Cuộc sống mới của đồng bào Đan Lai

Cuộc sống mới của đồng bào Đan Lai
TP - Từ trung tâm TP Vinh, chúng tôi cùng những người lính biên phòng Nghệ An vượt quãng đường hàng trăm cây số, đến xã miền núi Môn Sơn thuộc huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Đây là nơi nhiều năm nay, những chiến sĩ quân hàm xanh đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển bền vững tộc thiểu số Đan Lai.

Cuộc sống mới của đồng bào Đan Lai ảnh 1
Khám bệnh và cấp thuốc cho người Đan Lai ở bản Cò Phạt    

Theo thượng tá Nguyễn Ngọc Minh - Chính trị viên Đồn biên phòng Môn Sơn (đồn 555), tộc người Đan Lai vốn là một bộ phận thuộc dân tộc Kinh, mang hai họ chính là họ La và họ Lê. Nhiều thế kỷ trước, do loạn lạc, những người này phiêu dạt về khu vực hẻo lánh huyện Con Cuông sinh sống.

Trên độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, hàng trăm năm nay, người Đan Lai quần tụ với nhau trong khu vực vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, giáp biên giới Việt - Lào.

Giữa rừng sâu, núi thẳm, không điện, không nước sạch, không trường học… từ đời này qua đời khác, cuộc sống của người Đan Lai gắn liền với đói nghèo, lạc hậu.

Trung tá Nguyễn Văn Vượng - Đồn trưởng 555 kể cho chúng tôi nghe những phong tục lạc hậu trước đây của đồng bào như ngủ ngồi, ngủ trên cây, kết hôn cùng huyết thống, trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ đã được nhúng xuống suối tắm bất kể mùa đông hay mùa hè… 

“Ngày trước, bà con Đan Lai khổ lắm, cái ăn, cái uống đều dựa vào thiên nhiên để săn bắt, hái lượm. Ốm đau cũng không đến bệnh viện”.

Từ năm 1995, Đồn biên phòng 555 đã phối hợp với huyện Con Cuông xóa mù chữ cho đồng bào, làm thủy điện nhỏ, cung cấp cây giống, phân bón, rồi hướng dẫn bà con canh tác, chăn nuôi.

Mưa dầm thấm lâu, cảm động trước những việc làm của Bộ đội Biên phòng, năm 2002, 36 hộ người Đan Lai với 194 nhân khẩu rời thượng nguồn Khe Khặng, đến định cư tại hai bản Tân Sơn và Cửa Rào. Năm 2007, thêm hàng chục hộ đồng tình với Bộ đội Biên phòng, vui vẻ đến nơi ở mới xã Thạch Ngàn.

Bà con nhắc mãi chuyện bộ đội nấu cơm cho ăn, chuyện những chiến sĩ gương mặt sạm đen, mệt mỏi vì sương gió, nhưng vẫn vui vẻ cõng người già, trẻ nhỏ xuống thuyền… 

“Tại hai bản Búng và bản Cò Phạt - nơi vẫn còn hơn 100 hộ người Đan Lai sinh sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia, chúng tôi duy trì hai tổ công tác bốn cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với bà con. Mỗi chiến sĩ trong tổ công tác được phân công giúp đỡ từ hai đến ba hộ, mỗi bản có một chiến sĩ quân y để khám chữa bệnh cho đồng bào”- Trung tá Vượng cho biết.

Chúng tôi đến bản Tân Sơn. Những nóc nhà mới của đồng bào Đan Lai trông khá khang trang, sạch sẽ. Người lớn đã đi làm nương rẫy, chỉ có người già, trẻ nhỏ ở nhà.

Qua phiên dịch viên đặc biệt là ông Vi Văn Tụ (dân tộc Thái) - Phó Chủ tịch xã Môn Sơn, bà La Thị Chung phấn khởi cho biết: “Người Đan Lai biết ơn Bộ đội Biên phòng nhiều lắm. Các anh cho gạo, cho thuốc. Giúp làm ruộng. Lại tặng quần áo và cắt tóc cho trẻ con. Trước đây, nhà tôi nghèo lắm. Bây giờ có ba con bò, một con trâu, có cả xe đạp nữa. Hai cháu nội tôi là La Văn Thắng và La Thị Thu cũng được đi học đấy”.

Hàng xóm bà Chung là ông La Văn Ý xúc động: “Ngày trước chỉ biết xuống suối bắt cá, lên rừng săn thú, chặt củi, có gì ăn nấy. Bây giờ có ruộng, có vườn, có lợn. Không sợ đói nữa”. 

Trò chuyện với đại tá Hoàng Anh Thắng – Chính ủy BĐBP Nghệ An, chúng tôi được biết, tháng 6/2009, hơn 100 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn huấn luyện cơ động BĐBP Nghệ An và toàn bộ quân số của đồn 555 đã vượt dòng sông Giăng vào hai bản trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát tiếp tục giúp dân sản xuất, sửa chữa nhà ở, trường học, vệ sinh làng, bản, cấp phát gạo và thuốc men…

“Khi mới thực hiện đề án, đồng bào chưa thực sự ủng hộ. Bằng những việc làm cụ thể, Bộ đội Biên phòng đã làm được những việc tưởng như không thể. Chúng tôi đang phối hợp vận động di dời thêm 35 hộ ở bản Búng về khu tái định cư ở hai bản Kẻ Hạ và Pá Hạ thuộc xã Thạch Ngàn. Đến năm 2010, sẽ tiếp tục vận động 35 hộ nữa về nơi ở mới” - Đại tá Thắng nói.

MỚI - NÓNG