Cưới lúc nửa đêm ở Butan

Cưới lúc nửa đêm ở Butan
TP - Cặp trai tài gái sắc của điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vĩ - Lưu Gia Linh cũng đã chọn Butan làm địa điểm để tổ chức lễ cưới.
Cưới lúc nửa đêm ở Butan ảnh 1
Lương Triều Vĩ và Lưu Gia Linh trong trang phục cưới truyền thống

Butan là một quốc gia lấy đạo Phật là quốc giáo, đại bộ phận dân chúng đều là phật tử. Trong chuyện cưới xin - sự kiện trọng đại trong đời người, phần lớn các gia đình đều tin theo ý chỉ của thần phật.

Để có được ngày lành giờ tốt, nhiều cặp đã tổ chức đám cưới vào lúc nửa đêm. Người Butan cho rằng, nửa đêm là lúc tâm hồn trong sạch nhất, thích hợp nhất cho việc làm lễ cưới.

Cặp trai tài gái sắc của điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vĩ- Lưu Gia Linh cũng đã chọn Butan làm địa điểm để tổ chức lễ cưới và một nửa lễ cưới của họ được tiến hành theo phong tục truyền thống của người Butan.

Hôm họ cưới, buổi sáng trời có mưa nhỏ khiến mọi người rất vui mừng vì với người Butan mưa là biểu tượng của niềm vui, trời mưa thể hiện Thượng đế đã chúc phúc cho cặp tân hôn. Các vị khách đến dự lễ cưới đều quàng một chiếc khăn trắng, thể hiện chúc mừng cô dâu chú rể.

Tại lễ cưới, các vị khách còn mang lá cờ 5 màu Đỏ, xanh Lục, xanh Lam, Vàng, Trắng với ý nghĩa loại bỏ vận xấu, đón vận may. Các khách nữ đeo vòng tay, thể hiện tình cảm gắn bó với nhau.

Đám cưới của người Butan được tổ chức ở nhà trai, những nhà giàu thì thường dựng lều bạt rất lớn trên sân cỏ trước khách sạn. Đám cưới theo nghi lễ Phật giáo truyền thống được các bậc cao tăng của nhà chùa chủ trì, người càng giàu sang thì càng gắng mời bằng được những bậc cao tăng có uy tín, được trọng vọng nhất.

Vị cao tăng chủ trì đọc kinh chúc phúc cho cô dâu chú rể, sau đó lấy một chiếc hata (tràng hạt) vòng cô dâu chú rể với nhau, cử chỉ này có ý nghĩa hai người sẽ gắn kết với nhau, sống chết không rời.

Tiếp đó, nhà sư chủ trì đưa cho hai người một bát trà. Chú rể uống một ngụm rồi chuyển cho cô dâu uống với ngụ ý hai người cùng ăn cùng uống đến tóc bạc răng long.

Trong khi bậc cao tăng làm lễ, các nhà sư khác dùng nhạc cụ nhà Phật tấu các bản nhạc, không khí rất trang nghiêm. Người Butan cho rằng, đám cưới tổ chức theo nghi lễ Phật giáo rất thiêng liêng, cô dâu chú rễ sẽ được thần phật phù hộ, che chở.

Ở Butan còn có một phong tục truyền thống nữa trong đám cưới, đó là treo các bức hoạ vẽ sinh thực khí của nam và nữ lên tường nhà và trước cổng với ngụ ý chúc cặp tân hôn sớm sinh con nối dõi.

Thu Thủy
Theo China.com

MỚI - NÓNG