Cuộc chạy đua kỳ lạ của giới trẻ Nhật

Cuộc chạy đua kỳ lạ của giới trẻ Nhật
Tại Nhật Bản, khủng hoảng kinh tế và những thay đổi trong cách suy nghĩ khiến ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm cách... kết hôn hơn. Và như vậy là lại thêm một xu hướng mới thời khủng hoảng.

Thời đại konkatsu - chạy đua kết hôn - đã tới. Kể từ tháng 4 vừa qua, các kênh truyền hình NHK và Fuji TV đã cho phát một bộ phim truyền hình về đề tài này.

Một manga về đề tài konkatsu cũng đã ra đời, và konkatsu còn trở thành một trong những chuyên mục thường kỳ trên các tạp chí dành cho nữ giới.

Trào lưu chạy đua kết hôn này bắt đầu vào tháng 3 năm 2008 sau khi cuốn “Konkatsu - no jidai (Kỷ nguyên chạy đua kết hôn) được xuất bản.

Cuốn sách do Masahiro Yamada, Giáo sư xã hội học gia đình thuộc Đại học Chuo Tokyo - tác giả của Parasite single-no jidai (Kỷ nguyên độc thân ăn bám) và Toko Shirakawa, một nhà báo đặc biệt quan tâm tới vấn đề giảm tỉ lệ sinh, làm đồng tác giả.

Cuốn sách khép lại bằng câu khẩu hiệu: “Các quý cô, hãy săn đuổi! Các chàng trai, hãy hoàn thiện mình!”.

Vậy phải hiểu konkatsu là thế nào? Theo nghĩa rộng, nó có nghĩa là “hành động để có thể kết hôn”. Ngày nay, nó là khẩu hiệu của mọi dịch vụ nhằm khuyến khích hôn nhân, bao gồm cả gokon, những cuộc gặp mặt do bạn bè hoặc đồng nghiệp tổ chức tại các quán bar hay nhà hàng.

Trong số những hình thức mai mối truyền thống thì trung tâm môi giới hôn nhân xếp vị trí thứ nhất. Từ năm 2000 lượng khách hàng của Zwei đã bắt đầu tăng lên, đây là một trong những văn phòng lớn nhất tại Nhật với 39.000 thành viên.

Ban đầu, chủ yếu chỉ có nam giới đăng ký thành viên nhưng từ năm 2003, tỉ lệ nam-nữ đã đảo chiều, và hiện giờ nữ nhiều hơn nam!

Tháng 4 vừa qua, một cơ sở đào tạo chuyên cung cấp các khóa học chuẩn bị cho hôn nhân đã mở cửa trước ga Nagoya. Trường này dạy 12 môn học, trong đó có cả cách ăn mặc, cách cư xử và nấu ăn, dành cho học viên cả nam lẫn nữ. Học phí lên đến 300.000 yên (khoảng hơn 40 triệu đồng).

Trên Internet, các trang web gặp gỡ không ngừng nở rộ và một số trang còn cung cấp cả dịch vụ tổ chức các cuộc gặp gỡ tại nhà hàng.

Lánh nạn trong hôn nhân?

Vậy đâu là lời giải thích cho xu hướng này?

Lý do đầu tiên chúng ta có thể thấy đó là khủng hoảng kinh tế. Lý do thứ hai là ngày càng có nhiều nam giới có tư tưởng cho rằng không nhất thiết nam giới phải là người cầu hôn, hay nói cách khác là những người đàn ông thuộc típ “ăn cỏ” (ngược với típ đàn ông “ăn thịt”, những người chủ động săn tìm phụ nữ).

Suy nghĩ cho rằng trong tình yêu nam giới luôn phải là người chủ động đã dần trở nên lỗi thời.

Ngoài ra cũng còn có những yếu tố khác, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giải phóng phụ nữ. Trong vòng hai mươi hoặc ba mươi năm vừa qua, phụ nữ Nhật đã trở nên tự chủ, độc lập, không còn phải phụ thuộc vào hôn nhân để sống nữa.

Người ta nói rất nhiều về sự thăng tiến của phụ nữ trong xã hội, nhưng theo Rumi Sato, tác giả của Kekkon nanmin (Phụ nữ lánh nạn trong hôn nhân), “ngay cả khi người ta nói rằng phụ nữ được giải phóng nhờ vào công việc thì cũng chỉ có những phụ nữ có mức thu nhập cao mới có thể sống độc thân.

Bởi, do cuộc khủng hoảng kinh tế, đa số phụ nữ không kiếm được hơn 2 triệu yên (khoảng hơn 300 triệu đồng) một năm, nên rất có thể một phần trong số họ, do không muốn một cuộc sống eo hẹp, sẽ chọn cách tìm chồng”.

Đối với Sugo Shin, cố vấn về nguồn nhân lực, sở dĩ chạy đua kết hôn nở rộ thành một trào lưu đơn giản là bởi “các dịch vụ trợ giúp hôn nhân vốn hốt bạc rất phát triển. Bởi ngày nay không còn các bà hàng xóm để giúp bạn tìm chồng nữa nên hôn nhân đã trở thành một vấn đề rất đáng quan tâm.

Nhưng việc đến một trung tâm môi giới hôn nhân có gì đó khiến người ta xấu hổ và phải lén lút tiến hành. Và hình ảnh tích cực của cụm từ “chạy đua kết hôn” đã khiến cho việc săn tìm được công khai, mang vẻ đàng hoàng hơn.

Sau shukatsu (chạy đua việc làm) và konkatsu (chạy đua kết hôn), ngày nay người ta bắt đầu nói đến rikatsu (chạy đua ly dị) và sankatsu (chạy đua sinh con).

Theo bác sĩ tâm lý nổi tiếng Rika Kayama, “những chuyện như kết hôn, sinh đẻ, ly dị đều liên quan chặt chẽ đến đời sống tinh thần của con người và thật không bình thường khi người ta thực hiện chúng như một nghĩa vụ, theo những quy định.

Hôn nhân là một lựa chọn lối sống. Làm như hiện nay là chúng ta đang đi ngược lại thời đại chúng ta chấp nhận nhiều lối sống.

Đương nhiên là áp lực với hôn nhân và sinh đẻ ngày càng tăng do tỉ lệ sinh đẻ giảm và khủng hoảng kinh tế, nhưng hôn nhân không phải là cái đích cuối cùng, nó chỉ là khởi đầu cho một cuộc sống dài.

Săn tìm hôn nhân để đi đến một cuộc sống chung sẽ chẳng mang lại lợi ích gì nếu như giữa hai người không tồn tại một mối liên hệ gắn bó”

Theo Vũ Minh Thu
SVVN

MỚI - NÓNG