Công chức: Vỡ dần giấc mộng

Công chức: Vỡ dần giấc mộng
Được trở thành công chức là ước mơ của không ít người khi còn ngồi ở giảng đường đại học. Ra đi làm, và cố gắng hiện thực hóa ước mơ đó. Nhưng thực tế của cuộc sống khiến công chức ngày càng mòn mỏi vì những toan tính đời thường.

Gần hai tháng nay, Bích Nga (một cán bộ văn phòng ở một cơ quan quản lý nhà nước đóng tại TP HCM) mới thực sự thấm thía cảm giác "đi chợ như bị mất cắp".

Lương sắp được tăng vào ngày đầu tiên của năm mới thì ai cũng biết; nhưng giá cả tăng từng ngày thì cô không biết chia sẻ với ai.

Hai vợ chồng cùng là cán bộ nhà nước, đều là dân Hà Nội do công việc nên phải chuyển vào TP.HCM đã vài năm nay.

Từ chuyện nhỏ

Thu nhập cả tháng của hai công chức có thâm niên gần 10 năm là gần 5 triệu. Hàng tháng, gia đình cô gồm hai vợ chồng và một bé gái 4 tuổi tiêu hết gần 8 triệu. Công việc của chồng Nga thì không có cơ hội nào làm thêm vì quá chuyên môn về giấy tờ.

Còn Nga thì nhờ có khả năng sử dụng máy tính cũng như kiến thức về CNTT khá tốt, cô cũng nhận được một ít việc làm thêm nho nhỏ để bù vào số âm của hai vợ chồng hàng tháng. Cũng may vì gia đình chồng Nga có một căn hộ chung cư tận quận 8 nên không phải lo tiền thuê chỗ ở.

Lúc tăng giá xăng, hai vợ chồng còn bảo nhau: "chuyện bình thường". Nhà nước sao bù lỗ mãi đuợc, nước mình vào WTO gần năm rồi, giá hàng hóa - dịch vụ cũng phải hội nhập chứ...

Mà đến cơ quan rồi về nhà, công chức đâu đi lại nhiều mà lo xăng tăng giá! Thêm có 1.300đ/ lít, mỗi người chịu thiệt chút thì xã hội mới phát triển...

Hết bình gas, nhà mình thường gần hai tháng mới hết một bình, cũng chỉ có bữa sáng (nếu kịp ăn ở nhà) và bữa tối. Gas cũng tăng à? Lại thêm vài chục ngàn nữa. Lác đác đã thấy mấy gia đình trong khu chung cư bắt đầu quay lại chiều chiều quạt bếp than.

"Mình đã từng nghĩ, đến thế hệ bé Tun nhà mình, chắc sẽ không phải ngửi mùi than tổ ong nữa! Cũng không trách được vì gia đình đông mà nấu gas thời buổi giá tăng vùn vụt thế này chịu sao thấu!". Tự nhiên thấy cay mũi (không phải tại khói than) vì nhà mình mới có ba người.

Lâu nay Nga cũng kiếm thêm được tháng vài triệu nhờ công việc thiết kế những website đơn giản từ các mối quan hệ công việc, hay bạn bè giới thiệu.

Có thời gian nhiều người nhờ quá, cô cũng kiếm thêm được gần chục triệu/tháng, có chút dành dụm cho cuối năm. Cũng nhờ có việc làm thêm mà tiền đi chợ của gia đình cũng ít phải đắn đo, suy nghĩ.

Tới đi chợ mà như mất cắp

Nhưng hơn tháng nay, khi chi tiêu hàng tháng đều vượt quá 30% so với trước, Nga đã phải giảm thực đơn trong bữa ăn hàng ngày, riêng sữa của bé Tun thì không thể giảm được cho dù giá sữa tăng đến chóng mặt như có tờ báo nào đã giật tít.

Mỗi lần đi chợ, hay vào siêu thị, Nga không dám nhặt ào ào như trước nữa, và thậm chí còn phải để bé Tun ở nhà vì sợ con đòi mua gì lại mất công giải thích.

Lên danh sách những gì cần mua trước khi đi siêu thị hoặc nhẩm trong đầu rồi mà khi nhận hóa đơn nhiều khi cô vẫn thẫn thờ như bị mất tiền hay nhân viên siêu thị tính nhầm.

Biết chồng mê món sườn non rán của vợ, và có thể ăn cả tuần không chán, nhưng một ký sườn non cũng tăng hơn 20.000 đồng, đành thay thế món khác vậy.

Thời gian gần đây, Nga bắt đầu sợ đi chợ.  Cô sợ cái cảm giác phải làm đủ phép tính trong đầu, cộng trừ rồi so sánh, cả lý tính và cảm tính. Không ít lần đi chợ về Nga ngồi thừ ra suy nghĩ.

Đã là tháng 12 rồi, có năm nào mà gần Tết giá cả lại không tăng. Mấy cái chỉ số với dự báo giá tiêu dùng có thể tăng đến hai con số ra rả suốt ngày.

Chưa kể thời tiết năm nay cũng ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm; rồi dịch bệnh. Hàng hóa dịch vụ cái gì cũng tăng giá, ngay đến cái vật bất ly... xe mà bây giờ ai cũng có là MBH cũng mất thêm 1.000 đ/lần gửi.

"Cuộc sống của công chức nơi đô thị sao nhiều áp lực vậy!" Cô gái HN quen chịu đựng và ít chia sẻ về những khó khăn ngày nào dường như thấy hoang mang.

Có lẽ từ bây giờ, mình sẽ bắt đầu tìm kiếm một công việc mới với thu nhập tốt hơn, Nga tự nhủ: "Đám bạn mình vẫn nói với khả năng CNTT như mình thừa sức làm cho 1 Cty nước ngoài nào đó với thu nhập tệ lắm cũng 1.000 USD. Nhân lực ngành này hình như đang thiếu lắm!

Sẽ ít thời gian cho bé Tun hơn, và có lẽ không nhiều chăm chút cho anh ý được nữa; nhưng mình không muốn mang gương mặt "bị mất cắp" về nhà nữa.

Hạnh phúc gia đình là tất cả; chứ không phải là câu chuyện giá - lương - tiền mà những ai là công chức thuần túy luôn phiền muộn. Mình sẽ làm như thế!".

Theo Hạ Lam
Lao động

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).