Còn nhiều trường đại học không có hội sinh viên

Còn nhiều trường đại học không có hội sinh viên
TP- Bên cạnh những trường có Hội Sinh viên (SV) hoạt động mạnh, có những chương trình ghi đậm dấu ấn và gắn liền với lợi ích thiết thực của SV thì không ít trường không có Hội SV hoặc hoạt động của SV rất mờ nhạt.

Học viện báo chí và Tuyên truyền là một trong những trường có hoạt động phong trào sôi nổi, có nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực đối với sinh viên, tổ chức những CLB chuyên ngành giúp sinh viên tham gia và trau dồi nghiệp vụ như CLB Tuyên giáo của khoa tuyên tuyền, CLB phóng viên trẻ, CLB tiếng Anh, CLB Triết học…

Tuy nhiên, trường này lại không có Hội SV. Anh Vũ Quốc Cường, Bí thư Đoàn Học viện Báo chí và tuyên truyền cho biết, mọi hoạt động phong trào đều do Đoàn trường tổ chức và việc ra đời của Hội SV vẫn còn nằm trong dự kiến. 

Từ SV năm thứ nhất tới SV sắp ra trường đều không khỏi ngạc nhiên khi trường không có hội SV, nhưng họ cũng quen dần với sự thiếu vắng đó. Một số SV thấy trường bạn có hoạt động của Hội SV sôi nổi, cũng thắc mắc, hỏi han và tự giải thích với nhau bằng một lý do: trường Báo chí tuyển sinh có kèm theo điều kiện thí sinh dự thi phải là đoàn viên, vì thế tất cả các sinh viên trong trường đều là đoàn viên, nên chỉ sinh hoạt trong tổ chức Đoàn của trường.

Khi đem câu hỏi “Không có Hội SV, tiếng nói SV gửi vào đâu?” tới một số SV, đa số các bạn trả lời là gửi tiếng nói của mình thông qua các CLB của khoa, hay thông qua Bí thư chi đoàn.

Theo anh Vũ Thanh Mai, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam thì Hội SV là nơi SV nói tiếng nói của mình dễ nhất, gần gũi nhất. Hơn nữa SV trao đổi với sinh viên sẽ dễ tìm được tiếng nói chung và cùng nhau lên phương án giải quyết.

Nhưng khi không có hội SV, mọi công việc đều dồn vào Đoàn trường, vô hình trung Đoàn trường lại có thêm nhiều gánh nặng: từ việc lo tổ chức phong trào, quan tâm động viên sinh viên tham gia các hoạt động, tích cực học chuyên môn… đến công tác đời sống sinh viên, đó là nhận định của nhiều sinh viên của trường không có Hội SV.

Trên địa bàn Hà Nội, không riêng Học viện Báo chí Tuyên truyền mà các trường như ĐH Sân khấu Điện ảnh, ĐH Y tế cộng đồng, Trung cấp Du lịch, ĐH FPT…đều thiếu vắng Hội SV.

Qua khảo sát của PV Tiền phong, những SV trường này đều thiết tha mong muốn được có Hội SV, để Hội và Đoàn càng lớn mạnh, khuấy động phong trào và định hướng SV tốt hơn trong từng hoạt động, từng việc làm và kể cả trong cuộc sống biết bảo vệ mình.

Bàng quan với Hội

Trò chuyện với một số sinh viên ở các trường như ĐH Văn hóa, ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Công đoàn… chúng tôi giật mình khi không ít SV không biết ai là chủ tịch Hội SV của trường.

Đỗ Thùy D. lớp DH08A2 trường đại học Mỹ thuật không phân biệt được hoạt động nào của Hội, hoạt động nào của Đoàn, thậm chí không biết Hội SV trường mình đã tổ chức những chương trình nào cho SV hay đã giúp SV trong những vấn đề gì.

Lý giải sự mơ hồ này, nhiều SV cho rằng vì vai trò của Hội SV rất mờ nhạt. Nguyễn Hằng (SV năm thứ 3 ĐH Văn hóa Hà Nội) cho rằng: “SV ít biết đến cán bộ Hội SV, trong khi lại biết rất rõ các cán bộ Đoàn, vì Hội SV ít có chương trình tổ chức giao lưu sôi nổi, ít nổi bật nên không thu hút được nhiều sinh viên tham gia. Theo em biết, Hội SV có cùng Đoàn trường tổ chức các hoạt động cho SV, nhưng chính vì sự “cùng” ấy mà SV biết đến vai trò của Đoàn trường nhiều hơn là biết đến vai trò của hội. Nên chăng Hội SV nên tách ra, có những chương trình riêng, thu hút và gây tiếng vang cho SV hơn nữa”.

