Cửa nào mà tán gái có nhà Hà Nội?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Là một chàng trai tỉnh lẻ nhưng anh L.A.C luôn muốn tỉm hiểu và lập gia đình với một cô gái người Hà Nội. Tuy nhiên, trong một lần đến trò chuyện, anh vô tình nghe được mẹ bạn gái tương lai chê: "Giai quê thì cửa nào mà tán gái Hà Nội?”.

Anh L.A.C là người ở quê ra Hà Nội học đại học. Năm thứ 3 nhờ thành tích tốt anh trúng học bổng đi học tại Nhật. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Nhật, nhờ nỗ lực và tinh thần cầu tiến anh lấy luôn tấm bằng thạc sĩ loại giỏi.

   

Sau khi ra trường anh từ chối nhiều cơ hội làm việc tại xứ mặt trời mọc để về Hà Nội lập nghiệp. Anh C nói: “Mình thích Hà Nội. Mình muốn sống, lập gia đình ở đây, từ khi là sinh viên ở Việt Nam mình đã có ước muốn là yêu và cưới một cô gái Hà Nội gốc rồi”.

Trong mắt anh C. những cô gái Hà Thành không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết, họ có học thức tính tình lại nhã nhặn và điềm đạm.

Đúng như ước muốn khi về làm việc ở một công ty có tiếng ở Thủ đô, anh C. luôn đặt tiêu chuẩn cho người yêu của mình không cần quá xinh, giỏi mà chỉ cần là một cô gái Hà Nội hiền lành và duyên dáng.

Trong số các đồng nghiệp ở công ty, anh “để mắt” đến H.Anh, 25 tuổi. H.Anh cao, trắng không quá xinh nhưng là một cô gái Hà Nội khá nhẹ nhàng và trau chuốt. 

Gia đình C. theo anh tìm hiểu cũng là gia đình khá về mặt kinh tế tuy nhiên, đó không phải là điều anh C. quan tâm. Bởi mang tiếng là “trai quê” nhưng gia đình anh cũng là nhà có điều kiện.

Gia đình anh sở hữu 1 khách sạn và 2 nhà nghỉ cùng nhiều nhà hàng ăn có tiếng ở thành phố quê anh. Anh C. về Hà Nội làm việc đã được cha mẹ gợi ý mua nhà, ô tô để tiện đi lại nhưng anh từ chối, vẫn thuê nhà ở và đi xe máy đi làm như nhiều chàng trai quê khác lên Hà Nội lập nghiệp.

C. nhiều lần chủ động mời cafe, ăn sáng, đưa đón người đẹp Hà thành đi làm và đều được cô gái đồng ý. Anh C. cho biết: “Nhiều lần tôi nhắn tin có ý bày tỏ tình cảm thì H.A đều không phản đối gì. Mình rất vui vì chuyện này cho đến một hôm…”.

Theo lời anh C., hôm đó trời mưa nên H.A bắt taxi đi làm. Khi hết giờ làm, anh C. chủ động chở H.Anh về bằng chiếc xe máy bình thường như nhiều nhân viên khác. “Vì đã nhiều lần đưa đón mà chưa vào chào hỏi bố mẹ bạn gái một tiếng thì cũng ngại nên trên đường về tôi mua ít hoa quả ngon ngon với ý định vào nhà H.Anh chơi. H.Anh. cũng đồng ý nên tôi mạnh dạn hơn…”, anh kể.

Khi vào nhà thì may mắn cả ba, mẹ của H.Anh đều có mặt ở nhà. Trong quá trình nói chuyện, ba của H.Anh rất hài lòng khi thấy anh C. có chí tiến thủ và khá hiền lành, chững chạc. Tuy nhiên, khi hỏi về quê của C. và biết anh ở một tỉnh lẻ, cách xa Hà Nội thì mẹ H.Anh tỏ vẻ không vui.

Nói chuyện được một lát, bà lấy cớ vào lo cơm nước để đi vào trong nhà mặc dù nhà H.Anh có đến 2 người giúp việc. Khoảng 15 phút sau, anh C. biết ý xin phép ra về để nhà bạn gái dùng cơm. Lúc anh ra phía trước nhà để đi giày ra về thì mẹ H.Anh từ trong phòng riêng đi ra phòng khách. Tưởng anh C. đã về bà chép miệng: “Gớm, giai quê cửa nào mà tán gái Hà Nội?”.

“Anh ấy đi du học về rất có năng lực công ty con mời mãi anh mới về đó mẹ”, tiếng H.Anh chống chế yếu ớt. “Mấy đồng lương ở công ty mày thì chờ mùa quýt mà mua nhà con nhé, rồi lại về nhà ngoại ỉ ôi xin tiền. Năm hết tết đến mày có chen chúc nổi trên xe mà về cái nơi khỉ ho cò gáy đó không…”

Lúc này anh C. đang buộc dây giày cảm thấy vô cùng ngỡ ngàng. Anh lặng lẽ ra về, đẩy xe ra tận ngõ xa mới nổ máy phóng đi.

Sau đó, từ câu nói của bà mẹ nên anh C. cũng không muốn tiến xa với H.Anh. Anh chỉ lấy lý do “không hợp” để giải thích cho những ngạc nhiên, giận dỗi từ cô gái thành phố. Anh bảo: “Ngay từ đầu, họ đã không coi trọng gốc gác của mình thì khi lấy nhau về liệu vợ mình có chấp nhận chồng?”.

Theo Lê Hiếu


Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG