Đâu khó có thanh niên - Bài 6:

Công trình đậm dấu ấn thanh niên

Điểm trường Dìn Pèng sau 2 tháng khởi công chỉ xây được 1,5 m tường vì mưa lũ liên tục. Ảnh: L.T.
Điểm trường Dìn Pèng sau 2 tháng khởi công chỉ xây được 1,5 m tường vì mưa lũ liên tục. Ảnh: L.T.
TP - Tự huy động kinh phí hàng tỷ đồng để xây trường học cho trẻ em vùng cao; chế tạo máy lọc nước ngọt mang ra Trường Sa, vùng hạn mặn… Đó là những công trình mang đậm dấu ấn tuổi trẻ.

Xây trường cho học trò nghèo vùng cao

Dìn Pèng là một thôn vùng cao của xã Cốc Mỳ, Bát Xát (Lào Cai), nằm cách trung tâm xã hơn 12 km. Thôn có 63 hộ dân sinh sống với trên 235 nhân khẩu. Từ nhiều năm nay những đứa trẻ ở Dìn Pèng phải học trong lán tạm bợ, mùa hè nắng cháy rát, mùa đông gió lùa rét thấu xương.

Là người khởi sướng dự án, anh Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Hội LHTN Huyện Đoàn Bát Xát, Chủ nhiệm CLB Kết nối Tuổi trẻ đã đi khảo sát thực tế, chứng kiến cảnh các em nhỏ đi chân đất, mặc những tấm áo mỏng, rách nát tới trường, anh quyết định thực hiện dự án xây dựng điểm trường Tiểu học Dìn Pèng với quy mô 2 phòng học, 1 phòng công vụ, có tổng trị giá trên 500 triệu đồng. “Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất để các em nhỏ Cốc Mỳ có trường đẹp khi bước vào năm học mới 2017 - 2018”, anh Hùng quả quyết.

Tất cả nguồn vốn xây trường được CLB Kết nối Tuổi trẻ huy động từ các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ. “Cứ ngỡ việc vận động kinh phí để triển khai dự án là điều khó khăn nhất, nhưng có kinh phí rồi bắt tay vào thực hiện lại khó khăn gấp bội. Dự án khởi công từ ngày 9/6/2017. Tuy nhiên, trải qua hơn 2 tháng đến nay chỉ xây được 1,5 m tường, do trời mưa liên tục, mọi con đường vào thôn bị mưa lũ phá nát. Cây cầu duy nhất bắc qua con suối Nậm Chỏn để vào thôn bị mưa lũ tàn phá hỏng 2/3 khiến ô tô không thể chở vật liệu vào công trình”, anh Hùng kể.

Cầu đường hư hỏng, các thành viên CLB Kết nối Tuổi trẻ không chờ chính quyền địa phương khắc phục, tự thuê máy xúc vào sửa cầu, bồi đắp những đoạn bị nước lũ cuốn để xe chở vật liệu có thể đi qua được. “Ngay sau khi đường thông, 8 chuyến xe đã tập kết đủ vật liệu để thi công dự án, mục tiêu được đặt ra là phải cố gắng hoàn thành việc xây dựng trường học xong trước ngày 30/8/2017 để kịp chuẩn bị khai giảng năm học mới 2017-2018”, Chủ nhiệm CLB Kết nối Tuổi trẻ nói.

Dìn Pèng là điểm trường thứ 3 mà CLB Kết nối Tuổi trẻ đã xây cho các em nhỏ trên vùng cao Lào Cai. Trước đó, CLB đã xây điểm trường Tiểu học Tả Suối Câu II, xã A Lù, Bát Xát (Lào Cai) với quy mô 3 phòng học, tổng giá trị 750 triệu đồng; điểm trường Mầm non, Tiểu học Bản Giàng, thuộc xã Pa Cheo, Bát Xát (Lào Cai), với quy mô 2 phòng học, 2 phòng công vụ cho giáo viên, khu vệ sinh và toàn bộ thiết bị dạy học, tổng giá trị hơn 750 triệu đồng.

CLB Kết nối Tuổi trẻ được thành lập từ năm  2011 do anh Nguyễn Xuân Hùng làm chủ nhiệm. Trong 6 năm qua, CLB tổ chức hàng trăm chương trình tình nguyện lớn, nhỏ. Bên cạnh xây trường, CLB phối hợp xây dựng nhà nhân ái, ngôi nhà Khăn Quàng Đỏ cho đội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hàng năm CLB thường tổ chức các chương trình: Trung thu cho trẻ em nghèo, thiếu nhi vùng cao; tặng quà cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn dịp Tết Nguyên đán; tổ chức cứu trợ những địa phương bị thiệt hại do thiên tai… Tính đến nay tổng trị giá số tiền và giá trị hiện vật mà CLB đã vận động, hỗ trợ, trao tặng lên tới gần 8 tỷ đồng.

