Công tác Đoàn phải bắt nguồn từ công việc chuyên môn

Công tác Đoàn phải bắt nguồn từ công việc chuyên môn
TP - Trong khuôn khổ Hội nghị tập huấn cán bộ Đoàn của Đài THVN, chiều 6/10 tại Hà Nội, lớp tập huấn đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng.
Công tác Đoàn phải bắt nguồn từ công việc chuyên môn ảnh 1
Anh Võ Văn Thưởng (thứ nhất từ phải sang) tại buổi giao lưu - Ảnh: Hà Thanh

Nhiều vấn đề đặt ra không chỉ mang tính đặc thù công tác Đoàn qua các thời kỳ mà còn là vấn đề chung của ĐVTN làm công tác báo chí đã được anh Võ Văn Thưởng và những thành viên của lớp học cùng nhau chia sẻ.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, công tác Đoàn phải bắt nguồn từ công việc chuyên môn để mỗi đoàn viên đóng góp cho chính công việc mang những đặc thù khác nhau. 

Khi cán bộ Đoàn là nhà báo

Đáp lại mong muốn của bạn Thanh Hoa - Phó bí thư Đoàn Ban Thời sự được chia sẻ bí quyết để làm sao những cán bộ Đoàn làm công tác báo chí vốn rất bận rộn vẫn có thể tham gia làm tốt công tác Đoàn một cách đầy cảm hứng, anh Võ Văn Thưởng nói:

“Phải thừa nhận, làm thế nào để mang lại cảm hứng cho ĐVTN ham mê với công tác Đoàn là điều thật khó khăn. Tuy nhiên, với cán bộ Đoàn làm công tác báo chí, các bạn có rất nhiều cơ hội đóng góp cho tổ chức Đoàn và làm cho công tác Đoàn phát triển.

Chẳng hạn như biết cách biểu dương một điển hình thanh niên chính là nhân rộng điển hình ấy như một tấm gương sáng cho hàng nghìn TN khác học theo”.

Theo anh Võ Văn Thưởng, có hai khía cạnh làm công tác Đoàn cần được nhìn nhận đúng. Đó là cán bộ Đoàn chuyên trách ăn lương để làm công tác Đoàn và cán bộ Đoàn kiêm nhiệm, nhận lương để làm công việc khác.

Với các bạn làm báo, nhận lương để làm chương trình hay, thông tin chính xác, đúng giờ, tính định hướng cao... Nhưng dù bận rộn đến đâu, mong các bạn giữ được sự đam mê với công việc đang theo đuổi.

Khi các bạn là ĐVTN, làm những chương trình, bài viết thật tốt, say mê, có hiệu ứng xã hội cao, tạo sức lan tỏa cho hàng triệu ĐVTN trên cả nước chính là các bạn đã tạo hình ảnh người đoàn viên, tổ chức Đoàn thực sự có ý nghĩa trong lòng xã hội.

Thực tế, người ta chỉ có thể cảm nhận tổ chức Đoàn thông qua những con người cụ thể.

Không phải cứ thích là... thay đổi!

Bạn Quốc Khánh - Bí thư Đoàn Ban Tiếng dân tộc hỏi: “Vì sao tên của phong trào thay đổi và vì sao mỗi nhiệm kỳ của BCH T.Ư Đoàn lại có phong trào khác nhau? Nội dung các phong trào mới của Đoàn trong thời kỳ tới là gì?”.

Anh Võ Văn Thưởng khẳng định: “Theo tôi, mỗi giai đoạn có sự thay đổi không phải là việc để lại “dấu ấn” của người đứng đầu tổ chức Đoàn ở mỗi nhiệm kỳ theo cách suy nghĩ của nhiều ĐVTN.

Nhưng BCH T.Ư Đoàn suy nghĩ: Việc xác định nội dung phong trào dựa vào đối tượng và khả năng của đối tượng mà Đoàn hướng tới; nhiệm vụ của xã hội đặt ra với tổ chức Đoàn ở từng thời kỳ có sự khác nhau.

Vì thế, tại Đại hội IX, BCH T.Ư Đoàn xác định hai phong trào xuyên suốt cả nhiệm kỳ là “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và “5 xung kích phát triển kinh tế xã hội bảo vệ Tổ quốc”.

"Trong điều kiện hiện nay, công tác Đoàn phải bắt nguồn từ công việc chuyên môn để mỗi đoàn viên đóng góp cho chính công việc mang những đặc thù khác nhau.

Từ đó, mỗi chi đoàn xác định ra tiêu chí thi đua hoặc nội dung gắn với công tác Đoàn để mỗi ĐVTN có thể cùng nhau chia sẻ và thực hiện.

Tuy nhiên, nội dung ấy phải do chính mỗi đoàn viên cùng nhau đóng góp ý kiến."

Anh Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Phong trào “4 đồng hành” khẳng định mục tiêu: Đoàn là người bạn của thanh niên. Xuất phát từ yêu cầu phải là người bạn thật tốt trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, lợi ích thích đáng của ĐVTN.

Phong trào này có 4 nội dung: 1 - Đồng hành với TN trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; 2 - Đồng hành với TN trong khởi nghiệp và lập nghiệp; 3 - Đồng hành với TN trong nâng cao sức khoẻ thể chất và đời sống văn hoá tinh thần; 4 - Đồng hành với TN trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động xã hội.

Trong bối cảnh chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững để đưa đất nước sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, Phong trào “5 xung kích” xác định được nhiệm vụ, vai trò của thanh niên với những mục tiêu, nội dung cụ thể là:

1- Xung kích lao động sáng tạo và phát triển kinh tế, xã hội; 2 - Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; 3 - Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; 4 - Xung kích thực hiện cải cách hành chính; 5 - Xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Anh Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Việc tổ chức hai phong trào lớn này là xây dựng mạch nối, mối quan hệ chặt chẽ của tổ chức Đoàn với TN.

Nếu chúng ta làm tốt phong trào này, Đoàn sẽ có chỗ đứng trong lòng TN cũng như phát huy tối đa tinh thần cống hiến, tình nguyện của tuổi trẻ với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đây sẽ là câu trả lời thích đáng cho câu hỏi chi phối nhiều TN hiện nay: Vào Đoàn để làm gì?”

MỚI - NÓNG