Con mắt thứ ba của chàng trai khiếm thị

Con mắt thứ ba của chàng trai khiếm thị
TP - Thứ Bảy, ngày 10/11 tới, triển lãm ảnh “Những khoảnh khắc từ con mắt thứ ba” của Phan Ngọc Cung - chàng sinh viên khiếm thị khoa Báo chí (hệ tại chức), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ ra mắt tại Hà Nội.
Con mắt thứ ba của chàng trai khiếm thị ảnh 1
Em chụp được chị rồi này...  

Cung 26 tuổi, nhưng có cách nói chuyện “nhí nhắng” của một cậu bé mới lớn. Mà Cung trông cũng trẻ thật, không thể nghĩ anh chàng này đã 26 tuổi.

Cung nói về cuộc sống của mình, về đôi mắt đã hỏng hoàn toàn một cách thoải mái, và thậm chí còn vui vẻ nữa...

“Chị có biết tại sao em lại chọn học Báo chí không?”- Cung chủ động bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi. Cảm giác tôi đang lắng nghe, cậu tiếp tục: “Chị biết đấy, em có gì để mất đâu nhưng em không thể để cho người khác nhìn em rồi lại nghĩ cái thằng mù này thì làm được cái gì...”.

Sau khi Cung chào đời một thời gian, một bên mắt yếu dần vì bị đục thủy tinh thể. Nhờ phẫu thuật, đôi mắt của Cung khá ổn định cho đến khi 10 tuổi. Rồi bên mắt còn lại hỏng nốt, cậu bị mù hoàn toàn.

Trí nhớ và khả năng tưởng tượng đã giúp Cung rất nhiều để vượt qua sự bi quan. “Em thấy trí tưởng tượng của em không bị mất đi, nhất là trí nhớ của em về màu sắc không bị mờ đi. Em đi chơi xa cũng đi một mình. Lần đầu tiên xa nhà là em lên Bắc Giang, cách đây có khi cả chục năm rồi. Sau đó là Quảng Ninh. Em đi vào cả miền Nam thăm họ hàng bên nội, cũng đi một mình. Khi tàu qua đèo Hải Vân, em cũng cảm nhận được cái không khí của biển nhờ vào gió...”.

Từ khi lên cấp III, Cung học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, sách tham khảo dành cho học sinh khiếm thị hầu như không còn nữa. Cung đã khắc phục bằng cách nghe thật nhiều, nghe mọi người chuyện trò, nghe tivi, nghe từ mọi âm thanh của cuộc sống xung quanh và cố gắng sắp xếp chúng thành từng “gói” thông tin cho bản thân mình. Đó cũng là cơ sở tưởng tượng ra mọi hình ảnh xung quanh.

Triển lãm “Những khoảnh khắc từ con mắt thứ ba” của Phan Ngọc Cung diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 20/12/2007 tại café Chuồn Chuồn, số nhà 41- Hàng Bài (gác hai), Hà Nội.

Lâu dần, cảm giác của Cung về xung quanh ngày một tinh nhạy hơn và tinh tế thêm. Đầu năm nay, tình cờ nghe tin qua một tờ báo về một triển lãm ảnh của một cô bé khiếm thị ở Israel, Cung thấy hay quá. Thông tin đó vừa kích thích, vừa như thách đố. Cung bắt đầu loay hoay với chiếc máy ảnh kỹ thuật số.

Cung tập nghe mà cảm nhận được sự sáng tối, sự vui vẻ hay tư lự của người đối diện, sự khoan thai hay vội vàng của bước chân người đang đi tới... rồi hướng máy ảnh theo và “nháy”.

“Có những bức ảnh mà em biết khuôn mặt nhân vật chỉ còn lại mỗi cái miệng cười rất tươi. Bình thường thì người chụp sẽ bỏ bức ảnh đó ngay, riêng em lại thấy đó là một bức ảnh đáng để lại, vì cái miệng cười ấy thôi đã nói với em rất nhiều về cuộc sống này...”.

Từ khi thêm việc chụp ảnh, Cung bận rộn. Xem như đó là một cách rèn luyện, cũng là để cuộc sống thêm vui, Cung chụp ảnh mọi nơi mọi lúc có thể. Ham quá, có lần bị ngã xuống hồ Hoàn Kiếm, hỏng luôn chiếc máy ảnh. Cho nên bây giờ, ngoài việc học, Cung còn cố gắng nhận thêm nhiều đơn xoa bóp bấm huyệt để có đủ tiền mua chiếc máy ảnh mới thật xịn.

Riêng về triển lãm ảnh có tên “Những khoảnh khắc từ con mắt thứ ba”, Cung được một số cá nhân bảo trợ và chi trả toàn bộ chi phí. Ngay địa điểm triển lãm cũng là một quán cà phê của bạn học cùng trường Nguyễn Đình Chiểu.

Con mắt thứ ba của chàng trai khiếm thị ảnh 2
Tác phẩm "Dáng em". Ảnh: Phan Ngọc Cung

“Thực ra, em chỉ nghĩ đây giống như một cuộc trưng bày thôi, gọi là triển lãm nghe có vẻ to tát quá nhỉ...”.

“Nhưng mà thực sự Cung suy nghĩ thế nào về cuộc trưng bày này?”.

“Cũng có một số bạn khiếm thị nói em vội vàng trong việc này. Các bạn ấy cho là phải thế này, phải thế kia thì mới triển lãm... Em thì chỉ nghĩ, chẳng có gì “phải” ở đây cả, khi có điều kiện làm gì là mình làm tới luôn. Thì đã bảo em chẳng còn gì để mất mà lại...” - Cung cười vô tư.

Câu chuyện vui giữa chúng tôi thi thoảng bị ngắt quãng vì Cung bận điện thoại, liên quan đến các công việc của cuộc triển lãm như in giấy mời, điều chỉnh ngày giờ, số lượng tờ rơi...

Nghe cách nói chuyện, cảm giác Cung là một người khéo chiều người khác nhưng chân tình và thân thiện. Có lẽ, đó một phần là bản tính con người, vừa là một nỗ lực sống vui, sống tốt như Cung vẫn nói.

Cung không giấu niềm vui là có một cô bạn gái thật hiền, hơn Cung một tuổi, làm y tá cho một trung tâm y tế nước ngoài. “Tụi em quyết chí rồi - Cung lại cười - nhưng gia đình cô ấy không đồng thuận. Cô ấy lại là con một. Nhưng mà không sao, em sẽ cố gắng nữa để họ hiểu em là một người sống tốt, có trách nhiệm hết mực với cô ấy. Em không phải là một kẻ bỏ đi...”.

Mơ ước gần nhất của Cung là vừa viết báo được lại vừa chụp được ảnh kèm cho bài viết của mình. “Không biết có báo nào nhận em về làm không nhưng em đã có hai bài viết được đăng trên báo Tuổi trẻ rồi đấy. Chỉ khi em đến tòa soạn hỏi lại một chi tiết trong bài báo của em, họ mới biết em khiếm thị...”.

Trên đường đưa Cung về nhà, mải nghĩ, tôi giật mình khi thấy Cung nhắc: Chị đi qua ngõ nhà em rồi! Tôi thầm phục cái cảm giác của Cung. Nhưng trên tất cả là tiếng cười vô tư của Cung, một cách nói rằng để sống vui thực ra cũng đơn giản lắm...

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.