“Đặc nhiệm” giữa trùng dương

“Đặc nhiệm” giữa trùng dương
Đó là những chàng trai trẻ trên đảo Trường Sa Lớn, ngày đêm phối hợp với các chiến sĩ hải quân triển khai việc giúp đỡ, cứu hộ tàu thuyền.
“Đặc nhiệm” giữa trùng dương ảnh 1

Nhóm cứu hộ chuẩn bị “xuất kích” trên biển Trường Sa. Ảnh: Tuổi Trẻ

“Ở vĩ tuyến từ... độ vĩ bắc, ... độ kinh đông..., cách khu vực trung tâm khoảng 30 - 40 hải lý, có một tàu đánh cá phát tín hiệu cần sự giúp đỡ. Gió to cấp 5 đến cấp 6... Triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ...”.

Thông tin tổng hợp từ rađa và trạm khí tượng hải văn báo về khiến gương mặt anh Nguyễn Xuân Phùng - trưởng nhóm hỗ trợ, cứu nạn tàu thuyền thuộc UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - trở nên cực kỳ căng thẳng.

Gần 10 năm gắn bó với vùng biển Trường Sa, anh Phùng quá hiểu cơn thịnh nộ của biển cả. Ngay lập tức nhóm đã định vị được vị trí cần hỗ trợ và ba thành viên mặc áo phao, nhanh chóng xuống tàu cứu sinh nổ máy lao thẳng về phía có con tàu đang mắc nạn trong những cơn sóng bạc đầu...

Phía trước mặt là con tàu QN - 90992TS, nhưng sóng gió làm tàu cứu hộ không cặp mạn được. Anh Phùng và Đức Minh, Mạnh Thắng vừa hỗ trợ nhau bẻ lái, vừa tung dây chão về phía mạn tàu đánh cá.

Cùng thời điểm đó, hai chiếc xuồng cứu sinh khác của hải quân Việt Nam trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhận được tín hiệu phối hợp cứu trợ cũng vừa có mặt kịp lúc.

Thuyền trưởng tàu QN - 90992TS Huỳnh Văn Anh cho biết, tàu đánh bắt xa bờ có 25 thành viên của ông đi đến đây thì do gió to, sóng lớn mất phương hướng định vị.

Trên tàu lương thực cũng đã hết lại đang có một thuyền viên bị gãy tay, vết thương khá nặng, nếu không có lực lượng cứu hộ kịp thời thì cả tàu nguy khốn. Lực lượng cứu hộ ngay lập tức lai dắt tàu cá vào đảo cấp cứu...

Anh Nguyễn Xuân Phùng cho biết: “Trường hợp cứu hộ như vậy khá nhiều. Có những con tàu chết máy, bị bão lớn đánh dạt trên biển nhiều ngày... mà chúng tôi vừa phải làm nhiệm vụ cứu hộ từ xa là khảo sát, cung cấp thông tin cho các lực lượng hải quân trên đảo trực tiếp ra ứng cứu. Nhiều lần anh em phải quần thảo giữa biển để chờ tàu lớn đến tiếp cứu, nhường cả áo phao cho thuyền viên bị nạn còn mình bơi giữa biển...”.

Trong sổ báo cáo hoạt động của nhóm hỗ trợ, cứu nạn trên biển Trường Sa: năm 2005 hỗ trợ, cứu hộ cho 63 lượt tàu thuyền bị bão lớn, chết máy, có bệnh nhân cấp cứu, xin cập bến tránh gió, xin nước ngọt, lương thực...

Ba tháng đầu năm 2006 nhóm cũng đã cùng lực lượng hải quân trên đảo cứu hộ hơn 20 lượt tàu, thuyền bị nạn. Trong đó có trường hợp cứu hộ xong lại phải lo cho trên 20 thuyền viên bị nạn ăn Tết Nguyên đán 2006 trên đảo và giúp một bệnh nhân mổ ruột thừa ngay trên đảo.

“Lần đó, tàu cứu sinh đang chạy thì bị sóng đánh lật úp. May mà đã sát đảo, anh em chúng tôi vừa bơi vừa cõng nạn nhân lên được đến bờ thì cả nhóm cứu hộ lẫn bệnh nhân nằm lả xuống đất vì mất sức”,  anh Minh kể.

Để biển mãi bình yên

Hơn hai năm hoạt động, nhóm cứu nạn - hỗ trợ tàu thuyền ở vùng biển Trường Sa của UBND huyện Trường Sa, nhóm cứu nạn tàu thuyền được xem là xa xôi nhất trên các vùng biển của Tổ quốc, đã giúp gần 200 lượt tàu, thuyền gặp nạn về đảo và đất liền an toàn, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản ở vùng biển này để từng bước hình thành một làng ngư dân trên đảo.

Từng là những người lính gắn bó với quần đảo Trường Sa chuyển sang làm công tác dân sự, ba chàng trai trẻ tiếp tục ở lại cắm chốt thường trực trên biển ở lứa tuổi trên dưới 30.

Công việc chính hằng ngày của họ là khảo sát vùng biển, định mực triều, định vận tốc gió, lượng tàu thuyền trên các kinh độ, vĩ độ... từ các đài thông tin duyên hải, trạm rađa, khí tượng hải văn... để xây dựng kế hoạch hỗ trợ tàu thuyền khi có sự cố.

Nguyễn Xuân Phùng, người có thâm niên ở vùng biển này hơn tám năm, quê ở tận Thái Bình, tâm sự: “Vợ và hai con ở quê rất muốn tôi chuyển công việc về gần gia đình nhưng tôi đã tình nguyện ở lại Trường Sa vì với kinh nghiệm của mình, tôi muốn giúp ngư dân yên tâm khi ra đây đánh bắt xa bờ”.

Trần Mạnh Thắng, 27 tuổi, quê ở tận vùng trung du Phú Thọ, tham gia nhóm từ những ngày đầu, vợ sinh con trai đã bảy tháng tuổi nhưng đến giờ cha con vẫn chưa được nhìn thấy mặt nhau.

Thắng cũng dự tính về thăm con nhưng “công việc ở đây bộn bề quá, anh em lại ít người nên không thể bỏ mặc anh em. Tinh thần người lính là thế đấy”.

Trong sổ công tác của nhóm cứu nạn còn lưu nhiều dòng chữ viết tay cảm ơn của các ngư dân được giúp đỡ. Anh Thành, ngư dân ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, được nhóm cứu hộ cứu nạn khi tàu đánh cá bị chết máy, viết: “Chúng tôi xin cảm ơn nhóm cứu hộ, cảm ơn những người lính đảo Trường Sa đã giúp tàu chúng tôi thoát cơn hiểm nghèo. Nếu như không có các anh thì 20 thuyền viên chúng tôi sẽ mãi mãi không còn được trở lại đất liền, mà đã vùi xác giữa biển...”.

Dù vất vả nhưng thấy mình làm được việc có ích, góp phần đưa vùng biển Trường Sa giàu tiềm năng đi lên, đời sống bà con ngư dân vơi đi nỗi nhọc nhằn”, anh Phùng thổ lộ.                     

Theo Vũ Bình
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG