Công sở mùa…. rã đám

Công sở mùa…. rã đám
Hơi thở của kỳ nghỉ Tết đang gấp gáp dần thì cũng là lúc nhịp sống công sở đập chậm hơn, vì công dân văn phòng mải suy tính cho những thứ không thuộc phạm vi công việc...

Từ hai tháng nay, P.Th – nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội - cảm thấy một bầu không khí hơi khó thở trong văn phòng cơ quan, thể hiện rõ trên gương mặt sếp và đồng nghiệp.

“Mình thấy sếp không cởi mở như trước, không còn trò chuyện với nhân viên, đi làm thất thường, trong khi các bạn cùng phòng cũng ít nói hẳn. Không khí cứ nặng nề sao ấy, rất khó tập trung làm việc dù ai cũng ngồi bên máy vi tính”, P.Th nói.

Và cô không phải chờ đợi lâu để biết lý do. Một tuần trước kỳ nghỉ Tết dương lịch, sếp của cô tuyên bố cắt giảm 2/3 nhân sự, vì doanh thu không đủ bù đắp dù chỉ 1/3 chi phí. P.Th nằm trong diện “tinh giảm biên chế” này.

Tình hình tương tự diễn ra tại một công ty trong lĩnh vực dịch vụ Internet, khi vị giám đốc thuộc lứa “8x” phải cho nghỉ gần như toàn bộ nhân viên, chỉ giữ lại hai người “tâm phúc” nhất để duy trì hoạt động theo kiểu cầm hơi, còn mình thì nhảy sang lĩnh vực…buôn bán đồ thời trang, lấy ngắn nuôi dài.

Từ một văn phòng “hoành tráng” trên tầng 7 của một tòa nhà văn phòng, hai nhân sự còn lại này phải theo giám đốc di dời về một ngõ nhỏ chật hẹp, chờ ngày phát triển trở lại.

“Có một em nhân viên rơm rớm nước mắt xin được ở lại làm việc, cho sếp nợ lương, nhưng tôi không dám nhận, vì chính tôi cũng không dám chắc là có thể trả món nợ ấy trong tương lai hay không nữa”, vị sếp trẻ không giấu được nỗi buồn.

Không đến nỗi bi đát như trên, nhưng tình hình ở nhiều công ty khác vẫn có xu hướng rã đám tương tự.

“Năm ngoái mình vào công ty được mấy tháng thì hết năm, thưởng Tết chỉ được vài trăm nghìn đồng, vì theo quy định thì chỉ những ai làm việc trên một năm mới được hưởng trọn tháng lương thứ 13.

Năm nay đủ tiêu chuẩn rồi, nhưng chưa chắc đã khá hơn năm trước, vì nghe nói tình hình làm ăn của công ty đi xuống”, Th.H (nhân viên tư vấn đầu tư) lấy đó làm lý do cho những ngày làm việc uể oải và thiếu tập trung.

Và “chuyện thường ngày ở huyện”

“Cuối năm là thời điểm chủ yếu để đi trả nợ và đòi nợ, doanh số bán hàng của các đơn vị dịch vụ như chúng tôi gần như trở về số 0, đó là tình hình chung nên công bằng mà nói thì nhân viên của tôi khá nhàn”, lãnh đạo một công ty chuyên thiết kế website cho biết.

Nhàn rỗi là một lý do “chính đáng” để nhiều nhân viên có dịp bỏ bớt mối quan tâm tới công việc mà chia sẻ cho những chương trình khuyến mãi, giảm giá cuối năm của nhiều mặt hàng, đặc biệt là điện tử điện máy.

Bên cạnh đó, “tâm lý cuối năm” như là một thứ di sản đến hẹn lại lên, những câu chuyện về sắm Tết, chơi Tết, thưởng Tết,…cộng thêm tâm lý đám đông khiến nhân viên khó tập trung làm việc.

“Hết tháng 12 năm cũ rồi mà công ty mình chưa nói gì tới thưởng Tết, các bạn phòng khác đồn là lương tháng 1 năm nay phải ra Tết mới có. Công ty mình trả lương vào ngày cuối cùng của tháng, mà 2 ngày cuối tháng 1/2009 được công ty cho nghỉ, nên mọi người cứ mong là công ty cũng sẽ linh động trả lương trước cho nhân viên”, D.T (nhân viên nhập liệu) giải thích cho tâm lý thấp thỏm ở văn phòng.

“Công ty mình cũng cho nghỉ ngày 30 và nửa ngày 31 tháng 1 rơi vào thứ bảy, nhưng lại bắt nhân viên lựa chọn: hoặc trừ vào nghỉ phép, hoặc tính nghỉ không lương. Tụi mình hơi bức xúc về vụ này”, một đồng nghiệp cùng ngành với D.T nói thêm.

“Rã đám”, có nên không?

“Rã đám” chỉ là hiện tượng tâm lý, nhưng trong nhiều tình huống, nó đủ sức nói lên mức độ nghiêm túc và chuyên nghiệp trong phong cách, thái độ làm việc của bạn trong mắt sếp. Dù vì lý do gì thì “rã đám” cũng không được khuyến khích.

Làm sao để tránh “rã đám”?

Hãy chia công việc thành các mốc và mục tiêu ngắn (chia việc lớn thành nhiều việc nhỏ), để không thấy thời gian thực hiện quá dài (hoặc không thấy có dư thời gian).

Hứng thú trong công việc một phần được tạo ra từ thành quả của các công việc trước đó. Hạn chế “buôn chuyện” cũng là cách tránh tâm lý đám đông - một “phụ gia” khiến tình trạng “rã đám” càng thêm nghiêm trọng.

Theo Hạo Đông
Đẹp

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.