Cống hiến, sáng tạo và giữ chữ Tâm với nghề

Cống hiến, sáng tạo và giữ chữ Tâm với nghề
TPO - Lựa chọn từ 105 thầy thuốc trẻ có thành tích nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học và thầy thuốc trẻ sống đẹp, tình nghĩa vì cộng đồng, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã chọn ra được 30 thầy thuốc trẻ tiêu biểu cho năm 2008.

Hình ảnh cô nữ bác sỹ nhỏ nhắn H’Vinh Niê ngày ngày phát thuốc cho đồng bào vùng sâu vùng xa, và tư vấn giúp người dân dân tộc Ê Đê thị xã Gia Nghĩa (Đắk nông) về kế hoạch hoá gia đình, đã trở nên quen thuộc đối với đồng bào dân tộc Ê Đê (thị xã Gia Nghĩa- tỉnh Đăk Nông).

Những cống hiến ấy của chị đã được ghi nhận, chị là một trong số ít những nữ bác sĩ là người dân tộc được tôn vinh trong lễ tuyên dương thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2008.

Nhận được tin vui, H’Vinh Niê đã rất bất ngờ, chị tâm sự: “Ngay từ nhỏ, sinh ra Niê biết được khó khăn của đồng bào mình, dân tộc mình, nên quyết định đi theo ngành Y với mong muốn giản dị là muốn giúp đỡ bà con, người thân xung quanh.

Công việc của một nữ bác sỹ, đặc biệt hơn là nữ bác sỹ khoa sản, luôn bận rộn, liên tục kiêm nhiệm cả quản lý, mình chịu nhiều áp lực trong công việc, hơn nữa trình độ còn hạn chế, nên Niê luôn tâm niệm một điều phải cố gắng hơn nữa để nâng cao và tự hoàn thiện bản thân".

Cống hiến, sáng tạo và giữ chữ Tâm với nghề ảnh 1
Thầy thuốc trẻ nhận bằng khen và quà nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam

Nếu như H’Vinh Niê được sống trong vòng tay của đồng bào mình, thì Lê Trọng Tuấn, bác sĩ của Đảo Đá Tây A lại vượt hàng ngàn cây số đến với Trường Sa, một phần máu thịt của tổ quốc.

Tự hào khi sinh ra ở miền quê của Trạng Quỳnh (Hoàng Hoá – Thanh Hoá), trong gia đình có 5 anh em theo ngành Y, Lê Trọng Tuấn đã hết mình vì nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tốt nghiệp Học Viện Quân Y năm 2004, Tuấn nhận ngay công tác ra đảo Đá Tây A- Lữ đoàn 146- Vùng 4 Hải quân và là bác sỹ duy nhất ở đảo. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống thiếu thốn, nhưng Tuấn và các bạn đã đảm nhận tốt vai trò bác sỹ của hơn 200 cán bộ chiến sỹ trên đảo, đồng thời giúp đỡ ngư dân khám chữa bệnh.

Tuấn đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến của đồng bào. “Vì tình yêu ấy mà mình thấy đỡ buồn hơn khi xa nhà”, Tuấn tâm sự.

Dốc lòng vì sức khoẻ cộng đồng

Lễ tuyên dương thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2008 và ra mắt Ban vận động thành lập Hội Thầy thuốc trẻ VN đã diễn ra vào tối 25/2 tại Cung văn hoá thể thao thanh niên Hà Nội.

Về dự có 105 thầy thuốc trẻ từ các tỉnh thành của mọi miền Tổ quốc.

Nhiều năm liền tham gia hiến máu nhân đạo, đặc biệt tham gia điều phối lực lượng sơ cấp cứu tại hiện trường sập cầu Cần Thơ thời gian vừa qua, Nguyễn Thanh Huy (Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Cần Thơ, chủ tịch CLB hiến máu nhân đạo) đã góp phần khẳng định hình ảnh đội ngũ thầy thuốc trẻ giàu năng lực và nhiệt tình, cống hiến hết mình vì cộng đồng.

Chia sẻ về hoạt động cứu chữa nạn nhân của anh và những đồng nghiệp trẻ trong thảm hoạ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, anh tâm sự: 

"Hôm đó là lần đầu tiên tôi tham gia cấp cứu hàng loạt. Khi xuống hiện trường, chúng tôi dự định sẽ cấp cứu bên bờ cầu Cần Thơ, nhưng thấy bệnh nhân gẫy xương hở rất phức tạp mà không được sơ cứu gì, chúng tôi quyết định vận chuyển nạn nhân sang Vĩnh Long để sơ cấp cứu, nạn nhân lần lượt được vận chuyển bằng canô sang.

Chúng tôi gặp phải khó khăn trong khâu tổ chức, vì không quen với cấp cứu hàng loạt bệnh nhân, hơn nữa điều phối tại hiện trường còn lúng túng... Sau hội ý với các bác sỹ có kinh nghiệm, chúng tôi đã giải quyết được kịp thời và rút ra được nhiều kinh nghiệm".

Có một màu áo nâu sồng duy nhất trong lễ tuyên dương các thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2008 đó là Đại đức Thích Hồng Đạo, hiện đang là trưởng khoa Tây y thuộc trung tâm khám bệnh nhân đạo cho người nghèo Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức ở Huế.

Cho đến nay, Tuệ Tĩnh Đường đã khám và chữa bệnh miễn phí cho hơn 30 ngàn bệnh nhân, vận động được hơn 600 trăm triệu đồng để cứu trợ cho các bệnh nhân nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, cứ 1 đến 2 lần/tháng, thầy tổ chức các đoàn xe khám chữa bệnh lưu động đi đến các làng bản nghèo của huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế như A Lưới, Nam Đông …

Thầy tâm sự: “Ở Tụê Tĩnh Đường, điều kiện cơ sở vật chất cũng chưa được hiện đại, các thầy chữa bệnh phải dựa nhiều vào kinh nghiệm là chính. Nhưng các thầy đều rất chú trọng đến tâm lý của người bệnh nghèo. Thường xuyên động viên và khích lệ, giúp họ giảm được những nỗi đau về thể xác”.

Có lẽ vì thế mà đã có không ít người bệnh đến với Tuệ Tĩnh Đường chỉ để mong được trò chuyện và chia sẻ.

"Làm công việc nào cũng thế, chữ Tâm luôn quan trọng. Và với người thầy thuốc, điều đó càng quan trọng hơn. Tuệ Tĩnh Đường cũng chỉ mong được cùng những thầy thuốc có tâm với người nghèo cùng chung tay giảm bớt đi những nhọc nhằn, đau khổ của họ”.

Những thầy thuốc như bác sỹ H’Vinh Niê hay Lê Trọng Tuấn, Nguyễn Thanh Huy, Đại đức Thích Hồng Đạo... luôn giàu lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và phấn đấu hết mình vì sức khoẻ của cộng đồng. Đặc biệt khi “Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam” ra đời, sẽ là một điều kiện thuận lợi hơn để họ cống hiến cho nghề, giữ chữ vững Tâm với nghề.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.