7 năm nay.

Chuyện về anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thuỳ Trâm và hôm nay là anh Võ Văn Ngọc. Tôi tin là sẽ còn nhiều chuyện về các đồng đội khác nữa được sưu tầm và giới thiệu. Xin cảm ơn các đồng chí đã sưu tầm tin, và xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của tất cả những đồng đội đã khuất.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.