'Cõng' trường lên núi

Từ một điểm trường lụp xụp (ảnh nhỏ), giờ đây, điểm trường Tăk Rân (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã được CLB Bạn thương nhau hỗ trợ xây dựng khang trang (ảnh lớn). Ảnh: NVCC.
Từ một điểm trường lụp xụp (ảnh nhỏ), giờ đây, điểm trường Tăk Rân (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã được CLB Bạn thương nhau hỗ trợ xây dựng khang trang (ảnh lớn). Ảnh: NVCC.
TP - Với mong muốn giúp trẻ em vùng cao có điều kiện để học cái chữ, những thành viên CLB Bạn thương nhau vẫn miệt mài “cõng” những ngôi trường kiên cố lên những vùng núi để “tụi trẻ học cái chữ đỡ vất vả hơn”.

Từ chương trình 5 triệu đến điểm trường 120 triệu

CLB Bạn thương nhau thành lập từ tháng 6/2010 với 15 thành viên đầu tiên là những cán bộ Đoàn từng gặp nhau tại Liên hoan Thanh niên tiên tiến khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ X tại Nghệ An. “Thời điểm đó, chúng mình mong muốn góp sức trẻ để làm những điều thiết thực và ý nghĩa cho cộng đồng. Vì vậy, CLB Bạn thương nhau ra đời, hoạt động chủ yếu là tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật... ở Đà Nẵng” - Chủ nhiệm CLB anh Nguyễn Bình Nam, 39 tuổi, kỹ sư điện, cho biết.

Khoảng tháng 10/2012, Nam có dịp đi công tác ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và tình cờ ngang qua điểm trường Nước Ui (xã Trà Mai). “Đó là một điểm trường tạm bợ, bao quanh bởi mấy tấm gỗ và lợp bằng vài mảnh tôn. Trời thì lạnh, tụi nhỏ phải ngồi học trong lớp học toang hoang như cái chuồng heo”, anh Nam nhớ lại. Trở về thành phố, những hình ảnh về điểm trường Nước Ui luôn khiến anh trăn trở. Anh bày tỏ với các thành viên trong CLB về ý định xây điểm trường kiên cố, khang trang hơn ở Nước Ui.

“Bây giờ nhớ lại vẫn thấy giật mình. Hồi đó, nhóm chỉ hoạt động nhỏ, chương trình lớn nhất cũng chỉ kêu gọi được 5 triệu, nói gì đến xây trường cả trăm triệu. Nhưng sau đó, những hình ảnh do Nam chụp lại khiến cả nhóm có quyết tâm để thực hiện ý định”, anh Hà Văn Thoong - Trưởng ban Tuyên huấn BCH Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, thành viên CLB, kể. Sau nhiều chuyến đi tiền trạm, lo các thủ tục, vận động quyên góp và liên hệ vật liệu và người xây dựng..., cả nhóm bắt tay vào xây dựng điểm trường Nước Ui. “Dự toán lúc đầu chỉ là 50 triệu, sau đó, chi phí đội lên gần 120 triệu. Lúc bắt đầu, chúng mình chỉ có trong tay 70 triệu đồng nhưng mọi người đều đồng lòng: thiếu đến đâu, bù đến đó”, Nam nói.

Sau 7 tháng kể từ khi bắt tay lên kế hoạch, điểm trường Nước Ui kiên cố được hoàn thành với 2 phòng học khang trang. Mỗi phòng học rộng 56m2, được trang bị bàn ghế, bảng, sách vở mới tinh tươm cho 60 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Sau khi hoàn thành điểm trường này, CLB chuyển hẳn sang hoạt động tình nguyện về giáo dục miền núi.

'Cõng' trường lên núi ảnh 1 Các em học sinh trường Tiểu học Trà Khê vui vẻ với “Bữa cơm miền núi" do CLB hỗ trợ. Ảnh: NVCC.

Ði thật xa - nơi thật khó

Những ngày đầu, để tìm được những điểm trường khó khăn cần giúp đỡ, mọi người trong CLB thường phải chủ động liên hệ rồi đến tận nơi để khảo sát sau đó mới lên kế hoạch để kêu gọi ủng hộ. “Tụi mình hầu hết là công chức, cán bộ nhà nước, nên việc tìm kiếm, khảo sát, cả giám sát việc xây dựng đều thực hiện vào cuối tuần. Với những địa điểm xa thì sẽ sắp xếp đi từ chiều tối thứ Sáu và về vào sáng sớm ngày thứ Hai. Mỗi điểm trường, đi tiền trạm ít cũng phải 2 - 3 chuyến. Trong quá trình xây dựng cũng phải 5 - 6 lần lên về để giám sát và đôn đốc mọi thứ”, anh Đỗ Đức Tình - Phó Chánh văn phòng Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TP Đà Nẵng, thành viên CLB, chia sẻ. 

