Cùng thanh niên nông thôn bước vào 'chợ thế giới'

Cùng thanh niên nông thôn bước vào 'chợ thế giới'
TP - Tại lễ sơ kết 2 năm thực hiện phong trào Bốn mới được tổ chức ở Lào Cai ngày 9/11, nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ Đoàn cần giúp thanh niên khai thác đúng thế mạnh từng địa phương, cũng như tư vấn nghề nghiệp, việc làm...
Cùng thanh niên nông thôn bước vào 'chợ thế giới' ảnh 1
   Anh Nguyễn Lam tặng Bằng khen của    T. Ư Đoàn cho các đơn vị thực hiện xuất sắc phong trào Bốn mới.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Lam, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai Vi Lam Sơn cùng lãnh đạo, cán bộ Đoàn của 16 tỉnh, thành trên cả nước đã đến dự lễ sơ kết 2 năm thực hiện phong trào Bốn mới,

Phong trào Thanh niên nông thôn (TNNT) thi đua thực hiện bốn nội dung mới nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (gọi tắt là Bốn mới), bạn đồng hành cùng TNNT đã được T.Ư Đoàn phát động.

Nghèo là sự hổ thẹn?

Nội dung của phong trào Bốn mới, gồm: Hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh (Kỹ thuật mới); Hoạt động phát triển ngành nghề mới, khôi phục và phát triển nghề truyền thống (Ngành nghề mới); Tham gia xây dựng và phát triển thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm (Thị trường mới); Xây dựng các mô hình mới nhằm tăng cường hoạt động liên kết trong sản xuất, kinh doanh (Mô hình mới), đã được hưởng ứng không chỉ trong hệ thống Đoàn.

Theo anh Đỗ Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Nam, tỉnh Hà Nam có hàng nghìn mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi và việc thực hiện chuyển dịch đất trũng sang sản xuất đa canh, đã thu hút đông đảo TN tham gia làm kinh tế trang trại có sự liên kết chặt chẽ trong khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, để hỗ trợ TN nhiều hơn nữa, cán bộ Đoàn cần phát hiện và giúp TN khai thác đúng thế mạnh từng địa phương; tập huấn có chiều sâu về tư vấn nghề nghiệp, việc làm...

Hà Nam, Bạc Liêu và Lào Cai được Ban Bí thư T.Ư Đoàn chọn chỉ đạo điểm của phong trào này. Anh Hứa Tân Hưng - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức hội thảo trong toàn Đoàn có sự tham gia của các cơ quan chức năng.

Qua đó, tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy các nội dung nhằm phát huy vai trò TN, xác định 5 phương pháp để triển khai đồng bộ phong trào Bốn mới với sự tham gia của toàn xã hội, trong đó nhấn mạnh khẩu hiệu Nghèo là sự hổ thẹn để TN toàn tỉnh quyết tâm thoát nghèo.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Lào Cai Trịnh Quang Chinh khẳng định: Bốn mới không chỉ là phong trào của TN mà là của chung toàn xã hội. Từ chỗ vốn vay ủy thác ban đầu cho TN là 10 tỷ đồng, nay đã lên đến hơn 90 tỷ đồng và việc sử dụng nguồn vốn rất hiệu quả, tạo nhiều mô hình, cách làm hay, mang lại thu nhập cho TN. Tuy nhiên, thời gian thực hiện chưa dài, cần phải tiếp tục đầu tư và kiên trì thực hiện nội dung mà phong trào đã đề ra”.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, qua việc triển khai phong trào xuất hiện các mô hình tổ hợp tác, trang trại và HTX Thanh niên đã mang lại việc làm cho hàng triệu TNNT; tác động tích cực đến các hoạt động Đoàn TN tham gia phát triển kinh tế địa phương, cơ sở, góp phần tạo ra quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn trong nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo anh An Đình Doanh, Trưởng ban TNNT (T.Ư Đoàn), đa số các tỉnh, thành đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện phong trào cấp tỉnh do bí thư hoặc phó bí thư Tỉnh Đoàn làm trưởng ban; tổ chức khảo sát và lựa chọn điểm chỉ đạo. Tỉnh Đoàn đứng ra vay vốn cho hộ nghèo, hướng dẫn kỹ thuật, kinh doanh, quan tâm đến thị trường giúp TN chủ động phát triển ngành nghề.

Hàng năm T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn với nhiều nội dung chuyên sâu, tổ chức hội chợ nông nghiệp với quy mô lớn, phong phú và đa dạng giúp TN tiếp cận khoa học kỹ thuật hiện đại, nguồn cây, con giống chất lượng, đồng thời tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm...

Trước thực tế thời gian công tác của cán bộ Đoàn thường không dài, luân chuyển nhanh, anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang đề nghị, cần phải có cơ chế để có những cán bộ Đoàn kiêm cán bộ khuyến nông có chuyên môn, nhằm gắn bó lâu dài với thanh niên, có như vậy phong trào mới ổn định và duy trì lâu dài.

Anh Đỗ Xuân Trường cho rằng, khi phong trào đã được triển khai và tạo những thành công ban đầu thì T.Ư Đoàn phải tính đến việc phối hợp giữa những phong trào đã thực hiện với những phong trào mới, nhằm tránh chồng chéo và giảm bớt thủ tục trong việc triển khai các nội dung, dành công sức và thời gian để đi sâu vào những mô hình đã thành công để nhân rộng; trong đó đặc biệt quan trọng là tháo gỡ khó khăn về vốn, tìm kiếm thị trường cho TNNT.    

MỚI - NÓNG