Vì sao nhiều trường có Hội SV nhưng vai trò rất mờ nhạt? Anh Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch Hội SV ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng: Mô hình hoạt động của nhiều trường ĐH là Đoàn và Hội gắn với nhau.

Ví như trường ĐH Văn hóa Đoàn và Hội lồng ghép, hỗ trợ nhau hoạt động. Đây là hai tổ chức riêng nhưng không mang tính chất đối trọng, mọi hoạt động được kết hợp nhuần nhuyễn. Các bạn SV tham gia hoạt động mà không hiểu được rằng nhà trường không tách riêng Đoàn và Hội, Đoàn chỉ đạo hội và Hội hỗ trợ Đoàn hoạt động.

Vì thế SV cảm thấy vai trò của Hội mờ nhạt là đúng. Như hoạt động 26/3 là hoạt động của Đoàn nhưng những thành phần tổ chức lại bao gồm cả hội, hay hoạt động 9/1, ngày của Hội SV, nhưng Đoàn cùng tham gia tổ chức… SV chưa nhận ra điều đó, trong những đợt tập huấn chi Hội. Điều này phụ thuộc vào khả năng nắm bắt của SV.

Anh Trần Trung Dũng nhấn mạnh, muốn làm vai trò của Hội SV ngày một nổi bật hơn luôn là trăn trở không chỉ của Hội SV trường ĐH Văn hóa, nhưng hiện tại trường có gần 4.000 SV và vẫn theo chỉ đạo chung của Đảng ủy ban giám hiệu luôn luôn gắn bó giữa hai tổ chức để đẩy mạnh hoạt động phong trào nhà trường. Dự kiến Hội SV sẽ mở trung tâm tư vấn hỗ trợ SV của riêng ban chấp hành Hội SV, để góp phần bảo vệ và cất cao tiếng nói của SV.

Anh Vũ Thanh Mai, Phó chủ tịch Thường trực Hội SV Việt Nam cho rằng nguyên nhân để Hội bị cho là mờ nhạt có nhiều: Bản thân Hội chưa chủ động, sáng tạo, chưa gây dựng được niềm tin của các cấp ủy Đảng, nhà trường. Cán bộ hội phần lớn là sinh viên luân chuyển nhanh, công tác tập huấn hạn chế...

Vì vậy, việc chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội có trình độ, kỹ năng, nhiệt tình là điều cấp thiết hiện nay. Hơn nữa, hoạt động của hội phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của sinh viên như: quan tâm chăm lo lợi ích, phát huy tính sáng tạo của người sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên tự khẳng định mình hội sẽ nổi bật và có sức hút với SV hơn.

An Hiền Linh (SV năm thứ hai- Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Không có Hội tiếng nói của SV không có trọng tâm

Sinh viên có nhiều vấn đề cần được chia sẻ như: ăn ở, học tập, sinh hoạt...mà Hội là một địa chỉ tin cậy. Nhưng trường không có Hội nhiều khi  không biết hỏi đâu. Nếu trường kết hợp cả Đoàn - Hội và CLB chuyên ngành trong việc tổ chức, kêu gọi SV tham gia các hoạt động sẽ hiệu quả hơn.

Vì thế khi không có Hội, tiếng nói của SV không có trọng tâm, không có nơi để bảo vệ mình. Bọn em rất mong có Hội SV, có một trang web riêng, có diễn đàn để sinh viên vào đó trao đổi, bày tỏ quan điểm, ý tưởng của mình, cùng xây dựng Hội và giúp SV tham gia Hội tích cực, ý nghĩa.

Nguyễn Thị Long, Khoa đô thị- ĐH Kiến Trúc- Hà Nội:

SV sẽ rất thiệt thòi khi trường thiếu vắng Hội SV

Khi tham gia hoạt động của Hội bọn em thấy được là chính mình: được bày tỏ nguyện vọng, được làm những việc gần gũi, thiết thực. Theo như em được biết, có nhiều trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Thủy lợi, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế quốc dân… có Hội sinh viên hoạt động rất tích cực hiệu quả.

Và sinh viên tìm thấy sự thoải mái trong mỗi hoạt động, tinh thần học tập thêm phấn chấn. Vì thế, nếu thiếu Hội SV, thì SV sẽ có nhiều thiệt thòi.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.