Theo anh Nam, những điểm trường ở miền núi thường mất thời gian gấp 3 - 4 lần và mất công gấp mấy chục lần so với một điểm trường ở miền xuôi. Bởi hầu hết các điểm trường đều ở nơi xa xôi hiểm trở, đường sá đi lại khó. Như điểm trường Tăk Rân (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My), đường để chuyển vật liệu vào là đường núi dài gần 25km. Nếu trời khô ráo thì đi mất 1 tiếng, vào mùa mưa thì thời gian di chuyển gấp 4 lần. Rồi anh lướt điện thoại cho chúng tôi xem hình ảnh đoàn người gùi từng gùi gạch, từng bao xi măng... luồn lách trong đường rừng ngoằn ngoèo, trèo đèo, lội suối để chuyển vật liệu vào xây trường.

Với phương châm “Đi thật xa, nơi thật khó, đến tận nơi, trao tận tay”, qua hơn 5 năm hoạt động, dấu chân thiện nguyện của CLB Bạn thương nhau đã đi đến những vùng núi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum. Từ điểm trường đầu tiên với kinh phí chỉ hơn trăm triệu, đến nay, CLB đã kêu gọi xây dựng được những điểm trường lớn với kinh phí cả 500-600 triệu đồng. Ngoài ra, CLB còn triển khai thêm các chương trình “Bữa ăn miền núi”, “Tủ sách vùng cao” và “Én nhỏ vùng cao" để hỗ trợ thêm cho việc học tập của các em. “Những ý tưởng đó đều nảy ra trong quá trình gặp gỡ, trò chuyện để thấu hiểu cuộc sống và những khó khăn của các thầy cô giáo và các em. Các em chủ yếu mang cơm trắng muối vừng đi học thì bữa ăn miền núi giúp bữa cơm của các em có thêm thịt, cá. Giờ nghỉ các em không biết chơi gì nên mình muốn lập tủ sách để vừa giúp các em tích lũy thêm kiến thức, vừa để giải trí. Hay mỗi chương trình én nhỏ là sự động viên, khích lệ cho những em có thành tích học tập tốt”, Nam chia sẻ. 

'Cõng' trường lên núi ảnh 2 CLB bàn giao điểm trường Ông Deo (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: NVCC.

Truyền cảm hứng và được truyền cảm hứng

Trò chuyện với Nguyễn Bình Nam, anh có thể kể vanh vách về những điểm trường mà CLB đã xây dựng. Điện thoại của Nam chứa đầy những hình ảnh về những ngôi trường tạm bợ chênh vênh giữa núi rừng được gửi về từ khắp các tỉnh. “Những nơi khó khăn còn nhiều lắm, càng làm càng thấy công sức của mình như muối bỏ bể”, Nam ngậm ngùi. Với nỗi niềm đó, trong năm 2017, CLB đã cố gắng vận động và xây dựng 3 điểm trường với kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. Nam cũng ấp ủ trong năm 2018 cũng sẽ hoàn thành được khoảng 3 - 4 điểm trường với quy mô tương tự.

Slogan của CLB là “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” được in ngay ngắn sau lưng áo, trên những chiếc cặp sách đi học tặng cho tụi nhỏ. “Câu nói đó cũng trở thành câu cửa miệng của tụi nhỏ. Rồi lớn lên, chúng sẽ mang thông điệp sống sẻ chia lan tỏa và truyền cảm hứng cho nhiều người”, Nam bày tỏ. Đối với nhiều người, hành trình của Nam và những người bạn là hành trình truyền cảm hứng. Nhưng đối với mỗi thành viên CLB, đó là hành trình mà mỗi người được truyền cảm hứng ngược lại từ những con người ở những vùng đất khó khăn mà CLB từng ghé chân.

Đó là hình ảnh một em học sinh ở điểm trường Long Cheng (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) khi xin cô giáo mang miếng cá trong phần cơm của mình về cho bố mẹ vì “ở nhà không có”. Đó là người thợ sơn vào thi công điểm trường đến lúc về chỉ còn trên người mỗi 1 bộ quần áo “vì thấy tụi nhỏ và người dân khổ quá nên cái gì cũng đem cho”. Sau đó, mỗi tháng anh đều quay lại thăm điểm trường một lần để mang quà cho tụi nhỏ. Đó là những thầy cô giáo trẻ viết đơn tình nguyện lên vùng cao dạy 2 năm nhưng sau đó cứ xin ở lại đến cả 10 năm vì không nỡ rời xa lũ học trò...

“Đó là những câu chuyện về nghị lực sống vươn lên và vượt qua nghịch cảnh, những yêu thương chân thật và vô điều kiện, sự sẻ chia từ những điều dung dị nhất như chia nhau nắm cơm hay chiếc áo cũ. Những chuyến đi khiến mỗi người trưởng thành, biết quý trọng những gì mình đang có và trân trọng mọi thứ để sống tốt và ý nghĩa hơn”, Nam bộc bạch.

Trang facebook của Nguyễn Bình Nam liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh về những điểm trường, những hoàn cảnh học sinh khó khăn ở khắp nơi. “Facebook giúp đỡ chúng mình rất nhiều trong việc kêu gọi đóng góp. Nhiều người ở tận châu Âu, châu Mỹ chẳng quen biết nhưng vẫn ủng hộ. Người vài chục, vài trăm nghìn, người ủng hộ cả triệu, vài chục triệu, góp gió thành bão. CLB chỉ là những người trung chuyển những tấm lòng đến với những hoàn cảnh khó”, Nam nói.

MỚI - NÓNG