Cuộc hội ngộ xúc động sau nửa thế kỷ

Anh Lê Quốc Phong trao sổ tiết kiệm cho các cựu TNXP. Ảnh: Như Ý.
Anh Lê Quốc Phong trao sổ tiết kiệm cho các cựu TNXP. Ảnh: Như Ý.
TP - Nửa thế kỷ trôi qua, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi ngày ấy, nay gặp lại nhau bùi ngùi xúc động tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với Đại hội các Đội thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước. Sáng 6/1, tại Hà Nội, những bàn tay nhăn nheo nắm lấy nhau, mái tóc bạc phơ kề bên nhau cùng ôn lại thời khắc hào hùng của tuổi trẻ, kỷ niệm được gặp và nghe Bác Hồ căn dặn những điều khắc cốt ghi tâm. 

Tới dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và Hà Nội.

Tại lễ kỷ niệm, nữ anh hùng của lực lượng TNXP Nguyễn Thị Kim Huế (Quảng Bình) xúc động kể lại 7 lần được gặp Bác Hồ, trong đó có 5 lần được Người trực tiếp nói chuyện, mời ăn cơm và tặng quà. Lần gặp Bác Hồ ấn tượng nhất là đoàn đại biểu thanh niên chuẩn bị sang Nga dự Lễ kỷ niệm 55 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại tại Mátxcơva. Bác Hồ đã hỏi vị nữ anh hùng trẻ tuổi sẽ trả lời những gì khi được các nhà báo nước ngoài hỏi về tình hình, chiến tranh Việt Nam. Sau đó, Bác dặn chị trả lời theo tình hình của đất nước và những nỗ lực của bản thân trong cuộc chiến còn nhiều gian khổ, cam go. Sau đấy, một nhà báo Mỹ hỏi bà Nguyễn Thị Kim Huế: “Chị nhỏ bé thế, làm gì để được phong anh hùng?”. Nhớ lời Bác dặn, chị Huế đáp: “Đất nước tôi nhỏ bé nhưng tinh thần đánh giặc không bao giờ nhỏ. Khi bị giặc Mỹ xâm lược, từ già tới trẻ nhỏ, tôi cũng vậy, đã có tinh thần đánh giặc. Tinh thần chúng tôi không nhỏ bé!”. Câu chuyện của bà Huế khiến các cựu TNXP không khỏi bồi hồi, xúc động. Với họ, trong bất cứ chiến công hay thời khắc gian khổ nào, luôn luôn có Bác ở bên ân cần động viên, chia sẻ.

Tiếp bước thế hệ TNXP đi trước, anh Nguyễn Công Diễn, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng, một trong những TNXP thời kỳ mới xung phong xây dựng Đảo Thanh niên đầu tiên Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), chia sẻ câu chuyện thời bình. Anh Diễn cho biết, so với cống hiến, hy sinh của thế hệ TNXP thời chiến tranh, những đóng góp của thanh niên thời nay còn nhỏ bé. Là thế hệ thời bình, anh Diễn và các đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Đảo Thanh niên đầu tiên của cả nước như: Xây dựng hệ thống đường sá, trường trạm để đón dân ra đảo; xây dựng đảo kinh tế gắn với quốc phòng; xây dựng được con người, thế hệ đầu tiên xung phong xây dựng đảo nay đã thành lãnh đạo…

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trương Thị Mai xúc động nói: “Đây là thời khắc có ý nghĩa lịch sử rất đặc biệt đối với lực lượng TNXP trong cả nước. Cách đây 50 năm, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, TNXP và các cựu TNXP trong cả nước, thế hệ đã cống hiến, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bà Trương Thị Mai nói rằng, đối với lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ đã có nhiều lần gửi thư thăm hỏi, khen ngợi, nhiều buổi gặp gỡ căn dặn ân tình. Sự kiện Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước ngày 12/1/1967 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, là câu chuyện cảm động nhất, bởi lúc đó cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang vào giai đoạn cam go, ác liệt, Bác Hồ tuổi đã cao, sức yếu. Những lời động viên, biểu dương và ân cần dặn dò của Bác Hồ tại đại hội đã tiếp thêm ý chí, nghị lực và sức mạnh để tuổi trẻ và lực lượng TNXP cả nước hăng hái lên đường, dũng cảm, ngoan cường bám cầu đường, tất cả cho chiến trường, vì miền Nam ruột thịt để lập thêm nhiều chiến công, có thêm nhiều anh hùng trẻ tuổi.

Không để TNXP chịu thiệt thòi  

Theo Hội cựu TNXP Việt Nam, hiện còn tồn đọng 8.700 hồ sơ cựu TNXP bị thương, gần 7.000 hồ sơ TNXP hy sinh chưa được công nhận là thương binh, liệt sĩ; hơn 10.000 người và 3.000 con cháu của cựu TNXP chưa được giải quyết chế độ nhiễm chất độc da cam; trên 77.000 người chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Đây thực sự là trách nhiệm lớn lao của Đảng, Nhà nước. Bà Trương Thị Mai đề nghị: Các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm đầy đủ việc chăm lo, giải quyết chế độ, chính sách tồn đọng sau chiến tranh cho cựu TNXP. Đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách đối với TNXP kháng chiến, đặc biệt là những cựu TNXP còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Trước mắt, tập trung rà soát hồ sơ hiện có nhưng chưa được giải quyết, phối hợp để xử lý những trường hợp hồ sơ bị thất lạc do điều kiện chiến tranh để các cựu TNXP không chịu thiệt thòi, khó khăn.

Bên cạnh thực hiện chế độ chính sách, bà Trương Thị Mai đề nghị Hội Cựu TNXP Việt Nam và T.Ư Đoàn phối hợp đổi mới công tác giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ nhằm giúp thế hệ trẻ có sự hiểu biết sâu sắc và nâng cao lòng tự hào về truyền thống cách mạng của cha anh, tự tin vững bước, sẵn sàng xung phong, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dịp này, Quỹ xã hội từ thiện Công đoàn giao thông vận tải Việt Nam tặng 440 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng, tổng trị giá 2,2 tỷ đồng) cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua báo Tiền Phong, doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn TNT và Ngân hàng SHB, hỗ trợ 100 triệu đồng để trao tặng cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương. 

MỚI - NÓNG