Để có kinh phí tổ chức các chương trình thiện nguyện, CLB đã tổ chức các buổi ca nhạc gây quỹ từ thiện; tận dụng các mối quan hệ, cũng như việc sử dụng mạng xã hội để kêu gọi hỗ trợ cho các dự án, chương trình. “Tổ chức được các dự án, chương trình thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa là vô cùng khó khăn. Khó khăn từ huy động vốn đến việc bắt tay vào thực hiện. Có những dự án tôi tưởng phải bỏ dở vì kiệt sức về vấn đề tài chính. Nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh các em nhỏ đi chân đất tới trường, phải ngồi học dưới căn nhà dột nát, nó lại thôi thúc tôi phải chiến đấu với tất cả sức lực của mình”. Anh Hùng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các điểm trường học an toàn cho em nhỏ ở vùng cao Lào Cai.

Sản xuất nước ngọt cho Trường Sa

Đến với Trường Sa Đông trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2016, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh xanh mướt của vườn rau thanh niên, khu chăn nuôi quy mô. Những chiến sỹ nơi đây không còn phải phân chia tiêu chuẩn 5 lít nước mỗi ngày như trước đây… Góp phần làm nên điều kỳ diệu này chính là Máy lọc nước NT-30. Đây là sản phẩm của CLB Trí thức trẻ Hà Nội với sự chung tay của CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương hưởng ứng chương trình Trường Sa xanh.

Máy có thiết kế 3 lớp lọc, cứ 4 lít nước biển sẽ tạo ra 1 lít nước ngọt. Máy chạy bằng điện năng lượng mặt trời không ảnh hưởng tới môi trường trên đảo, tạo ra khoảng 600 lít nước/ngày, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt Bộ Y tế ban hành. Kỹ sư Trần Vũ Thành, Phó chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, một trong những người chế tạo ra chiếc máy trên, cho biết máy NT-30 trên đảo Trường Sa Đông đang hoạt động tốt, cung cấp nước ngọt đều đặn phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tăng gia sản xuất của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Đặc biệt, máy đã được nâng cấp về kỹ thuật giúp lọc tốt hơn rác từ biển, năng suất lọc nước được nâng cao với bể chứa lớn đã được đầu tư xây dựng.

Cũng theo anh Thành, hiện CLB kết hợp với nhiều đơn vị tiếp tục tổ chức các hoạt động nghiên cứu, gây quỹ để lắp đặt thêm máy lọc nước biển. Từ nay đến cuối năm, CLB sẽ lắp đặt máy lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu TS12 góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trên biển; máy lọc nước NT-200 phục vụ đời sống cán bộ, chiến sỹ trên đảo An Bang có công suất lọc 200 lít nước/giờ. Đến nay, CLB đã thiết kế xong máy, gửi thiết bị ra thi công hạ tầng cơ sở ở ngoài đảo. “So với máy lọc nước NT-30 có chi phí vận chuyển, lắp đặt hơn 1 tỷ đồng, máy NT-200 có công suất lớn hơn nhưng chi phí chỉ khoảng 350 triệu vì Trường Sa đã có điện”, anh Thành nói.

Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn Lê Duy Hưng Thịnh, những công trình lọc nước ngọt hướng về hải đảo của T.Ư Đoàn phối hợp lắp đặt là những công trình ghi đậm dấu ấn tuổi trẻ cả nước. Không chỉ nghiên cứu, chế tạo, các thành viên CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương còn tích cực gây quỹ bằng cách vận động các nhà hảo tâm. “Với khát vọng Trường Sa xanh, không bao giờ thiếu nước ngọt, các thành viên trong CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đang vận động để có kinh phí lắp đặt được thêm nhiều công trình máy lọc nước ngọt ở các đảo xa”, anh Thịnh nói.

(Còn nữa)

Chia sẻ khó khăn với đồng bào hạn mặn Tây Nam bộ, T.Ư Đoàn đã phát động chương trình “Nước ngọt tình nghĩa” lắp đặt miễn phí hơn 2.000 máy lọc nước ngọt, chủ yếu tại các điểm trường học và trạm y tế. Anh Ngô Văn Cương, Trưởng ban Thanh niên Nông thôn T.Ư Đoàn cho biết, triển khai từ năm 2016, đến nay chương trình đã lắp đặt máy tại nhiều tỉnh như Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau… với trị giá 200 triệu đồng/máy/trạm. “Năm nay thời tiết thay đổi, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều mưa, lũ, vì vậy chương trình tiếp tục triển khai nhưng chọn nơi trọng yếu, nhiều nguy cơ hạn, mặn xâm lấn”, anh Cương nói.

MỚI - NÓNG