Cưỡi công nông đi giúp dân cứu rẫy cà phê

SV ĐH Đà Lạt hướng dẫn người dân ủ phân vi sinh Ảnh: ĐTĐL
SV ĐH Đà Lạt hướng dẫn người dân ủ phân vi sinh Ảnh: ĐTĐL
TP - 46 sinh viên (SV) ĐH Đà Lạt vừa hoàn tất Chiến dịch Mùa hè xanh 2019 tại các buôn làng thuộc huyện Đam Rông (Lâm Đồng), một trong những huyện nghèo nhất nước. Với việc áp dụng kiến thức đã học để giúp dân, các bạn giúp người dân giảm chi phí trồng cây cà phê, tăng năng suất, chất lượng hạt cà phê. 

Hạnh phúc vì được bà con tin tưởng

Nhóm SV với nòng cốt là khoa Nông lâm do bạn Lê Thị Thanh Phương làm nhóm trưởng đã vượt hơn 120 km về xã Đạ Tông (huyện Đam Rông) để chuyển giao kỹ thuật canh tác, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh trên cây cà phê cho các hộ người K’Ho. Nhóm đã chọn 2 hộ Kră Săn Ha Chong và Kơ Tría Ha Đông ở thôn N’Tol để triển khai mô hình mẫu về bón phân vi sinh và NPK. Nhóm cũng đã chọn vườn cà phê của 5 hộ gia đình neo đơn, thuộc diện chính sách để thực hành kỹ thuật tỉa bỏ chồi tược, cắt cành tạo tán cho cây cà phê.

“Nhóm em áp dụng những kiến thức được học với mong muốn giúp bà con hiểu thêm về cách trồng và chăm sóc cây cà phê đúng kỹ thuật nhằm tăng năng suất, cải thiện đời sống. Bón phân theo tán cây (chứ không đổ vào gốc) để cây dễ hấp thụ dinh dưỡng; tỉa cành, dọn vệ sinh vườn cho thông thoáng để ngăn ngừa dịch bệnh”, Phương chia sẻ.

Thanh Phương cũng như nhiều bạn SV cảm thấy rất hạnh phúc vì thấy bà con nơi đây tin tưởng, quý trọng thanh niên tình nguyện. Khi nhóm của Phương tiến hành đo độ pH và lấy mẫu đất để mang về phân tích, ông Cil Ha Bông, trưởng thôn Liêng Trang 1 nắm tay, nói: “Con ơi hãy nghiên cứu rồi chỉ cho bà con làm thế nào để đất tốt trở lại và ít sâu bệnh, cà phê xanh tốt và cho nhiều quả…con nhé!”.

Cưỡi công nông đi giúp dân cứu rẫy cà phê ảnh 1 Hướng dẫn người dân cách tỉa cành, tạo dáng cho cây cà phê Ảnh: ĐTĐL

Đang “đóng quân” tại xã Liêng Srônh nhưng khi hay tin các hộ neo đơn ở xã khác cần hỗ trợ khẩn cấp, các SV tình nguyện ĐH Đà Lạt lại lên đường. Chiếc xe công nông chở các bạn vượt quãng đường gần 20km từ xã Liêng Srônh đến cầu số 6 (Tỉnh lộ 722), sau đó lội bộ gần 3km đường đất trơn trượt để vào rẫy cà phê của vợ chồng Ha Hiền ở xã Rô Men. Đôi vợ chồng trẻ này có con nhỏ, trong khi rẫy cà phê cách xa nhà, chồi cà phê mọc um tùm khiến cây khó đậu quả. Các SV tình nguyện đã vặt sạch những đọt chồi thừa để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi trái.

Ði dân nhớ

14 SV do bạn Nguyễn Trung Hổ làm nhóm trưởng đã chuyển giao công nghệ ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê cho nhiều hộ ở huyện Đam Rông. Bà con được hướng dẫn tưới ẩm vỏ trấu, vỏ cà phê rồi trộn với men vi sinh và vôi bột theo tỉ lệ thích hợp, ủ hoai mục rồi bón cho cà phê. Theo Nguyễn Trung Hổ, dùng loại phân vi sinh này thay thế cho phân hóa học vừa giúp nông dân giảm chi phí vừa cho ra các sản phẩm sạch. Được hướng dẫn tỉ mỉ, nhiều hộ dân ở xã Liêng Srônh thấy tiếc nuối vì đến giờ mới biết kỹ thuật ủ phân vi sinh. Lâu nay những hộ này toàn bán rẻ vỏ cà phê cho thương lái trong khi phải mua phân hóa học về bón cho cây, mỗi vụ tốn hàng chục triệu đồng.

Nhóm SV do Trần Gia Huy (khoa Sư phạm) phụ trách đã cùng ăn, cùng ở với người dân xã Đạ Long. Ban ngày giúp dân lao động sản xuất, đêm về các bạn được nghe già làng kể chuyện hoặc học đánh cồng chiêng để thấm cái hồn của người K’Ho, tộc người sinh sống lâu đời trên mảnh đất Tây Nguyên. Khi có cơ hội, nhóm lại tuyên truyền cho các bạn trẻ K’Ho về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết - một vấn đề nhức nhối vẫn còn tồn tại ở Đam Rông, một huyện vùng sâu, vùng xa với 75% là người dân tộc thiểu số. Nhận thấy đa số các bé mẫu giáo dân tộc thiểu số chưa thể nói hoặc nói tiếng Việt chưa chuẩn, nhóm lập tức tổ chức dạy tiếng Việt để các em tự tin bước vào lớp 1.

 “Sau 20 ngày 3 cùng với dân làng, giờ phút chia tay cũng đã đến. Ai cũng xúc động bởi những cái ôm thật chặt, từng cái nắm tay mãi không muốn buông. Bà con nói rằng thanh niên tình nguyện làm bừng sáng cả vùng quê, là tấm gương cho các bạn, các em nơi đây học tập, noi theo. Không chỉ các em nhỏ K’Ho bịn rịn không muốn rời xa mà bản thân em cũng lưu luyến vùng quê yên bình, những người dân chân chất thật thà, ấm áp…”, Thanh Phương thổ lộ.

Anh Phan Tuấn Anh, Bí thư Đoàn trường ĐH Đà Lạt, cho biết năm nay tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng đưa trí thức vào Mùa hè xanh, ứng dụng các mô hình, công trình nghiên cứu của SV vào thực tiễn sản xuất. Sau khi SV rời đi, các công trình này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng. Với việc đổi mới phương thức hoạt động đã bớt đi tính hình thức, phong trào.

MỚI - NÓNG