“Cứ bước đi, ta sẽ tới”

TS Nguyễn Bá Hải. Ảnh: TN.
TS Nguyễn Bá Hải. Ảnh: TN.
TP - Hơn 1.800 đại biểu về tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, mỗi người một hoàn cảnh, song đều có điểm chung là khát khao vươn lên trong cuộc sống, vượt qua chính mình. Hai đại biểu chia sẻ về lòng đam mê, tinh thần dấn thân.

Làm việc chăm chỉ, thành công sẽ tới

TS Nguyễn Bá Hải, giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM - người từng thuyết phục Thủ tướng trong 10 phút để được thực hiện dự án Mắt thần giúp người khiếm thị, đến Đại hội Thi đua yêu nước với tinh thần “Đam mê sáng tạo để phụng sự cộng đồng”. Bí quyết để tạo nên sự thành công của TS Hải là bớt than thở và quy kết do hoàn cảnh khách quan, hay do sự bất công nào đó. “Chúng ta và chính chúng ta hãy nỗ lực không ngừng mỗi ngày, bồi đắp giá trị tâm hồn của bản thân mình bằng những suy nghĩ và việc làm cụ thể tác động tích cực đối với chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Phụng sự và cống hiến cho xã hội chính là phục vụ cho chính bản thân mình”, TS Hải nhắn nhủ.

Người giảng viên trẻ này quan niệm rằng, dù mỗi người trong chúng ta là ai thì cũng cần một tấm lòng và tập trung toàn tâm lực, trí tuệ cho công việc mình được phân công, hay lựa chọn gắn bó. Tấm lòng ấy được xem như kim chỉ nam cho chúng ta trong mọi hành động. Dù ở góc độ thực tế, tâm linh hay niềm khao khát, chúng ta đều phải đặt tấm lòng lên cao nhất… “Chúng ta có thể chưa mạnh về khoa học, về kinh tế, về quân sự, nhưng thiếu tấm lòng, mọi vun vén sẽ đều bị lệch”, TS Hải nói.

TS Hải không ngần ngại chia sẻ những thất bại trong cuộc sống, trong công việc. Anh đã tám lần đối mặt những thất bại trong tám phiên bản nghiên cứu Mắt thần cho người khiếm thị. Và bản thân anh đã phải đối mặt phản hồi tiêu cực từ chính những người khiếm thị. Anh từng ngã từ độ cao ba mét vì bị điện giật khi đi hàn điện thuê để có tiền đi học. Anh cũng rưng rưng khi nhớ lại sự cô đơn vật vã nơi đất khách quê người, bởi nhiều dịp Tết Nguyên đán không thể về thăm quê. Để có tiền đi học, anh đã đi bán sách báo, đồng hồ, mắt kính dạo khi còn là sinh viên, thậm chí còn bị “xã hội đen” đe dọa đâm kim tiêm dính máu, trấn lột.

Theo TS Hải, những thất bại trong cuộc sống luôn rình rập, sẵn sàng ập đến với những người trẻ tuổi thừa năng lượng, thiếu kinh nghiệm. Nhưng thành công sẽ đến với những ai sẵn sàng đón nhận thất bại và xem đó là “mẹ thành công”. Thành công sẽ chào đón những ai có niềm đam mê và khát vọng cháy bỏng. Có đam mê, con người ta có thể biến những hành động đơn giản thành kết quả lớn, đam mê có thể dẫn chúng ta chạm vào những giây phút thăng hoa trong cuộc sống, trong công việc.

Anh cũng quan niệm, đam mê không chỉ tạo ra nguồn năng lượng vĩ đại trong công việc mà còn tạo sự cuốn hút như đang dạo chơi trong một hành trình khám phá những điều bí ẩn, thú vị nhất trong nghề nghiệp của mình. Chính nhờ sự đam mê, từ hạt cà phê với công nghệ pha chế độc quyền Nhật - Việt - Ý, anh đã tạo ra ly cà phê thuần Việt. Với dự án Robot, từ lúc phải bán đi chiếc xe Matiz cũ, anh đã hoàn thành phiên bản mẫu, kêu gọi đầu tư mạo hiểm được 500 triệu đồng hỗ trợ cho công cuộc nghiên cứu tiếp theo…

TS Hải mượn lời Thủ tướng Phần Lan nhắn nhủ: “Hãy ước mơ, hãy làm việc chăm chỉ, và thành công sẽ tới. Vâng, cứ bước đi, ta sẽ tới”.

“Cứ bước đi, ta sẽ tới” ảnh 1

Học sinh Nguyễn Thế Hoàn.

Chiếc bánh mì và tấm huy chương

Nguyễn Thế Hoàn, học sinh lớp 12A1 Toán, Trường chuyên Khoa học Tự nhiên, mang đến Đại hội một hành trình vượt khó và theo đuổi những ước mơ. Sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình, trong một gia đình có hai anh em trai, ngay từ bé, Hoàn đã cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ. Ngày đó, bố còn làm công việc chuyển và bốc dỡ hàng hóa cho một doanh nghiệp nhỏ. Hoàn nhớ như in hình ảnh bố mỗi buổi chiều muộn trở về nhà mang cho hai anh em những chiếc bánh mì nhỏ giá chỉ vài trăm đồng. Hoàn rất vui mỗi khi nhận được món quà ấy từ bố mẹ. Rồi Hoàn dần nhận ra, chiếc bánh mì đó không phải ba mua sau mỗi buổi chiều đi làm về, mà đó là một phần bữa trưa của ba. Ba không ăn hết mà mang về làm quà cho hai anh em.

“Công việc nặng nhọc, vậy mà bữa trưa vỏn vẹn với những chiếc bánh mì ba cũng không ăn hết còn cố gắng giữ lại cho em. Đứa bé ham quà đã vô tình bỏ qua những điều đó”, Hoàn nói. Như để sửa sai, Hoàn lao vào học tập.

Biết đến thành công của GS Ngô Bảo Châu, Hoàn quyết tâm thi vào khối chuyên Toán, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Ước mơ thành sự thật. Việc Hoàn học tập ở Thủ đô là một gánh nặng quá lớn đối với ba mẹ. Chắp cánh ước mơ cho con, họ đã lên Thủ đô, làm những công việc nặng nhọc với đồng lương ít ỏi để cho Hoàn theo đuổi đam mê.

Trên con đường chông gai ba năm cấp ba vất vả, Hoàn đã gặt hái những thành công ấn tượng: Giành giải Học sinh giỏi Quốc gia, rồi các tấm Huy chương vàng tại những kì thi Olympic Toán quốc tế… “Con đường phía trước sẽ gian nan hơn rất nhiều, em hiểu rất rõ. Mọi thứ sẽ thay đổi, nhưng sẽ có những thứ không bao giờ thay đổi, đó là những giọt nước mắt, những sự động viên và tình yêu thương mà ba mẹ dành cho em. Và em, với tư cách của một người con có hiếu, sẽ biến những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi vất vả đó thành những tấm huy chương khác trong tương lai”, “cậu bé vàng” Olympic tâm sự.

MỚI - NÓNG